Nên sớm ban hành bộ quy định về đạo đức giáo viên mầm non

author 07:56 20/12/2013

(VietQ.vn) - Khoảng mấy năm trở lại đây, giáo dục mầm non liên tiếp phải chứng kiến nhiều sự vụ đau lòng liên quan đến việc các bảo mẫu, giáo viên mầm non bạo hành trẻ, gần nhất là vụ việc của trường Mầm non Tư thục Phương Anh. Bên cạnh việc lên án các giáo viên mầm non có hành vi sai trái, xã hội cũng đặt ra câu hỏi: “Quá trình đào tạo giáo viên mầm non có vấn đề?”.

Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Thị Nga (nguyên Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Trung ương) để làm rõ câu hỏi trên.

TS. Trần Thị Nga cho rằng nên ban hành một bộ quy định về đạo đức cho giáo viên mầm non

Mấy ngày nay, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ việc hai giáo viên của trường Mầm non Tư thục Phương Anh “vô tư” đánh đập trẻ em. Bà đã xem clip và biết đến vụ việc này?

Khi xem đoạn clip đó tôi đã vô cùng đau xót. Một người bình thường thì cũng không thể có những hành vi độc ác, dã man như vậy đối với trẻ, họ lại là giáo viên mầm non nên tôi thấy càng không thể chấp nhận được. Nó thực sự là bài học cho giáo dục mầm non nói chung.

Một số ý kiến cho rằng việc liên tiếp xảy ra các vụ bảo mẫu hành hạ trẻ là do quá trình đào tạo chuyên môn, đạo đức cho sinh viên ngành giáo dục mầm non chưa đến nơi đến chốn. Bà đánh giá thế nào về nhận định này?

Thực tế, những vụ việc tiêu cực không chỉ xảy ra ở riêng ngành giáo dục mà còn ở các ngành khác như y tế, pháp luật. Vì đối tượng của những ngành này liên quan trực tiếp tới con người, đạo đức nên thường được xã hội quan tâm hơn.

Trẻ em luôn là đối tượng được ưu tiên nhất trong bất kỳ xã hội nào. Do đó, ngành giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói chung để xảy ra các sự vụ bảo mẫu, giáo viên mầm non đánh đập, hành hạ trẻ đều là những tai nạn đáng tiếc. Trách nhiệm của công tác đào tạo là không thể phủ nhận nhưng điều đó cũng không có nghĩa là công tác đào tạo chưa đến nơi đến chốn. Nếu cho rằng nguyên nhân cốt lõi gây ra các vụ việc đau lòng này là do chất lượng đào tạo giáo viên mầm non thì có vẻ hơi phiến diện và nặng lời. Bởi suốt những năm gần đây, giáo dục mầm non luôn rất cố gắng để nâng cao chất lượng đào tạo.

Nội dung đào tạo cho sinh viên ngành mầm non đều nhấn mạnh đến phẩm chất của giáo viên mần non, bao gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ. Ở học phần giáo dục học đại cương, giáo dục học mầm non đều có những bài giảng về đào tạo đạo đức cho sinh viên, mặc dù không tách riêng ra thành giáo đức. Theo đó, trước hết mỗi giáo viên đều phải quan tâm đến sức khỏe, nhu cầu và quá trình hình thành nhân cách của đứa trẻ sao cho đứa trẻ cảm thấy thích đi học, thích giáo viên. Đây cũng là mục tiêu của giáo dục song mong muốn là tốt nhưng kết quả đạt được thì lại chưa cao, không phải tất cả sinh viên đều thực hiện được những điều đã được đào tạo, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như môi trường, địa phương…

Nói như vậy tức là đào tạo chỉ là một trong số nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ việc liên quan đến giáo viên mầm non đánh đập trẻ nhỏ. Còn các nguyên nhân khác là gì, thưa bà?

Đa số các vụ bạo hành trẻ thường xảy ra ở các cơ sở mầm non tư thục, hầu hết giáo viên ở các trường này chưa qua đào tạo bài bản về giáo dục mầm non trong khi theo quy định thì giáo viên chuẩn mầm non phải qua đào tạo trung cấp chuyên nghiệp về giáo dục mầm mon. Vì thiếu kỹ năng, hiểu biết nên thậm chí có giáo viên còn không nhận thức được việc mình làm là sai, là phạm luật, họ còn nói rằng nhiều cha mẹ trẻ yêu cầu phải làm thế để ép trẻ ăn hoặc họ coi việc dùng những cách cực đoan để tắm rửa cho trẻ cũng chỉ là chuyện bình thường. Nếu họ biết làm thế này là vi phạm luật pháp, phải chịu các khung hình phạt thì có lẽ họ đã sợ và không dám hành động như thế.

Từ thực tế này có thể thấy một điều, việc xử lý các hồ sơ thành lập trường mầm non tư thục chưa chặt chẽ, các trường được mở dù chưa đạt được đủ các yêu cầu bắt buộc cần có cho một trường mầm non tư nhân. Điều đó dẫn tới nhiều cán bộ làm việc trong trường chưa qua đào tạo bài bản về giáo dục mầm non.

Qua quá trình kiếm tra, thanh tra các cơ sở mầm non tư thục và gia đình phải thực chất hơn, không chỉ là kiểm tra định kỳ cho có bởi việc này rất quan trọng, liên quan đến cả việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, đảm bảo an toàn nói chung cho đứa trẻ (an toàn thân thể, vệ sinh thực phẩm…) Đồng thời phải kiểm tra cả phẩm chất, đạo đức của chính những người giáo viên.

Mặt khác hiện nhiều vị phụ huynh có nhận thức rất giản đơn về giáo dục mầm non, thiếu quan tâm tới con em mình. Vì chưa quan tâm đủ nhiều đến con cái nên họ mới không phát hiện ra những bất thường của trẻ khi ở nhà. Nếu phát hiện sớm, có can thiệp kịp thời thì có lẽ vụ việc đã không đau lòng và kéo dài trong thời gian lâu như vậy.

Để không còn những vụ bạo hành trẻ nhỏ khiến xã hội phẫn nộ, theo bà chúng ta cần phải làm gì?

Như đã phân tích ở trên, để ngăn chặn những vụ việc bạo hành trẻ nhỏ, chúng ta cần chặt chẽ hơn trong việc cho phép thành lập và giám sát hoạt động của các cơ sở mầm non tư nhân, đồng thời nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh bằng cách thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về giáo dục mầm non cho họ.

Đặc biệt, ở nhiều nước trên thế giới như Úc, Singapore, họ có Bộ Quy định về đạo đức đối với giáo viên mần mon, được coi như giáo đức đề cập đến nhiều mối quan hệ giữa giáo viên mầm non với đồng nghiệp, với phụ huynh, với trẻ và với cộng đồng. Nó như một văn bản dưới luật, nếu vi phạm thì phải chịu các hình thức xử lý. Nếu nước ta xây dựng được một bộ quy định này thì có lẽ sẽ giảm thiểu được những vụ việc giáo viên mầm non bạo hành trẻ nhỏ.

Trong một hội thảo gần đây, tôi đã nghe một vài lãnh đạo của các trường mầm non tư thục đặt ra câu hỏi sinh viên thực tập đến các cơ sở mầm non nhưng lại có lời nói xúc phạm đến phụ huynh học sinh thì xử lý ra sao. Tôi đã nói rằng hiện tại Bộ GD và ĐT chưa ban hành quy định nào về việc xử lý các trường hợp này song bản thân mỗi trường có thể dựa trên những quy định chung của pháp luật để ban hành những điều lệ riêng về đạo đức với giáo viên mầm non trong trường mình, khi có vụ việc này xảy ra thì có thể nhìn vào đó xử lý.

Cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!

Thanh Thu (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang