Nên hay không vay Trung Quốc 7.000 tỷ đồng làm cao tốc Vân Đồn – Móng Cái?

author 06:02 27/07/2016

Lời đề nghị của Trung Quốc về việc cho Việt Nam vay hơn 300 triệu USD để thực hiện dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đang được các bộ ngành cho ý kiến.

Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc

Ý kiến trái ngược

Thông tin trên Vietnamnet cho biết, Trung Quốc đang có đề xuất về việc cho vay hơn 300 triệu USD, tương đương 7.000 tỷ đồng, dự kiến giai đoạn 1 là 382 triệu USD trong đó vốn vay từ Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc là 304,6 triệu USD, phần đối ứng của Việt Nam là 77,33 triệu USD để làm đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, hiện các bộ ngành vẫn còn ý kiến trái ngược nhau.

Cụ thể, phía Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc cho dự án là hợp lý bởi đây là dự án quan trọng, cấp bách. Đồng thời, kiến nghị chuyển thẩm quyền quyết định đầu tư từ tỉnh Quảng Ninh sang Bộ Giao thông vận tải.

Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, các khoản vay ưu đãi bên mua của Trung Quốc đều là các khoản vay có ràng buộc, phải sử dụng nhà thầu, công nghệ, máy móc, thiết bị của nước cho vay.

Cũng theo Bộ Tài chính, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc là dự án đầu tư phát triển có nguồn thu trực tiếp, do đó cần tính toán, so sánh với khả năng huy động vốn từ các nguồn khác có chi phí rẻ hơn hoặc chất lượng, công nghệ tốt hơn nhằm giảm rủi ro trong quá trình xây dựng dự án.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc chủ trương sử dụng vốn tín dụng ưu đãi bên mua của Trung Quốc cho dự án này.

Phía Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng, việc huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để sử dụng cho dự án là phương án thích hợp trong điều kiện hiện nay.

Tuy nhiên, bộ này nhấn mạnh, điều kiện vay của khoản tín dụng 300 triệu USD nêu trên “chưa đủ ưu đãi” để sử dụng cho dự án theo cơ chế tài chính ngân sách nhà nước cấp phát như đề xuất của Bộ Giao thông vận tải do đó Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng chủ trương này cần được cân nhắc kỹ hơn.

Có thể dây dưa, nâng vốn?

Trao đổi với DĐĐT về vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, thực chất Trung Quốc muốn cho vay xây dựng cao tốc Vân Đồn – Móng Cái để thúc đẩy kết nối đường bộ và Trung Quốc có thể sử dụng cảng Vân Đồn vận tải hàng hoá, như vậy sẽ thuận lợi cho Trung Quốc trong việc xuất nhập khẩu hàng hoá.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM  

Ông Doanh cho rằng, Trung Quốc khi cho vay bằng Quỹ hỗ trợ xuất nhập khẩu của Trung Quốc như đã cho vay nhiều dự án tại Việt Nam theo đó, Việt Nam phải sử dụng các nguyên vật liệu như thép, xi măng của Trung Quốc để làm đường. Trong khi, các nguyên vật liệu này đều là những nguyên vật liệu dư thừa tại Trung Quốc do đó cũng giúp Trung Quốc có thể giải toả một phần nguyên vật liệu đã sản xuất dư thừa.

“Việt Nam cũng phải chấp nhận phương án thi công, thiết kế, nhân công của Trung Quốc. Thậm chí, không ngoại trừ trường hợp Trung Quốc cho vay không đủ tiền, dây dưa nâng vốn như đối với nhiều công trình chẳng hạn dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông”, ông Doanh dẫn chứng thêm.

Vị chuyên gia này cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng, Vân Đồn là địa điểm chiến lược về kinh tế, quốc phòng vì vậy càng nên xem xét một cách kỹ lưỡng và thận trọng hơn.

Trường hợp ký hợp đồng với phía Trung Quốc, theo TS. Lê Đăng Doanh, cần xem cụ thể các điều khoản cho vay và giám sát dự án.

Đồng thời, ông cũng đề xuất nếu vay có thể vay từ Ngân hàng Đầu tư kết cấu hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng với những điều kiện ràng buộc ít hơn.

“Trước khi khi vay cũng cần công bố các điều kiện vay để giới chuyên môn và dư luận đánh giá. Cần hết sức thận trọng và cân nhắc, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang muốn đạt tăng trưởng”, vị chuyên gia lưu ý.

Theo DĐĐT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang