Nếu phải nhận chìm bùn thải xuống biển, độ sâu nào là hợp lý?

author 10:32 25/07/2017

(VietQ.vn) - Theo TS Huân, Trưởng phòng Sinh thái học (Viện Hải dương học) nếu nhận chìm bùn thải cần phải chọn các vùng biển xa bờ, nơi có độ sâu hàng trăm mét.

Kết quả khảo sát vùng biển Vĩnh Tân có trong sáng nay

Vào sáng nay (25/7), kết quả sơ bộ về chuyến khảo sát đánh giá hiện trạng khu vực biển dự kiến nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải tại Bình Thuận sẽ được PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang báo cáo lên Bộ TN-MT .

Ông Tuấn cũng cho biết thêm rằng chuyến khảo sát nói trên được 9 chuyên gia, nhà khoa học của Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện trong vòng 4 ngày và kết thúc vào ngày thứ 6 (21/7) vừa qua. Phạm vi khảo sát rộng 30 ha tại vùng biển dự kiến nhận chìm thuộc xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận).

“Có 4 nội dung khảo sát đã được thực hiện gồm: đo đạc, vẽ bản đồ địa hình; quay phim hiện trạng nền đáy; lấy mẫu trầm tích và lấy mẫu sinh vật đáy trong trầm tích. Trong quá trình khảo sát, các nhà khoa học thực hiện lấy mẫu ngẫu nhiên. Nhóm khảo sát đang hoàn thành báo cáo sơ bộ để tôi trực tiếp ra Hà Nội báo cáo lên Bộ TN-MT”, ông Tuấn cho biết.

Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang khẳng định Viện Hải dương học là “cơ quan tư vấn độc lập” đồng thời việc khảo sát làm theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên - Môi trường.

Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chờ kết quả khảo sát độc lập của Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để có đánh giá, giải pháp tiếp theo cho vấn đề nhận chìm chất nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1. Trong khi đó, chuyên gia cho rằng, việc nhận chìm ở gần bờ và độ sâu 36 m là không khả thi.

Độ sâu nào là hợp lý để nhận chìm?

Giải thích về tác động của việc nhận chìm với Khu bảo tồn biển Hòn Cau (cách nơi nhận chìm 8km), Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Thời gian được phép nhận chìm chỉ thực hiện từ tháng 6 đến hết tháng 10 năm 2017, là thời gian gió mùa Tây Nam hoạt động, nên hướng phát tán vật, chất nhận chìm không hướng về Khu bảo tồn biển Hòn Cau và các khu vực nuôi trồng hải sản ven bờ. Hơn nữa, độ sâu lớn nhất của khu vực nhận chìm là -36,1m, trong khi đó, độ sâu của Khu Bảo tồn biển Hòn Cau từ -5m đến -10m nên khó có khả năng dịch chuyển vật, chất nhận chìm ở đáy biển đến Khu Bảo tồn biển Hòn Cau”. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng điều này không hợp lý.

“Việc nhận chìm vật chất nạo vét là điều được cho phép theo luật pháp quốc tế và cả Việt Nam. Tuy nhiên địa điểm nhận chìm cần phải được lựa chọn và tính toán kỹ lưỡng, không ai đổ chất thải ở ven bờ (cách bờ 10km) và ở độ sâu 36 mét”, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng phòng Sinh thái học, Viện Hải dương học cho biết.

Kết quả khảo sát thực trạng môi trường vùng biển dự kiến nhận chìm bùn thải sẽ có trong sáng nay. Ảnh minh họa

Theo TS Huân, trên thế giới, với vật chất nhận chìm là các chất độc hại như phóng xạ phải có đóng thùng, niêm phong và nhận chìm ở độ sâu 3.000 m nước. Nơi này, dòng chảy bằng 0. Với vật chất nhận chìm là chất nạo vét phải đổ ở khu vực có độ sâu tối thiểu 200 m nước, nơi không có sinh vật sinh sống. Việc đổ ở gần bờ và ở độ sâu - 36 m là không thể thực hiện được, nhất là biển Bình Thuận nằm trong vùng nước trồi mạnh Nam Trung bộ và là một trong 5 trung tâm nước trồi lớn của biển Đông. “Đây là vùng có chế độ thủy động lực mạnh, nhất là trong 2 thời kỳ gió mùa điển hình (Đông Bắc và Tây Nam), chất nhận chìm sẽ phát tán ra vùng xung quanh”, TS Huân cho biết.

Trong khi đó, quanh khu vực dự án đổ chất thải ở Bình Thuận có rất nhiều điểm có hệ sinh thái biển và ven bờ nhạy cảm, nhất là khu bảo tồn biển Hòn Cau có diện tích 12.500 ha là nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với khoảng 234 loại san hô là bãi đẻ của nhiều loài sinh vật biển và xung quanh nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm.

TS Huân cũng cho biết, ngay cả trong trường hợp mô hình tính toán cho thấy việc lan tỏa chất nạo vét không về phía Khu bảo tồn Hòn Cau mà ra hướng khác thì cũng không được vì bất kỳ vùng biển nào cũng phải được bảo vệ.

"Nếu nhận chìm cần phải chọn các vùng biển xa bờ, nơi có độ sâu hàng trăm mét. Với vật chất nhận chìm là chất nạo vét phải đổ ở khu vực có độ sâu tối thiểu 200 mét nước, nơi không có sinh vật sinh sống", ông Huân cho hay.

 Phong Lâm (T/h)

Vụ nhận chìm bùn thải xuống biển: Giấy phép trái pháp luật, cần thu hồi?(VietQ.vn) - Luật sư cùng một số tổ chức xã hội có liên quan kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường thu hồi giấy phép dự án nhận chìm bùn thải xuống biển Vĩnh Tân.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang