Cách ngâm sấu với đường giòn ngon mà không lo nổi váng

author 15:35 10/06/2015

(VietQ.vn) - Quả sấu khi ngâm với đường và bị váng chứng tỏ sấu chưa để ráo hoặc lọ ngâm chưa khô. Khi đã bị váng rồi, dù có vớt hết váng ra, cũng rất khó ngăn váng quay trở lại.

Cách làm sấu ngâm ngon, giòn mà không bị váng như thế nào?

Một mùa sấu nữa lại về, khắp các chợ Hà Nội đều rộn ràng sắc xanh của sấu, một trong những thứ quả đặc trưng không thể thiếu của mùa hè Hà Nội.

Theo dân gian, quả sấu đưa vào chế biến có thể làm nhiều món như sấu dầm chua cay, dầm đường, dầm muối ớt, sấu dầm nước rau, sấu om vịt, sấu ngâm đường pha nước đá để giải nhiệt...

Trong các cách làm đó, món sấu ngâm để giải nhiệt mùa hè nóng nực là cách mà nhiều bà nội trợ lựa chọn. Và theo chị Nguyễn Thị Hương, trú tại Đống Đa, Hà Nội chia sẻ, chị và các thành viên trong gia đình rất thích món sấu ngâm.

"Những ngày hè nóng nực như vừa rồi sau khi đi đường về mà được uống một cốc nước sấu đá thì thật là đã khát. Nhưng đã thử ngâm nhiều cách khác nhau nhưng lọ sấu ngâm vẫn hay bị nổi váng", chị Hương nói.

Cũng theo chị Hương, không biết các chị em hay các bác bán hàng có bí quyết gì để ngâm sấu không bị nổi váng không? Vì làm lần nào cũng bị váng.

"Tuần vừa rồi, mình vừa mua được 2kg sấu, hí hửng đem ngâm đường, cách làm rất cẩn thận mà lọ sấu ngâm vẫn bị nổi váng", chị Hương nói thêm.

Theo chị Mai Thu Trang, trú tại Đội Cấn, Hà Nội, việc xử lý váng ngâm trong sấu, cách làm phổ biến của chị em là hớt váng nổi trắng đi rồi tiếp tục ngâm tiếp.

Chị Trang cho biết, khi thấy sấu nổi váng chị cho rằng, do phần sấu không được ngâm trong nước giống như khi muối cà, muối dưa. Do đó, chị hớt hết váng rồi vớt các quả bị váng và rửa sạch đi rồi nén tất cả sấu xuống dưới để sấu ngập hoàn toàn trong nước.

Tuy nhiên, cách xử lý đó không giúp lọ sấu hết váng mà chỉ khoảng 3 – 4 ngày sau, lọ sấu lại nổi lớp váng trắng như thường.

Hướng dẫn làm sấu ngâm đường không bị váng

Trả lời thắc mắc của chị Hương, bà Nguyễn Thị Ánh Ngân, bếp trưởng Nhà hàng Phù Đổng, Hà Nội cho hay, sau khi ngâm mấy ngày sấu bị nổi váng thì có thể do khi ngâm bạn chưa để ráo nước quả sấu hoặc cũng có thể quả sấu đã khô nhưng lọ ngâm thì chưa khô nước lã. Khi đó, lọ sấu ngâm rất dễ bị nổi váng trắng trên mặt. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Ngân, váng đó chính là màng nấm.

Để xử lý váng này, thông thường mọi người sẽ chỉ hớt váng đó ra rồi đậy lọ lại ngâm tiếp thì sau đó váng lại tiếp tục nổi lên.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Ngân, cách xử lý đó không giúp lọ sấu hết nổi váng, điều căn bản lúc này là phải cho sấu qua bước đun sôi để khử nấm thì lọ sấu mới không bị nổi váng trở lại.

Đầu tiên, hớt hết váng trắng ra khỏi lọ sấu. Đun sôi nước ngâm sấu chừng 5 phút với lửa nhỏ, dội qua nước sôi sấu hoặc đổ sấu vào nồi xào qua khoảng 2 phút cho sấu ngấm nước đường và nóng giúp tiêu diệt nấm. Sau đó, để nước đường gừng và sấu nguội rồi đổ lại vào bình để ngâm tiếp. Nên để bình nước sấu chỗ mát, khô ráo để tránh bị nhiễm khuẩn.

Cách ngâm sấu đường ngon nhất

Các làm sấu ngâm đường thơm ngon, không bị nổi váng

+ Nguyên liệu: Sấu: 1 kg, đường: 1 kg, một thìa cà phê muối, gừng: 1 lạng, nước: 1,5 lít, bình thủy tinh 5 lít

+ Các bước thực hiện: 

- Bước 1: Ước chừng sấu 1kg cần 1kg đường (nên chọn đường hoa mai để nước ngâm có màu vàng óng hấp dẫn), gừng già 100g, một ít muối.

- Bước 2: Sấu cạo (gọt) vỏ, khía làm tư hoặc nếu khéo tay có thể cắt khía theo hình xoắn ốc. Khía xong quả nào thì ngâm luôn quả đó vào chậu nước có pha muối loãng để sấu khỏi thâm. Rửa sạch sấu khoảng 2 lần nữa với nước pha muối cho bớt chát và hết nhớt.

- Bước 3: Đun nước sôi + một chút muối để chần sấu. Với 1kg sấu nên chia để chần làm nhiều lần cho đều. Và chỉ chần đến khi sấu dần chuyển sang màu vàng là vớt ra ngay.

- Bước 4: Gừng rửa sạch nướng qua cho thơm.

- Bước 5: Hòa tan 1kg đường với 1 lít nước, đun kĩ đến khi nước đường hơi sánh. Riêng khâu này, bạn không nên đun qua loa, nếu không sau khi ngâm sấu, nước sấu dễ nổi váng.

- Bước 6: Cho gừng nướng vào đun cùng. Để một lúc thì tắt bếp, đặt nơi thoáng mát cho nước đường nhanh nguội.

- Bước 7: Khi nước đường thật nguội thì trút vào lọ đã xếp sẵn sấu. Khi ngâm sấu với nước đường đã đun để nguôi, sau 5 giờ là có thể ăn được, nhưng muốn quả sấu ngấm đường có vị ngọt thì nên dùng sau 24h.

Nếu sợ sấu ngâm ngọt, bạn có thể giảm lượng đường, còn khoảng 800g cho 1kg sấu, tuy nhiên, không nên bớt đường nhiều, vì nếu ít đường quá lọ sấu ngâm cũng không để lâu được.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang