Năng suất nền kinh tế Việt Nam chưa xứng với tiềm năng

authorHồng Anh 18:03 10/06/2014

(VietQ.vn) - Việt Nam đang tụt hậu xa so với các nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới. Điều này đòi hỏi phải có sự đổi mới sáng tạo để rút ngắn khoảng cách và ngăn chặn tụt hậu của nền kinh tế.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Tăng trưởng GDP của Việt Nam

Tăng trưởng GDP của Việt Nam. Ảnh minh họa

Tại một giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo ở Việt Nam thông qua cộng đồng khởi nghiệp" do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, các chuyên gia đều cho rằng, Việt Nam đang tụt hậu 3-5 năm so với các nước Đông Nam Á và hơn 7 năm so với các nước châu Âu. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nếu không đổi mới sáng tạo thì Việt Nam sẽ càng tụt hậu.

Theo ông Trần Quốc Thắng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ, trong xu thế hội nhập toàn cầu, nếu Việt Nam không đổi mới sáng tạo thì sẽ bị lạc hậu. Muốn phát triển bền vững và đuổi kịp các nước trên thế giới thì phải nâng cao năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Giải pháp duy nhất cho vấn đề này là đổi mới sáng tạo. 

"Đổi mới sáng tạo là đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào ứng dụng phát triển kinh tế xã hội, là 1 trong 3 giải pháp quan trọng nhất mà chính phủ Việt Nam đang thực hiện để phát triển đất nước một cách bền vững" - ông Thắng cho biết.

Tuy nhiên, đổi mới không có nghĩa là phải tạo ra những phát minh, mà đó có thể là thay đổi mô hình kinh doanh hay thích nghi với môi trường mới để cung cấp các sản phẩm tốt hơn ra thị trường. Như vậy thì đổi mới là cải thiện năng suất một cách liên tục và hiệu quả. 

"Đổi mới quan trọng vì nó có thể giúp Việt Nam có được những sản phẩm tốt và khai thác tối đa những ý tưởng hay tài năng mới. Tăng năng suất là yếu tố cơ bản để có thể đạt được tăng trưởng nhanh chóng. Đổi mới sẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt hơn, thúc đẩy phát triển. Ý tưởng mới giúp giải quyết các vấn đề hay khó khăn trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp... Năng suất hiện nay của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng. Đổi mới rất quan trọng để nâng cao năng suất, tạo ra những đột phá để giải quyết các vấn đề về kinh tế xã hội" - bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh. 

Ông Bobby Liu - sáng lập viên Asia Startups Corporation cho biết, chỉ cần có sự hỗ trợ hợp lý và một chút may mắn thì Việt Nam hoàn toàn có thể theo kịp các nước tiên tiến.

"Hiện nay Việt Nam đang tụt hậu 3-5 năm so với các nước Đông Nam Á và hơn 7 năm so với các nước Châu Âu. Mặc dù vậy, với sự hỗ trợ hợp lý, các bạn sẽ không mất nhiều thời gian để đuổi kịp các nước. Việt Nam có nhiều người tài, các bạn chỉ cần sự hỗ trợ hợp lý và một chút may mắn" - ông Bobby Liu cho biết.

Năng suất lao động Việt Nam đạt thấp

Năng suất lao động Việt Nam đạt thấp. Ảnh minh họa

Theo bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp thường gặp nhiều rủi ro và rất sự cần hỗ trợ.

"Một trong những việc Chính phủ có thể làm là đưa ra những quy định rõ ràng, dễ hiểu và ổn định. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ kĩ thuật cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp để họ có được kiến thức về quản trị doanh nghiệp. Bởi các doanh nhân mới khởi nghiệp có ý tưởng mới, nhưng đôi khi không biết hiện thực hóa ý tưởng đó như thế nào. Do vậy họ cần được hỗ trợ để có kiến thức quản trị doanh nghiệp nói chung, cũng như quản lý tài chính doanh nghiệp nói riêng. Như vậy, Chính phủ có thể đóng vai trò trong việc đào tạo cho các doanh nhân khởi nghiệp. Vấn đề quan trọng nhất là vấn đề tài chính. Chính phủ không cần phải là nguồn cấp vốn chủ yếu cho các doanh nghiệp khởi sự, nhưng Chính phủ có thể tạo ra môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn tài chính để họ bắt đầu hoạt động kinh doanh của mình.  Chính phủ cũng cần đóng vai trò trong cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, Chính phủ không có nhiều nguồn vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi sự. Tuy nhiên, Chính phủ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và vận hành các quĩ đầu tư mạo hiểm, và kết nối các doanh nghiệp khởi sự với các quĩ đầu tư mạo hiểm này" - bà cho biết.

Còn theo ông Đỗ Tuấn Anh - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Appota, những bạn trẻ muốn tự khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ là đừng sợ thất bại, nghĩ lớn nhưng hãy bắt đầu từ những điều nhỏ, và không ngừng học hỏi để bổ sung kiến thức cho bản thân. Đặc biệt, muốn khởi nghiệp thành công cần phải có đủ quyết tâm để giải quyết một nỗi đau nào đó của mình hoặc của một cộng đồng. 

 

 

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang