Ngăn chặn nhập lậu lợn, sản phẩm lợn qua các cửa khẩu biên giới

author 10:45 07/09/2020

(VietQ.vn) - Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu lợn, sản phẩm lợn qua các cửa khẩu biên giới.

Qua công tác nắm tình hình, các cơ quan từ Trung ương đến bộ, ban, ngành nhận thấy hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt là qua biên giới với Lào, Cam-pu-chia, làm tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng,… từ các nước vào Việt Nam. Vừa qua, các cơ quan, bộ, ban, ngành đã có những chỉ đạo kịp thời nhằm khẩn trương chấm dứt tình trạng trên.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn.

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo, đôn đốc Ban Chỉ đạo 389 của các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam; đặc biệt là qua biên giới Lào, Căm-pu-chia. Đồng thời, thành lập các đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 quốc gia trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào Việt Nam.

Trước tình hình trên, để chủ động giám sát phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; bảo đảm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng, môi trường và các hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng vừa phê duyệt "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020-2025".

Kế hoạch đưa ra mục tiêu cụ thể cho từng cấp địa phương không có dịch tả lợn Châu Phi cho từng giai đoạn; xây dựng chuỗi sản xuất lợn, sản phẩm thịt lợn an toàn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; xây dựng phòng thí nghiệm quốc gia đạt an toàn sinh học; nghiên cứu vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi,…

Ảnh minh họa 

Kế hoạch đưa ra 13 nội dung gồm: Chăn nuôi lợn an toàn sinh học; Tổ chức nuôi tái đàn lợn; Giám sát dịch bệnh; Tiêu hủy lợn mắc bệnh; Quản lý giết mổ lợn và việc tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn; Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; Xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; Tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm; Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi; Tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; Hợp tác quốc tế; Chính sách hỗ trợ. Trong đó, nội dung kiểm soát vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn được Chính phủ đặc biệt chú trọng trong Kế hoạch.

Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ trưởng các Bộ thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi.

Tiêu hủy lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc

Theo kế hoạch, chủ cơ sở nuôi lợn, thú y cơ sở chủ động theo dõi, giám sát đàn lợn. Trường hợp phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì báo cơ quan thú y địa phương; cơ quan thú y thực hiện việc lấy mẫu để xét nghiệm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Bộ, ngành, địa phương tổ chức kiểm soát hoạt động vận chuyển hàng hóa trên biên giới; tăng cường kiểm tra chặt chẽ khu vực biên giới, cửa khẩu, cảng biển, kịp thời phát hiện hoạt động vận chuyển, nhập lậu lợn, sản phẩm lợn vào Việt Nam. Bên cạnh đó, tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật đối với tất cả các lô hàng lợn, sản phẩm lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc bị bắt giữ.

Chính phủ chỉ đạo những tỉnh, thành phố không có đường biên giới nếu phát hiện lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc hoặc nhập lậu hoặc nghi nhập lậu đi qua địa bàn cần kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi được Chính phủ chú trọng. Chính phủ yêu cầu bộ, ngành, địa phương tổ chức công tác truyền thông về nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng, an toàn dịch bệnh, tác hại đối với nền kinh tế, ngành chăn nuôi,... do hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm lợn gây ra.

Tổ chức kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác thú y

Song song với các hoạt động trên, thông qua các hoạt động trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác thú y và các cuộc họp song phương hằng năm giữa Việt Nam và các nước để tổ chức kiểm soát dịch bệnh, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và vận chuyển, buôn bán, nhập lậu lợn, sản phẩm lợn qua biên giới.

Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cục Thú tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời, xây dựng kế hoạch giám sát cấp quốc gia hàng năm phù hợp với tình hình dịch bệnh. Tổ chức thực hiện giám sát chủ động, giám sát lợn, sản phẩm lợn nhập lậu.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu lợn, sản phẩm lợn trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở và tuyến biển; đồng thời làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh lợn, sản phẩm của lợn nhập khẩu trái phép để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn nhập lậu qua biên giới.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại khu vực biên giới

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh Lở mồm long móng,…; kiểm soát ngăn chặn hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, các sản phẩm lợn qua biên giới, mới đây, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị, lực lượng chức năng tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của các cấp về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới.

Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng đã có chỉ đạo cụ thể tới từng lực lượng Hải quan, Thú ý, Quản lý thị trường. Trong đó, Ban chỉ đạo đã yêu cầu lực lượng Hải quan, Biên phòng các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại khu vực biên giới, đặc biệt là các đường mòn, lối mở để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển trái phép lợn và các sản phẩm lợn qua biên giới.

Hải quan chủ trì việc ngăn chặn nhập lậu lợn, sản phẩm lợn qua các cửa khẩu biên giới

Với lực lượng hải quan, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu lợn, sản phẩm lợn qua các cửa khẩu biên giới.

Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, thành lập đoàn công tác của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan là thành viên) trực tiếp đến các địa bàn khu vực biên giới, cửa khẩu, cảng biển trọng điểm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.

Đồng thời, chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y các cấp; phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trước tình hình trên, nhằm tăng cường các biện pháp nghiệp vụ chống buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đối với lợn, sản phẩm từ lợn, cơ quan Hải quan cũng đã có những chỉ đạo kịp thời tới các Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Cục Điều tra chống buôn lậu. Theo đó, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị quán triệt văn bản chỉ đạo của cấp trên cũng như của các bộ, ngành liên quan đến tăng cường kiểm soát, ngăn chặn hoạt động vận chuyển trái phép lợn, các sản phẩm từ lợn qua biên giới. Lãnh đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị chủ động tăng cường các biện pháp nghiệp vụ chống buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đối với động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt các sản phẩm từ lợn để phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi, dịch lở mồm long móng lây lan.

Bên cạnh đó, các đơn vị phối hợp chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng như Công an, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường trong đấu tránh chống nhập lậu lợn qua biên giới.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới.

Bảo Linh

Thu giữ nhiều giấy vệ sinh, bếp nướng dùng than không rõ nguồn gốc, xuất xứ(VietQ.vn) - Đội Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn vừa kiểm tra và phát hiện một chiếc ô tô vận chuyển hàng hóa sản xuất ngoài Việt Nam nhưng không xác minh được nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang