Nga thử nghiệm thành công vũ khí 'độc nhất, vô nhị' với khả năng 'nhảy dù'

author 22:00 08/09/2017

(VietQ.vn) - Đây sẽ là loại vũ khí phòng không “độc nhất, vô nhị” trên thế giới với khả năng nhảy dù từ máy bay vận tải quân sự hạng nặng.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Ngày 8/9, hãng thông tấn Nga TASS dẫn thông tin từ ngành công nghiệp quốc phòng đăng tải, tổ hợp tên lửa tầm thấp thế hệ mới Sosna vừa được bắn thử thành công. Các thông số kỹ thuật của vụ phóng đều đạt yêu cầu đề ra.

Theo một số nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga, tổ hợp Sosna được thiết kế dạng mô-đun hóa để phù hợp trang bị trên xe chiến đấu BMD-4M và trong tương lai sẽ được trang bị cho lực lượng đổ bộ đường không Nga. Khi được trang bị, đây sẽ là loại vũ khí phòng không “độc nhất, vô nhị” trên thế giới với khả năng nhảy dù từ máy bay vận tải quân sự hạng nặng.

Theo các hình ảnh được công bố, mô-đun phòng không mới được trang bị 12 đạn tên lửa Sosna-P trên hai bệ cố định được đặt trên khung gầm xe BMD-4M. Tổ hợp vũ khí phòng không này sử dụng hệ thống theo dõi và dẫn bắn quang-điện tử đa kênh. Đặc biệt, tổ hợp vũ khí mới có chế độ theo dõi, dẫn bắn hoàn toàn thụ động giúp tăng cường hiệu năng chiến đấu, khả năng tàng hình và kháng nhiễu cao.

Tên lửa Sosna là sản phẩm của Viện thiết kế Kbtochmash. Nó được phát triển từ năm 1987 theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng Liên Xô. Tới đầu những năm 2000, tên lửa Sosna mới được hoàn thiện và được chuyển sang danh mục vũ khí xuất khẩu. Sosna được kỳ vọng sẽ thay thế cho các đơn vị tên lửa phòng không Strela-10 trong biên chế Lục quân Nga, nhưng quyết định chính thức về vấn đề này chưa được Bộ Quốc phòng Nga phê duyệt.

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần Sosna với cụm tên lửa gồm 12 ống phóng

Tên lửa này có khả năng ưu việt cho phép đảm bảo "dọn quang" đường ranh giới phòng thủ đất nước chống lại những cuộc tấn công đường không tiềm năng. Tổ hợp đảm bảo bắn hạ máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình và khí cụ bay do thám ở độ cao tối đa đến 5 km và ở tầm xa 10 km.

Các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn hiện nay có bộc lộ một số khiếm khuyết nghiêm trọng. Trong đó chi phí cao bởi số lượng lớn thiết bị hiện đại, cũng như do việc sử dụng các hệ thống chủ động phát hiện mục tiêu. Trong quá trình sáng chế Sosna, các kiến trúc sư đã có quyết định từ bỏ việc sử dụng các hệ thống radar phức tạp mà thay vào đó dùng các bộ máy hoạt động theo nguyên lý khác và không ngụy trang bằng tín hiệu bức xạ.

Sosna được coi là ứng cử viên tiềm năng cho thị trường xuất khẩu. Sosna sẽ là một lựa chọn không tồi để thay thế cho các tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần Strela-10 đã lỗi thời vốn đang phục tại hơn 20 quốc gia trên toàn thế giới. Do đó triển vọng cho thị trường vũ khí trong nước và lẫn nước ngoài của Sosna là khá cao.

Lê Cao (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang