‘Nếu ai phải nộp phí bôi trơn khi làm sổ đỏ, hãy cùng ký vào đơn tố cáo’

author 07:08 30/10/2014

(VietQ.vn) - Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, đây là một cách để công an thanh kiểm tra việc chủ đầu tư có thu tiền làm sổ đỏ trái quy định hay không.

Sự kiện: Phí bôi trơn sổ đỏ

Mới đây, nhiều hộ dân tại một tòa nhà (xin tạm giấu tên) trên địa bàn thành phố Hà Nội phản ánh với phóng viên Chất lượng Việt Nam về việc họ phải nộp 7 triệu đồng cho chủ đầu tư để làm sổ đỏ.

Tuy nhiên, khi nghe lãnh đạo thành phố Hà Nội cương quyết sẽ làm rõ việc có hay không người dân phải nộp “phí bôi trơn” khi làm sổ đỏ, nhiều người dân tại đây đã tỏ ra tiếc nuối vì trót đưa cho chủ đầu tư món tiền trên.

Nhưng giờ họ băn khoăn, vì số tiền này nộp nhưng không có hóa đơn, chứng từ, vậy Hà Nội sẽ thanh kiểm tra ra sao?

Để trả lời thắc mắc trên của người dân, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phan Đăng Long – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

ông phan đăng long, phó ban tuyên giáo thành ủy hà nội

Ông Phan Đăng Long - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Viết Cường

Ông Long cho hay, theo phản ánh tại tòa nhà có hàng trăm người đã nộp tiền. Để phục vụ cho công tác thanh kiểm tra, các hộ dân hoặc nhiều người dân hãy làm một lá đơn có tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại rồi viết rõ sự việc là như thế nào, sau đó cùng ký vào đơn.

“Sau đó gửi trực tiếp cho ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ngoài ra, gửi thêm cho chúng tôi (Ban Tuyên giáo Thành ủy) một bản nữa để chúng tôi tác động thêm với Bí thư Thành ủy xem xử lí thế nào” - ông Long nói.

Theo ông Long, nói về mặt pháp lý thì việc người dân đưa tiền nhưng không có hóa đơn, chứng từ nào chứng minh thì cũng khó xác định. Việc này cũng giống như trường hợp, “tôi tố cáo anh nhận tiền của tôi nhưng tôi lại không có bằng chứng gì cả thì anh có thể cãi anh không nhận, thậm chí anh còn quay ngược lại nói rằng tôi vu khống anh”.

Thế nhưng, trong trường hợp này, theo phản ánh có nhiều trường hợp đã nộp tiền thì người dân có thể đồng loạt ký tên vào đơn tố cáo.

“Dựa vào đơn của nhiều người, thành phố có thể sẽ giao cho công an, công an họ sẽ có nghiệp vụ để điều tra, làm rõ chẳng hạn như tiền đó giao cho ai, tại đâu, vào thời điểm nào…? Từng ấy người dân mà khẳng định đã nộp tiền là cơ sở để công an điều tra. Tôi nghĩ, chẳng lẽ từng ấy người dân lại đi vu khống một sự việc vu vơ nào đấy?” – ông Long nhận định.  

Trước nhiều thông tin phản ánh việc người dân phải nộp “phí bôi trơn” khi làm sổ đỏ, ông Long có lời khuyên cho người dân rằng, nếu có trường hợp chủ đầu tư đòi tiền làm sổ đỏ thì người dân nên họp bàn với nhau để thống nhất cách ứng xử.

Ông Long nói: “Nếu như vậy tôi tin rằng Ban quản lý sẽ không dám làm trái việc mà dân không đồng thuận. Một người, hai người thì còn có thể bị bắt chẹt chứ nhiều người thống nhất không nộp gì hết, cứ làm theo đúng quy định, nếu không chúng tôi sẽ khiếu kiện thì chắc chủ đầu tư không dám làm gì đâu”.

Tuy nhiên, ông Long cũng nhận xét rằng việc kiện cáo nhiều khi phức tạp, dân mình thì ngại chuyện đó, không thích ra cửa quan cho nên cuộc sống mới có nhiều mâu thuẫn như thế.

Cũng theo vị Phó Ban Tuyên giáo, hành động đưa tiền nằm ngoài quy định của người dân là đồng lõa với tiêu cực. Tuy nhiên, ông Long cũng lí giải thêm: “Cũng không trách được người dân vì đấy là do tâm lí của họ không muốn phiền phức, lằng nhằng. Hơn nữa trong cuộc đời này, người dân hiểu rằng đôi khi khó tránh khỏi những tiêu cực”.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang