Ngăn chặn “bát nháo” trong kinh doanh gas

author 07:06 20/09/2013

(VietQ.vn) - Những “bát nháo” liên quan đến hoạt động nhập khẩu, phân phối gas tới tay người tiêu dùng đã được cơ quan chức năng và các chuyên gia bóc tách.

Có tình trạng độc quyền?

Theo lý giải của phía Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương và Hiệp hội Gas Việt Nam, hiện không có tình trạng độc quyền về nhập khẩu, kinh doanh gas. Trong khi đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN), PV Gas là doanh nghiệp cung cấp nguồn khí gas trong nước lớn nhất, thị phần tới 70 - 80%, điều này lo ngại có hiện tượng độc quyền.

Tình trạng gian lận vỏ, ruột gas vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho rằng, kinh doanh LPG không thuộc lĩnh vực DN hoặc Nhà nước độc quyền. Kinh doanh mặt hàng LPG được điều chỉnh bởi Nghị định 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo đó, thương nhân đầu mối được phép trực tiếp xuất khẩu, nhập khẩu LPG trước năm 1013 là 30 DN với đầy đủ các thành phần tham gia gồm: 7 DN nhà nước, 16 DN quốc doanh và 7 DN FDI. Các thương nhân trên đều có quyền và nghĩa vụ có tác động đến giá bán LPG trên thị trường trong nước như: Tổ chức nhập khẩu LPG; Quy định giá bán LPG và LPG chai trong hệ thống phân phối; Cung cấp đủ nguồn LPG cho hệ thóng phân phối, dự trữ lưu thông trong 7 ngày...

“Điều 12 Luật Cạnh tranh 2004 quy định: DN được coi là độc quyền nếu không có DN nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà DN đó kinh doanh trên thị trường liên quan. Khoản 1 Điều 11 Luật Cạnh tranh 2004 quy định: DN được coi là có vị trí thống lĩnh nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Chiểu theo đó, và số liệu về thị phần PV Gas nêu trên thì DN này thuộc loại DN có vị trí thống lĩnh. Trong trường hợp này, DN vẫn tồn tại và hoạt động bình thường, nhưng nếu có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trong các hành vi lạm dụng có hành vi áp đặt giá bán. Như vậy, quy định của pháp luật hiện hành đã có đủ công cụ để quản lý, khống chế, xử lý hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, áp đặt giá bán”, ông An nói.

Gas gian, giả tràn lan

Theo ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng - Cục Quản lý thị trường (QLTT) từ đầu năm đến nay, QLTT đã xử lý 400 vụ, phạt hành chính 2 tỷ đồng, tịch thu lượng lớn tang vật gồm hơn 15 nghìn bình LPG, hơn 20 nghìn bình gas mini và nhiều dụng cụ sang chiết ga trái phép.

Dù phát hiện nhiều vụ việc nhưng nhìn chung, tình trạng sang chiết gas trái phép vẫn diễn biến khá phức tạp. Do nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân chính là đối tượng làm ăn phi pháp tinh vi, thay đổi phương thức hoạt động.

Cụ thể: sang chiết gas trái phép ở vùng ven đô, hẻo lánh…, sang chiết bằng dụng cụ tự chế, mua lại vỏ bình trôi nổi, chiếm dụng vỏ bình DN có uy tín cắt quai, sơn lại, mài chữ để làm giả. Có nhiều cơ sở sang chiết bình 12kg sang bình mini; sang bình lớn sang bình nhỏ không đúng quy trình, kinh doanh hàng kém chất lượng;hay đổi thủ đoạn, theo dõi lực lượng chức năng nhằm trốn tránh.

Sang chiết gas trái phép gây tác hại nhiều mặt: Về kinh tế người tiêu dùng bị thiệt thòi, không dùng gas đúng chất lượng; DN làm ăn chân chính bị thiệt hại, nhà nước thất thu thuế… Đặc biệt gây mất an toàn cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tới những người xung quanh.

Hiện nay có quá nhiều thương nhân kinh doanh gas. Gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng việc đăng ký kinh doanh quá dễ dàng đã làm nảy sinh nhiều gian lận thương mại, ảnh hưởng đến các thương hiệu có uy tín và quyền lợi của người tiêu dùng. Do vậy, nếu có các biện pháp siết chặt việc cấp phép kinh doanh gas và quản lý, xử lý mạnh tay các vi phạm sẽ làm thị trường gas càng lành mạnh.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Cục An toàn môi trường công nghiệp cho rằng, từ 2012 đến 31/7/2013, Cục được giao xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng bằng thép. Cần có quy định đồng bộ về kỹ thuật đối với loại chai này với những quy định cụ thể để góp phần hạn chế những bất cập và an toàn cho người sử dụng. Việc quy định thời gian sử dụng trên 26 năm đối với chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng bằng thép trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm Hàn Quốc-  tỷ lệ loại bỏ chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng bằng thép trên 26 năm do không đảm bảo an toàn cao.

Vỏ bình gas nhái, ảnh hưởng tới an toàn sử dụng và nền kinh tế. Ảnh minh họa

Ông Trần Trọng Hữu - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gas VN đồng tình với ý kiến của ông Dũng và cho rằng, quy chuẩn là hành lang kỹ thuật bắt buộc các DN. Vấn đề đảm bảo an toàn người tiêu dùng hay không, theo tôi đánh giá thì không nằm ở trong quy chuẩn này. Quyền lợi người tiêu dùng đảm bảo hay không lại nằm ở vấn đề gian lận thương mại, làm ăn không chân chính, không có kiểm tra, kiểm soát, sang chiết gas thiếu cân, bình gas có nguy cơ tiềm ẩn không an toàn.

Người tiêu dùng còn thiệt kép

Theo ý kiến của Lãnh đạo Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nếu bỏ tiền ra mua gas với giá tăng hợp lý, hoặc thậm chí có thể chấp nhận cao một chút nhưng được sử dụng loại gas đạt tiêu chuẩn chất lượng, đủ trọng lượng, đặc biệt là bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ yên tâm và dễ chấp nhận. Song, trong khi vẫn phải mua gas giá cao nhưng lại mua phải gas giả, kém chất lượng, không an toàn, đó là sự “thiệt đơn, thiệt kép” đối với người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nêu ví dụ, ngày 26/6/2102 có thư kiến nghị khẩn về việc 148 hộ dân không nấu ăn được gây nên cảnh hỗn loạn mất an toàn. Người thì mua bình gas khác, người thì dùng bếp điện để giải quyết tình thế. Theo nội dung đơn thì Công ty cổ phần Dầu khí Sông Hồng cắt gas trong khi 2 bên chưa thống nhất. Ở đây nói đến ý độc quyền, nhà cung cấp khác đến cũng rất khó. Ngày 19/4 có công văn nếu khách hàng không thanh toán đủ tiền sẽ ngừng cung cấp.

Một trường hợp nữa, tại Hà Nội, Hiệp hội nhận được khiếu nại nhà cung cấp thiếu cân, 1 bình gas dùng trong 2 tháng nhưng 7 ngày đã hết gas. Những khiếu nại trên đến hiệp hội chưa nói lên điều gì nhưng ý kiến người dân vẫn được Hiệp hội rất được quan tâm và tìm biện pháp sử lý.

Theo ý kiến của Hiệp hội, nhãn hàng hóa, dán trên bình gas nên đề cả giá cả một cách minh bạch. Một mặt hàng liên quan đến quyền an toàn nên có biện pháp can thiệp của cơ quan chức năng để tăng cường kiếm tra, kiểm soát để tránh tình trạng rút ruột gas, tránh trường hợp không an toàn xảy ra, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Ông Trần Trọng Hữu- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gas VN, thời gian qua Hiệp hội gas đã tích cực phối hợp với cơ quan chức năng, trong quá trình phối hợp, Hiệp hội Gas có nhiều kiến nghị liên quan về gian lận thương mại trong kinh doanh gas, thực trạng này xảy ra rất tràn lan. Hiệp hội Gas chỉ hỗ trợ mà không xử lý được. Theo tôi, đề nghị Cục QLTT, Bộ Công Thương nên có quy định xử phạt chặt chẽ hơn.

“Không có nước nào trong khu vực Đông Nam Á mà thị trường kinh doanh gas lại lộn xộn như thị trường VN. Đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, liên quan đến tính mạng của người sử dụng mà cấp phép kinh doanh gas quá dễ dàng”, ông Hữu nói thêm.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang