Năng suất lao động Việt Nam: Bức tranh màu xám

author 10:26 04/11/2014

(VietQ.vn) - Kết quả báo cáo năng suất lao động (NSLĐ) cho thấy một bức tranh xám màu hơn so với hai năm trước do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính vẫn còn tiếp diễn. NSLĐ năm 2013 giảm so với năm 2011, đặc biệt là sự suy giảm này chủ yếu do doanh nghiệp siêu nhỏ nông thôn.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Trong khuôn khổ Dự án “Nghiên cứu khu vực doanh nghiệp” giai đoạn 2013 – 2014 do Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA) tài trợ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Tổng cục thống kê (GSO) và Trường Đại học Copenhagen (OuC) phối hợp tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam; Kết quả điều tra doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2013.

Cuộc điều tra này được thiết kế dựa trên bốn vòng điều tra trước đó. Cuộc điều tra được tiến hành bao gồm các cuộc phỏng vấn trực tiếp trong tháng 6, tháng 7 và tháng 8 năm 2013 đối với gần 2.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài quốc doanh hoạt động trong khu vực chế biến.

Điều tra được thực hiện tại 10 tỉnh thành phố bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Tây cũ, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An. Báo cáo này cũng được xây dựng dựa trên những doanh nghiệp đã được phỏng vấn vào các năm 2005, 2007, 2009 và 2011. Các nghiên cứu tiếp theo sẽ sử dụng mẫu của cuộc điều tra gồm gần 2.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đó có các doanh nghiệp được điều tra lặp lại từ năm 2005.

Lại "sốc" với kết quả của cuộc điều tra

Khoảng 70% các doanh nghiệp được khảo sát nói rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn có ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện kinh doanh năm 2013 và chỉ có 15% doanh nghiệp không cảm thấy những tác động tiêu cực của khủng hoảng năm 2007/2008 (được báo cáo trong năm 2011 hoặc 2013).

Tương tự như trong năm 2011, các doanh nghiệp siêu nhỏ ít bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng hơn so với các doanh nghiệp lớn, so sánh năm 2011 và 2013, tổng lao động giảm 7,4%.

năng suất lao động

Năng suất lao động Việt Nam giảm mạnh so với năm 2011. Ảnh minh họa

Môi trường kinh doanh về tổng thể dường như không được cải thiện so với giai đoạn khảo sát trước. Trong giai đoạn 2009-2011, tỷ lệ doanh nghiệp không phải đối mặt với những trở ngại trong kinh doanh rất thấp. Chi phí phi chính thức và tiếp cận tài chính vẫn là một trong những vấn đề nghiêm trọng, tương tự như tình hình của giai đoạn 2009-2011.

Tỷ lệ doanh nghiệp có chi phí phi chính thức năm 2013 cao hơn năm 2011 và tương tự như năm 2009, kết quả điều tra cho thấy chính thức hóa và tăng xác suất có chi phí phi chính thức có quan hệ thuận chiều. Các phân tích về mục đích của các khoản chi phí phi chính thức cho thấy doanh nghiệp có các khoản chi này để nhằm đối phó với cơ quan/người thu thuế cũng như kết nối với dịch vụ công. Tuy nhiên, một phần lớn doanh nghiệp không tiết lộ lý do. Cuối cùng, dữ liệu điều tra cho thấy doanh nghiệp hối lộ có xác suất thoát khỏi thị trường lớn hơn. Do vậy, chiến dịch thông tin về các tác động tiêu cực của tham nhũng có thể cần thiết để giảm áp lực chi phí phi chính thức đối với cả phía cung và phía cầu.

Tỷ lệ đổi mới giảm mạnh so với năm 2011, kể cả về giới thiệu sản phẩm mới và cái tiến sản phẩm hiện có. Đặc biệt, các doanh nghiệp siêu nhỏ nông thôn là động lực chính của sự suy giảm này. Kết quả điều tra cho thấy, sự suy giảm này có thể là một vấn đề đối với tính năng động trong tương lai, do đổi mới thông qua việc cải tiến sản phẩm hiện có quan hệ thuận chiều đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, các chính sách cần hướng trọng tâm đến nâng cao năng lực sáng tạo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

NSLĐ năm 2013 giảm so với năm 2011, đặc biệt là sự suy giảm này chủ yếu do doanh nghiệp siêu nhỏ nông thôn.

Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đầu tư giảm so với năm 2011. Đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ ở miền Nam đóng góp chính vào sự giảm sút này. Số tiền trung bình của các khoản đầu tư từ lợi nhuận giữ lại giảm so với năm 2011, tỷ trọng các khoản đầu tư từ các nguồn phi chính thức tăng lên. Trong bối cảnh đầu tư giảm, các chính sách kinh tế cần xác định xu hướng giảm này cùng với sự chuyển dịch sang sử dụng tín dụng phi chính thức của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tóm lại, báo cáo cung cấp thông tin về thực trạng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam và một số trở ngại chính của khu vực doanh nghiệp này. Kết quả báo cáo cho thấy một bức tranh xám màu hơn so với hai năm trước do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính vẫn còn tiếp diễn. Báo cáo tổng quan về môi trường kinh doanh tại Việt Nam này phản ánh những thách thức tái cấu trúc cơ bản cần phải được giải quyết thông qua một loạt các chính sách mới và một chiến lực phát triển mới. 

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang