Năng suất lao động Việt Nam ở đáy của khu vực Châu Á

author 22:13 30/08/2014

(VietQ.vn) - Điều tra của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho thấy, dù có nhân lực trẻ nhưng Việt Nam lại đang mất cơ hội vì nguồn nhân lực này thiếu trình độ cần thiết.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Năng suất lao động Việt Nam thấp nhất khu vực

Năng suất lao động Việt Nam thấp nhất khu vực. Ảnh minh họa

Ông Gyorgy Sziraczki - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nhận định nguồn lao động trẻ và dồi dào đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng đáng tiếc là trình độ kỹ năng và chuyên môn thấp của người lao động lại cản trở Việt Nam nắm bắt cơ hội không dễ dàng có được ấy

Theo ILO Việt Nam, chỉ có chưa đến 1/5 lực lượng lao động của Việt Nam được đào tạo chuyên môn, và những kỹ năng mà hệ thống giáo dục trang bị cho họ thường không phù hợp với những kỹ năng mà thị trường lao động đòi hỏi.

Báo cáo Điều tra Lao động việc làm 2013 vừa mới công bố cũng chỉ ra rằng, mặc dù tình trạng nói trên đã được cải thiện từ 2010, nhưng vẫn có tới 82% lực lượng lao động, tương đương với hơn 43,5 triệu người, chưa bao giờ qua đào tạo hoặc có bằng cấp.

Nếu so sáng giữa Đồng bằng sông Cửu Long và Hà Nội, ILO cho biết, đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực có trình độ kỹ năng thấp nhất khi cứ 10 lao động tại đây thì chỉ có một người đã qua đào tạo. Trong khi đó, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở Hà Nội là cao nhất cũng chỉ ở mức 37%.

Trầm trọng hơn là sự chênh lệch giữa kỹ năng hệ thống giáo dục và đào tạo trang bị cho người lao động với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai.

Nhiều ngành ở Việt Nam gặp khó khăn vì thiếu nhân lực tốt

Nhiều ngành ở Việt Nam gặp khó khăn vì thiếu nhân lực tốt. Ảnh minh họa

Trong một cuộc khảo sát về nhu cầu kỹ năng mới đây do ILO thực hiện với hơn 200 doanh nghiệp trong ngành du lịch ở miền Trung Việt Nam, toàn bộ các chủ doanh nghiệp đều cho biết sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không đáp ứng yêu cầu công việc ở đơn vị của họ.

Cũng trong một nghiên cứu mới đây của ILO cho thấy, năng suất lao động của Sigapore năm 2013 cao gấp 15 lần năng suất lao động của Việt Nam. Thậm chí, năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng một phần năm so với Malaysia và hai phần năm so với Thái Lan, hai quốc gia thu nhập trung bình khác thuộc khối ASEAN.

Trước đó, số liệu của ILO cũng cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á – Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore, Nhật và Hàn Quốc lần lượt là 15 lần, 11 lần và 10 lần.

Đáng chú ý là hiện tốc độ tăng của năng suất lao động đang giảm đi tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2002-2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2%/năm - mức cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm của Việt Nam chậm lại, chỉ còn 3,3%/năm.

Một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân của tình trạng năng suất lao động ở Việt Nam thấp là do lao động chưa được đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, thể lực người lao động kém, kỹ năng yếu, kỹ thuật và công nghệ sản xuất thấp v.v...

 Hồng Anh (T/h)


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang