Cần ‘đối xử’ công bằng với môn lịch sử?

authorHòa Lê 06:57 19/11/2015

(VietQ.vn) - Đề án tích hợp môn lịch sử với các môn giáo dục đạo đức và quốc phòng an ninh của Bộ GD – ĐT, đang hứng chịu nhiều phản ánh gay gắt từ giới chuyên môn và bạn đọc.

Theo Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT công bố ngày 5/8 để tiếp thu ý kiến xã hội, nhiều môn học sẽ bị thay đổi về vị trí theo hướng giảm môn bắt buộc và tăng dần tự chọn. Trong phần VII của Dự thảo: Định hướng xây dựng các chương trình môn học và hoạt động giáo dục khác, nhiều người quan tâm đến vị trí môn Lịch sử.

Nếu ở tiểu học, Lịch sử được tích hợp trong bộ môn khoa học xã hội theo dạng bắt buộc, thì ở cấp THPT, môn học này được phân hóa trở lại trong các môn tự chọn. Cấp THPT sẽ chỉ còn 4 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán, Công dân với Tổ quốc (tích hợp từ ba phân môn Giáo dục đạo đức, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng an ninh).

Ngay sau khi đề án tích hợp môn lịch sử với các môn giáo dục đạo đức và quốc phòng an ninh của Bộ GD – ĐT được đưa ra, đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Theo báo Thanh Niên đưa tin, các bạn đọc yêu lịch sử khẳng định họ sẽ phản đối đến cùng đề án tích hợp này. “Đừng thấy việc dạy lịch sử khó quá, không biết phải làm sao dạy cho có hiệu quả rồi tìm cách bỏ” - một bạn đọc nói.

Học sinh Trường tiểu học trong giờ học ngoại khóa môn lịch sửHọc sinh tại một Trường tiểu học trong giờ học ngoại khóa môn lịch sử

Các bạn đọc cũng lo ngại việc tích hợp như thế sẽ làm mất tính hệ thống của bộ môn này. Học sinh sẽ có những kiến thức rời rạc, phiến diện, không đầy đủ về lịch sử. Các ý kiến đều đồng ý rằng, việc bỏ môn sử là có lỗi với tổ tiên, dân tộc Việt Nam cũng như với cả nhân loại trên thế giới.Bạn đọc Trần Quang Dinh cho rằng nếu bạn bè quốc tế biết một đất nước đã có nền văn hiến tự lâu đời mà lại bỏ môn lịch sử trong chương trình giảng dạy thì chắc chắn sẽ cười chúng ta. “Vì những cường quốc như: Mỹ, Nhật, Úc, Canada, Pháp… luôn coi trọng môn học này!”, bạn đọc Trần Quang Dinh nói.

Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc cũng lo ngại: “Không biết nước ta đã đào tạo được đội ngũ giáo viên dạy được môn tích hợp này chưa? Giáo viên dạy một môn đã khó giờ còn tích hợp thêm mấy môn nữa làm sao dạy được?”, một bạn đọc nói.

Một câu nói được trích dẫn nhiều trong bình luận của các bạn đọc thuộc về nhà thơ xứ Đaghestan (thuộc Liên bang Nga) Rasul Gamzatov: “Nếu anh bắn quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác!”.

Ngày 15/11, Hội thảo khoa học "Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông" do Hội khoa học Lịch sử tổ chức, thu hút sự tham gia của hàng trăm giáo sư, phó giáo sư và các chuyên gia. Tại hội thảo nhiều chuyên gia về lịch sử đã phản ứng gay gắt trước việc tích hợp môn Lịch sử với các môn khác trong chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT. Đa số ý kiến cho rằng, việc tích hợp này là thiếu nền tảng khoa học, thiếu cơ sở thực tiễn.

S Phan Huy Lê cho rằng nếu xóa bỏ môn lịch sử là điều rất nguy hiểmGS Phan Huy Lê cho rằng nếu xóa bỏ môn lịch sử là điều rất nguy hiểm

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử, cho biết môn sử xuống cấp có nhiều nguyên nhân như sách giáo khoa, lối học và thi cử nặng nề. Nhưng cao hơn, là do nhận thức không đúng về vị thế và yêu cầu giáo dục môn lịch sử, không tôn trọng và nêu cao tính khoa học của môn học. “Tuyệt đối không được lấy cớ về sự sa sút của môn lịch sử để xóa bỏ môn học này dưới bất cứ phương thức nào”, theo báo Thanh Niên đưa tin.

Hòa Lê (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang