Ngại bán nợ cho VAMC vì sợ lộ sân sau

author 10:13 18/09/2013

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang tiến hành mua những khoản nợ xấu đầu tiên. Tuy vậy, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, sẽ có nhiều ngân hàng trốn bán nợ cho VAMC vì sợ lộ việc cho vay các công ty sân sau.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

VAMC đã chính thức đi vào hoạt động, theo ông, liệu các ngân hàng có mặn mà với việc bán nợ cho VAMC?

Đã có nhiều nghị định, thông tư, liên quan đến VAMC được ban hành, nhưng đến nay, công ty này vẫn chưa thực sự đi vào hoạt động, nên khó có thể nói hiệu quả ra sao.

Điều đáng nói ở đây là, dù Ngân hàng Nhà nước đã quy định, ngân hàng có nợ xấu từ 3% trở lên phải bán nợ cho VAMC, nếu không sẽ bị Ngân hàng Nhà nước thanh tra. Song chắc chắn, sẽ có không ít ngân hàng không muốn bán nợ cho VAMC.

Theo tôi, lý do quan trọng nhất khiến các ngân hàng không muốn bán nợ cho VAMC là nếu bán nợ, ngân hàng sẽ phải công khai với Ngân hàng Nhà nước là khoản nợ này từ đâu mà ra, ai là đối tượng vay.

Ngân hàng lo sợ là bởi, tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng rất nghiêm trọng, nhiều ngân hàng huy động tiền của dân rồi cho công ty sân sau vay, nảy sinh nợ xấu.

Nếu công khai các khoản nợ xấu này, có nghĩa ngân hàng thương mại phải thừa nhận với Ngân hàng Nhà nước tình trạng cho vay sân sau, có nghĩa ông chủ ngân hàng có nguy cơ phạm luật.

Nhưng nếu không bán, mà “ôm” một đống nợ, thì ngân hàng cũng chết, thưa ông?

Đúng vậy. Các nước trên thế giới quy định nợ xấu không được quá 2%, còn quá 3% là mất khả năng chi trả. Trong khi đó, phần lớn ngân hàng nước ta đều có tỷ lệ nợ xấu trên 3%.

Đáng lo là, có tới 30-40% nợ xấu là nợ có khả năng mất vốn. Như vậy, các ngân hàng đang đứng trước tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Họ sợ bán nợ cho VAMC, vì sợ lộ tình trạng cho vay sân sau, đồng thời họ cũng đang hy vọng thị trường, nhất là thị trường bất động sản phục hồi để tự xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, nếu kinh tế không phục hồi, họ sẽ phải đứng trước nguy cơ phá sản.

Vậy theo ông, cần có giải pháp nào đối phó với tình trạng hiện nay?

Phải quyết liệt, nhìn thẳng vào sự thật. Chỉ khi làm rõ thực trạng nợ xấu là bao nhiêu, ngân hàng cho những ai vay, sở hữu chéo như thế nào…, thì mới xử lý hiệu quả được.

Trước tiên, Ngân hàng Nhà nước phải buộc các ngân hàng thương mại công khai rõ các khoản nợ xấu là cho ai vay. Nếu là cho công ty sân sau vay, thì lãnh đạo ngân hàng phải chịu trách nhiệm dân sự và hình sự, phải lấy hết tài sản cá nhân để trả nợ. Ngân hàng huy động tiền của dân để kinh doanh thì phải công khai, minh bạch.

Chứ nếu huy động tiền của dân để cho vay sân sau, gây ra đổ vỡ, ảnh hưởng tới hệ thống, thì lãnh đạo ngân hàng phải chịu trách nhiệm.

Một vấn đề nữa mà dư luận quan tâm là, sau khi mua nợ, VAMC sẽ bán nợ cho ai, sẽ tái cơ cấu doanh nghiệp như thế nào. Theo ông, nhà đầu tư nước ngoài có mặn mà mua nợ xấu của Việt Nam?

VAMC có thể mua nợ, nhưng chuyện “hậu mua nợ” mới là quan trọng, bởi mua rồi, thì bán cho ai? Nếu là bất động sản, thì trong bối cảnh hiện nay, việc bán tài sản không dễ.

Nếu VAMC mua nợ là doanh nghiệp, thì doanh nghiệp đó phải tái cơ cấu, phải hoạt động tốt, thì mới trả được nợ. Chưa kể, với số nhân sự hiện nay, VAMC cũng chưa thể đủ lực để tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp.

Còn việc bán nợ cho nước ngoài cũng không đơn giản. Nhà đầu tư nước ngoài mua nợ xấu để bán lại, nhưng trong tình hình thị trường hiện nay, họ mua để bán cho ai?

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại công bố đã xử lý được một phần nợ xấu. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nợ xấu giảm thời gian qua chỉ do ngân hàng cơ cấu lại các khoản nơ, chứ việc xử lý nợ xấu là rất khó.

Theo Hà Tâm/Báo Đầu tư

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang