Nếu Thông tư 20 hết hiệu lực, Việt Nam sẽ thành ‘bãi xe rác’?

authorDương Phương Ngọc 06:32 02/08/2016

(VietQ.vn) - Theo ông Bùi Danh Liên (Hiệp hội Vận tải TP.HN): Nếu Thông tư 20 không được duy trì, việc nhập khẩu xe bị thả lỏng, VN có thể sẽ trở thành… bãi xe cũ.

Thông tư 20/2011/TT-BCT Bộ Công Thương ban hành ngày 12/5/2011 quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống, được coi như “rào cản kỹ thuật” để hạn chế nhập siêu.

Sau 5 năm thực hiện, từ ngày 1/7/2016, Thông tư 20 của Bộ Công Thương chính thức hết hiệu lực. Điều này đã gây nên một “cuộc chiến” giữa một bên là Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và các nhà nhập khẩu chính hãng… còn một bên là các doanh nghiệp nhập khẩu xe không chính hãng về việc có nên tiếp tục duy trì và gia hạn Thông tư này.

Bị phạt gần nửa tỷ đồng, Coca-Cola nói gì về sản xuất sai phép?(VietQ.vn) - Ông Nguyễn Khoa Mỹ, đại diện Coca-Cola cho biết, doanh nghiệp tuân thủ quyết định xử phạt hành chính của Bộ Y tế đối với việc một lô sản phẩm Samurai.

Nếu Thông tư 20 hết hiệu lực, Việt Nam sẽ thành ‘bãi xe rác’?

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội cho rằng: Thông tư 20 có ưu điểm khống chế việc nhập xe bãi nhưng lại quá siết chặt, tạo nhược điểm không khuyến khích được doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong đó, yêu cầu các nhà nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân phối chính hãng và giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng do Bộ GTVT cấp. Điều này giúp cho việc nhập khẩu ô tô có nguồn gốc rõ ràng nhưng khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ “kêu khó”.

Bên cạnh đó, Thông tư 20 đã góp phần đảm bảo được nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến mặt hàng và thị trường ôtô nhập khẩu nguyên chiếc, bao gồm: Chế độ bảo hành, bảo dưỡng chính hãng; linh kiện, phụ tùng chính hãng; liên tục tiếp thu và cập nhật các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới; đảm bảo hoạt động triệu hồi sản phẩm trong trường hợp xe có lỗi do nhà sản xuất...

"Nếu Thông tư 20 hết hiệu lực thì Việt Nam có thể sẽ trở thành… bãi xe cũ". Ảnh minh họa

“Nếu cho phép nhập khẩu ô tô tự do sẽ dẫn tới sơ hở trong việc nhập xe bãi, sửa lại nguồn gốc xe, thậm chí, có xe chỉ cần đóng lại khung, thay lại trục, tút tát lại thành đời xe mới, khi mang về sử dụng sẽ có thể hư hỏng và khó có phụ tùng thay thế.

Mục đích của Thông tư 20 là bảo vệ người tiêu dùng nhưng người buôn bán xe lại phản đối còn người nhập xe “xịn” lại ủng hộ. Đây là sự điều tiết của thị trường, quan điểm của các bên khác nhau” – ông Liên nhận xét.

Theo ông Liên, “việc nhập khẩu xe vào Việt Nam đang quá tải so với thực trạng giao thông của nước ta, cho nên, việc siết chặt xe chính hãng cũng là điều đáng quan tâm. Xe nhập về quá nhiều nhưng để đảm bảo chất lượng xe tốt, việc duy trì Thông tư 20 cũng cần xem xét nhưng phải cân đối xem khi tiếp tục Thông tư 20 thì có ảnh hưởng tới thị trường xuất nhập khẩu ô tô của Việt Nam hay không - Điều này Nhà nước phải tính toán” – ông Liên nói.

Ngược lại, ông Liên cho rằng: Nếu thả lỏng việc nhập khẩu xe sẽ dẫn tới việc nhiều loại xe không có nguồn gốc tràn vào Việt Nam. Ví dụ, nhiều trường hợp, xe bán quá tải “made in Việt Nam” được đưa sang Lào đại tu lại, hoặc chỉ thay đổi một chiếc lốp xe, làm lại giấy tờ mới, nguồn gốc không rõ ràng, “lên đời” thành xe mới, tuổi thọ thấp rồi quay trở lại đưa vào thị trường Việt Nam, lúc này người thiệt nhất vẫn là người tiêu dùng Việt.

Đơn cử, trong quá khứ đã từng có đợt xe cũ (xe second hand) nhập về tràn lan nhưng sau một thời gian sử dụng, chúng trở thành bãi sắt vụn, gây thiệt hại khá lớn cho người tiêu dùng Việt.

“Sẽ tốt hơn cho người dùng khi Thông tư  20 được tiếp tục. Xe ở thị trường Việt Nam, giá đang rẻ nên cần khống chế để bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Ô tô là phương tiện vận chuyển con người, nó phải ngày càng hiện đại và sử dụng các nguyên liệu chất lượng tốt, thân thiện với môi trường như E5, E10. Nếu xe cũ làm sao sử dụng được những nhiên liệu tốt đó.

… Với tầm nhìn dài hạn, phát triển bền vững, tôi nghĩ  nên duy trì Thông tư 20. Còn nếu mục tiêu kích thích thị trường trước mắt thì thả lỏng nhưng Việt Nam sẽ trở thành bãi xe cũ” – ông Liên nhấn mạnh.

“Cuộc chiến” chưa có hồi kết

Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã đề xuất gỡ bỏ Thông tư 20 vì thông tư này trái luật, làm “méo mó” môi trường cạnh tranh, độc quyền, khiến giá bán xe cao.

Quy định về giấy ủy quyền nhập khẩu tạo ra ưu thế cho một số thương nhân sở hữu, không mang lại lợi ích từ góc độ quản lý nhưng lại gây khó khăn cho việc nhập khẩu.

Còn đại diện các Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ và vừa cho rằng, mặc dù theo Bộ Công Thương, Thông tư 20/2011 ra đời nhằm góp phần quản lý nhập siêu, nhưng sau 5 năm thực tiễn thì lại phản tác dụng.

Bộ Công Thương không quản lý được số lượng xe nhập vào Việt Nam mà chỉ làm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa không được nhập khẩu, trong khi đó các Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng (VIVA) mới là người điều tiết thị trường nhập khẩu ô tô.

 Nhiều ý kiến trái chiều trong việc có nên hay không nên tiếp tục Thông tư 20. Ảnh minh họa.

Họ có thể nhập khẩu số lượng không giới hạn tùy theo nhu cầu thị trường mà không bị một rào cản nào cả và vô tình Thông tư 20 lại trao cho họ quyền điều hành thị trường ô tô, tạo thế độc quyền, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh làm méo mó thị trường ô tô trong nước. Cuối cùng người tiêu dùng là thiệt thòi nhất khi không chọn được cho mình sản phẩm phù hợp.

Ngoài ra Thông tư 20 ra đời còn tạo điều kiện cho các xe Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Chỉ cần 1 giấy ủy quyền chính hãng là đã nhập được xe, trong khi các hãng xe Trung Quốc sẵn sàng cấp giấy ủy quyền cho các Doanh nghiệp Việt Nam rất đơn giản, miễn sao bán được hàng cho họ mà không có bất kỳ một ràng buộc khắt khe nào.

Các Doanh nghiệp nhỏ và vừa không nhập được xe chất lượng cao từ các nước phát triển thì sẽ sẵn sàng làm đại lý bán xe Trung Quốc, nên việc giữ lại thông tư 20 thì chỉ làm cho Việt Nam thành bãi xe ô tô con của Trung Quốc. Nhưng trên thực tế thì xe Trung Quốc chất lượng thấp nên người tiêu dùng đã không lựa chọn, chính vì vậy thị trường Việt Nam mới vắng bóng các đại lý xe Trung Quốc.

Với việc đề nghị bãi bỏ Thông tư 20, doanh nghiệp nhập khẩu xe trong nước đang hy vọng “hồi sinh”, người tiêu dùng đang mong chờ vào một thị trường ô tô có giá hấp dẫn hơn hiện tại, chủ yếu đến từ các đơn vị nhập khẩu tư nhân không chính hãng, thậm chí, xe phân phối chính hãng cũng có thể được giảm giá.

Trong khi đó, các nhà nhập khẩu chính hãng lại “lo sốt vó” và đã gửi văn bản trình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các bộ Công Thương, Tài chính và Tư pháp đề nghị không nên bãi bỏ Thông tư 20.

Bởi khi các yêu cầu của Thông tư 20 hết hiệu lực sẽ xuất hiện rất nhiều nhà nhập khẩu không chính hãng thường hoạt động trốn thuế bằng việc khai giá mua/bán xe thấp hơn thực tế và thanh toán bất hợp pháp ra nước ngoài như tình trạng đã xảy ra trước khi Thông tư 20 được ban hành.

Việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của Chính phủ.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang