‘Nét chấm phá’ trong bức tranh chất lượng hàng hóa và thị trường 2017

author 07:30 14/02/2018

(VietQ.vn) - Năm 2017, hàng Việt Nam đã có những bước tiến bộ trước sức ép của hàng hóa nước ngoài, một số nhóm mặt hàng đã được cải tiến đổi mới về chất lượng và mẫu mã, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

Hàng nông sản - một năm sóng gió

Năm 2017, lạm phát cơ bản tháng 12 chỉ tăng 0,11% so với tháng 11 và tăng 1,29% so với cùng kì năm trước. Năm 2017, lạm phát cơ bản so với 2016 tăng 1,41%. Như vậy, lạm phát chung có mức tăng cao hơn so với lạm phát cơ bản; nó phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao. Lạm phát cơ bản đạt mức 1,41% , thấp hơn mức kế hoạch là 1,69% - 1,8% cho thấy chính sách tiền tệ vẫn được điều hành ổn định trong năm.

Nhìn chung, việc điều hành giá cả hàng hóa trong năm 2017 tuy đã đạt được chỉ tiêu đề ra là 4% song chúng ta không thể không nhớ lại một số sóng gió của giá cả và thị trường hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn hơi được “giải cứu”. Người đứng đầu Chính phủ có ý kiến : “Chuyện heo hơi rớt giá vừa qua gây thiệt hại cho người nông dân, trong khi giá bán ở siêu thị vẫn là 100.000đ/kg, tôi yêu cầu Bộ NN & PTNT và Bộ Công thương cần làm rõ nguyên nhân và khẩn trương khắc phục” (tại phiên họp Chính phủ thường kì 4/5/2017). Cho đến thời điểm tháng 12/2017, giá heo hơi tuy có hồi phục ở mức từ 30.000đ - 35.000đ/kg hơi song chưa đạt được mức mà người chăn nuôi có thể yên tâm tiếp tục nghề của mình.

Bức tranh chất lượng hàng hóa Việt Nam 2017 

Theo dự đoán tình hình còn khó khăn về giá hết quý I -2018. Thực tế trong năm qua, ngoài thịt lợn, còn có một số mặt hàng nông sản khác tiếp tục gặp khó khăn bị rớt giá như bí đỏ, cà phê, hồ tiêu, chuối, gừng,v.v… Người đứng đầu ngành nông nghiệp thẳng thắn đánh giá: “Chăn nuôi lợn có 3 khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ thì 2 khâu cuối là yếu nhất” Thực ra các mặt hàng nông sản khác ở Việt Nam đa phần cũng có tình trạng tương tự như mặt hàng thịt lợn.

Hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu

Về hàng hóa trên thị trường trong năm 2017, nguồn cung rất dồi dào, đa dạng và phong phú về chủng loại, giá cả, chất lượng có rất nhiều cung bậc khác nhau. Riêng hàng Việt Nam đã có những bước tiến bộ trước sức ép của hàng hóa nước ngoài, một số mặt hàng, nhóm hàng đã được cải tiến đổi mới về chất lượng và mẫu mã, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng như: dệt may, da giầy, bóng đèn, phích nước, dây cáp điện; một số mặt hàng thực phẩm chế biến, đồ uống giải khát,...

Thị trường Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều hàng hóa của các nước khác với quy mô ngày càng lớn và có mặt ở các kênh phân phối nội địa. Đó là hàng hóa của Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung quốc, New Zealand, Malaysia, Indonesia,v.v. Đặc biệt là Thái Lan, nước có mức độ thâm nhập mạnh cả ở sản xuất, hệ thống phân phối và hàng hóa vào thị trường Việt. Trong các mặt hàng nhập vào thị trường Việt, nhiều nhất là mặt hàng rau củ quả; theo thống kê thì chỉ trong năm 2017, Việt Nam đã nhập 1,6 tỷ đô la rau quả của các nước, tăng 40% so với năm 2016.

Một điều cần lưu ý là trong 1 – 2 năm gần đây, những mặt hàng sản xuất ở Trung Quốc và một số nước khác đa phần chất lượng không cao nhưng lại đội lốt hàng Việt Nam có uy tín và chất lượng cao từ trước đến nay để tiêu thụ ở thị trường nội địa. Tình trạng sản xuất và kinh doanh hàng giả, buôn bán hàng lậu, hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phức tạp và khá phổ biến trên thị trường, nhiều ổ sản xuất hàng giả ở ngay nội địa, có địa chỉ rõ ràng, ai cũng biết nhưng chưa được các địa phương và các lực lượng chức năng xử lý triệt để.

Người lãnh đạo Bộ Công Thương đã thừa nhận những yếu kém của lực lượng quản lý thị trường, điển hình nhất là vụ Khaisilk gần đây bị phanh phui nhưng lại do người đặt hàng tự phát hiện. 30 năm Khaisilk làm ăn gian dối ở Trung tâm Thủ đô mà không bị phanh phui là một điển hình cho sự yếu kém đó.

Về hệ thống phân phối nội địa, cả nước có 700 siêu thị, 125 Trung tâm thương mại, 9000 chợ các loại và hàng triệu hộ kinh doanh, trong đó các doanh nghiệp FDI có 100/700 điểm bán trong toàn quốc, họ chỉ có 1/7 về số lượng nhưng họ đã chiếm trên 50% thị phần bán lẻ hiện đại, bởi vì một điểm bán của họ bằng 5-7 lần so với 1 siêu thị của VN.

Còn theo Bộ Công Thương thì các doanh nghiệp nước ngoài còn chiếm lĩnh 70% thị phần bán lẻ ở cửa hàng tiện lợi, 15% siêu thị mini, 50% thị phần cửa các hình thức bán hàng trực tuyến. Cạnh tranh trong bán lẻ không còn là cạnh tranh đơn thuần, giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài mà hiện nay còn cạnh tranh giữa siêu thị và chợ, và cửa hàng bán lẻ truyền thống giữa các kênh bán hàng trực tiếp và kênh bán hàng qua mạng. Cuộc cạnh tranh này, thế yếu thuộc về các kênh bán hàng đều thuộc doanh nghiệp Việt Nam.

Một bài học về sự cạnh tranh là sự việc đóng cửa của các cửa hàng bán lẻ trực tiếp ở Mỹ với số lượng gần 7000 cửa hàng trong năm 2016 do không cạnh tranh được với các tổ chức bán hàng qua mạng. Khảo sát của công ty Nielsen cũng cho biết, tại thành phố HCM và HN từ 2012 đến 2016, doanh thu bán hàng của kênh bán hàng tiện lợi đã tăng 3 lần, trong khi đó, doanh thu của các chợ giảm từ 85% xuống còn 79%, cửa hàng tạp hóa truyền thống giảm từ 60% còn 52%. Bài học này dành cho các doanh nghiệp bán hàng trực tiếp ở hệ thống bán lẻ Việt Nam, kể cả trong nước và nước ngoài.

“Sân chơi” của các siêu thị, TTTM bị thu hẹp

Siêu thị, TTTM ngày nay đã không còn “độc diễn” trên thị trường nội địa, việc xuất hiện các mô hình kinh doanh mới như cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, kinh doanh qua mạng buộc các siêu thị, trung tâm thương mại đang độc tôn về thị phần bán lẻ hiện đại “làm mình làm mẩy” với các nhà cung ứng hàng hóa cho mình phải suy nghĩ lại để tự đổi mới.

Về nhiệm vụ điều hành giá cả thị trường năm 2018, trước hết là giá cả Tết Mậu Tuất sắp đến, căn cứ vào lực lượng hàng hóa và năng lực của hệ thống phân phối hiện nay, và sức mua của thị trường thì khả năng có những đột biến về giá là khó có thể xẩy ra, nhất là nhóm hàng hóa công nghiệp tiêu dùng hàng bách hóa, may mặc và dụng cụ gia đình.

Có một chút lo lắng về một số mặt hàng tươi sống đầu vị cao cấp mà hệ thống siêu thị những ngày cận Tết không có đầy đủ hoặc không có đủ mặt hàng như ngoài thị trường tự do ở chợ và cửa hàng lẻ như gà ta, thủy hải sản tươi sống, rau củ cao cấp, giò nóng các loại, thịt bò loại ngon, khả năng những mặt hàng trên tăng giá từ 10% - 20% là một điều có thể xảy ra trước và sau Tết Âm lịch.

Sự chuẩn bị của các địa phương như Hà Nội, thành phố HCM và các tỉnh thành khác với một lượng hàng hóa lớn làm cho chúng ta yên tâm hơn, tuy nhiên, quỹ hàng hóa đó cũng cần phải làm rõ: trong đó hệ thống thương mại nhà nước, các siêu thị mà địa phương điều hành được, nắm giữ bao nhiêu %, có áp đảo được thị trường tự do hay không? Ai quyết định giá bán của quỹ hàng hóa đó? Mạng lưới phân phối có phủ khắp các thị trường trong địa phương hay không? Đó mới là điều mà người tiêu dùng quan tâm nhất trong dịp Tết sắp đến.

Chuyên gia lo ngại đeo nhầm mã số mã vạch Việt Nam cho hàng hóa 'made in China'(VietQ.vn) - Câu chuyện về Khaisilk được các chuyên gia đưa ra làm ví dụ khi đề cập đến những “kẽ hở” của doanh nghiệp không gắn mã số mã vạch định danh cho sản phẩm, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang