Không muốn mất tài khoản Facebook, cần đặc biệt cảnh giác những comment dạo

author 06:37 25/12/2018

(VietQ.vn) - Người dùng có mất tài khoản Facebook nếu tò mò xem thông tin trang cá nhân sau những comment dạo hấp dẫn của kẻ lừa đảo.

Theo thống kê từ hệ thống giám sát virus của Tập đoàn công nghệ Bkav, trong năm 2018, đã ghi nhận hơn 1,6 triệu lượt máy tính tại Việt Nam bị mất dữ liệu. Không những thế, hơn 46% người dùng máy tính tham gia chương trình đánh giá an ninh mạng của Bkav cũng cho biết, họ đã từng gặp rắc rối liên quan tới mất dữ liệu trong năm qua.

Theo chuyên gia của Bkav, hiện có 2 dòng mã độc phổ biến tại Việt Nam khiến người dùng bị mất dữ liệu là dòng mã độc mã hóa tống tiền ransomware và dòng virus xóa dữ liệu trên USB. Các mã độc mã hóa tống tiền lây chủ yếu qua email, tuy nhiên có tới 74% người dùng tại Việt Nam vẫn giữ thói quen mở trực tiếp file đính kèm từ email mà không thực hiện mở trong môi trường cách ly an toàn Safe Run, điều này rất nguy hiểm.

Trong khi đó, do USB là phương tiện trao đổi dữ liệu phổ biến nhất tại Việt Nam nên số máy tính bị nhiễm mã độc lây qua USB luôn ở mức cao. Bkav cho biết đã có tới 77% USB tại Việt Nam bị nhiễm mã độc ít nhất 1 lần trong năm.

Một dạng comment dạo ẩn chứa nguy hiểm đối với người dùng Facebook. 

Cũng theo thông tin từ Bkav, năm 2018 nổi lên hiện tượng lấy cắp tài khoản Facebook thông qua các comment (bình luận) dạo và có tới hơn 83% người sử dụng mạng xã hội Facebook đã gặp các comment kiểu này. Phân tích của đội ngũ kỹ thuật thuộc cho hay, kẻ xấu đã dùng các tài khoản Facebook với hình đại diện là các những cô gái xinh đẹp, sexy để comment vào các bài viết hoặc group đông người quan tâm.

Các nội dung comment thường rất hấp dẫn, mời gọi như: “chat với em không”, "call video nói chuyện với mình không", “kết bạn với em nhé”, “làm quen nha anh”… Nếu người dùng tò mò bấm vào xem trang cá nhân của tài khoản “bẫy” này, nạn nhân có thể bị lừa mất tài khoản Facebook.

Để phòng tránh, chuyên gia Bkav khuyên người dùng tuyệt đối không bấm vào đường link đến từ những người chưa tin tưởng. Ngay cả khi link được gửi từ bạn bè, người dùng cũng cần chủ động kiểm tra lại thông tin trước khi bấm xem.

Tập đoàn công nghệ Bkav cũng cảnh báo, tình trạng spam lừa đảo trên Facebook sẽ có những biến tướng khác nhau, không chỉ dừng lại ở hình thức “comment dạo”.

Những kẻ xấu hoàn toàn có thể sẽ sử dụng triệt để các hình thức khác như chat messenger, mời kết bạn hay tag vào các bài viết, xem chung… Do đó, người dùng mạng xã hội cần đề cao cảnh giác hơn nữa với những chiêu trò nói trên của kẻ xấu.

Bkav cho biết, trong hai năm 2017 và 2018, số lượng lỗ hổng an ninh trong các phần mềm, ứng dụng được công bố tăng đột biến với hơn 15.700 lỗ hổng, gấp khoảng 2,5 lần những năm trước đó. Đặc biệt, nhiều lỗ hổng nghiêm trọng xuất hiện trên các phần mềm phổ biến như Adobe Flash Player, Microsoft Windows… và cả trong nhiều dòng CPU của Intel, Apple, AMD...

Còn theo thống kê của Bộ TT&TT, trong tháng 11/2018, đã có tổng cộng 160 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của Việt Nam. Trong đó, có 65 cuộc tấn công lừa đảo, 35 cuộc tấn công thay đổi giao diện và 60 cuộc tấn công cài cắm mã độc. Nguy hiểm hơn khi có tới hơn 1,6 triệu địa chỉ IP của Việt Nam thường xuyên nằm trong các mạng máy tính ma (botnet).

Cùng với đó, Bộ TT&TT đã nhận 5.200 lượt phản ánh về tình trạng tin nhắn rác. Trong đó, lượng phản ánh về tin nhắn rác của thuê bao thuộc nhà mạng VinaPhone chiếm tỷ lệ nhiều nhất (khoảng 52,1%), kế đó là nhà mạng Viettel (khoảng 20,25%), MobiFone (khoảng 15,3%) và Vietnamobile (khoảng 2,1%).

Bảo Lâm

Một năm ‘thảm họa’ của ông chủ Facebook: Mất khoản tiền lớn 19 tỷ USD(VietQ.vn) - 2018 được coi là “năm thảm khốc” của Facebook khi đã khiến Mark Zuckerberg mất nhiều tiền hơn bất kỳ 500 tỷ phú giàu nhất nào khác trên thế giới.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang