Ngăn chặn việc lợi dụng hệ thống thanh toán để mua bán, trao đổi tiền ảo

author 09:15 20/04/2018

(VietQ.vn) - Ngăn chặn các hoạt động lợi dụng hệ thống thanh toán để mua bán, trao đổi tiền ảo; xử lý kịp thời trước những thay đổi chính sách thương mại của các nước... là những nội dung quan trọng của Nghị quyết Chính phủ thường kỳ tháng 3.

Sự kiện: Thời sự

Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ thống nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 tối thiểu 6,7% và quyết tâm phấn đấu đạt cao hơn để tạo đà cho năm 2019 và các năm tiếp theo; đồng thời nâng cao chất lượng tăng trưởng để người dân sống an toàn, hạnh phúc, bảo đảm phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục nỗ lực, chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP và các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; chủ động đề xuất và có các giải pháp, đối sách phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước; tăng cường công tác quản lý nhà nước, đôn đốc, kiểm tra, đổi mới, sáng tạo, tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trên từng ngành, từng lĩnh vực.

Ngăn chặn các hoạt động lợi dụng hệ thống thanh toán để mua bán, trao đổi tiền ảo

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá; kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Quản lý chặt chẽ các giao dịch thanh toán điện tử. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán để mua bán, trao đổi tiền ảo, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái với quy định pháp luật. Quản lý tốt tăng trưởng tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm thiểu nợ xấu phát sinh; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: bất động sản, chứng khoán. Đẩy mạnh cơ cấu lại các hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.

 Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công; quản lý tốt thu ngân sách, chống chuyển giá, trốn thuế, mở rộng cơ sở thuế; mở rộng việc áp dụng hóa đơn điện tử; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi phí hội họp, mua sắm trang thiết bị, phương tiện, đi công tác trong và ngoài nước; tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đề xuất việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy nhanh công tác giao chi tiết kế hoạch vốn và thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, trong đó ưu tiên giải ngân nhanh các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn trả vốn ứng trước, tập trung đẩy nhanh các thủ tục liên quan đến xây dựng, đấu thầu, thanh quyết toán. Riêng đối với kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương, cho phép các địa phương được bố trí kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương năm 2018 cho các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước (vốn trong nước) đến ngày 30/9/2017 giải ngân đạt dưới 30% kế hoạch vốn năm 2017 được giao đầu năm.

Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp về trật tự an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giảm thiểu tai nạn giao thông, cháy nổ và bảo đảm an ninh trật tự tại một số địa bàn Tây Nguyên; phân công Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã nêu tại Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3/8/2017 của Chính phủ; phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sơ kết chương trình khởi nghiệp sáng tạo và chỉ đạo tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; phân công Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình quan trọng; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Xử lý kịp thời trước những thay đổi chính sách thương mại của các nước

Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ các đột phá chiến lược, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tập trung triển khai nhiệm vụ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước, bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong tháo gỡ những khó khăn, giải quyết vướng mắc trong triển khai thực hiện các công trình, dự án, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng, năng lượng, sản xuất công nghiệp trọng điểm để khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan có giải pháp ứng phó, xử lý kịp thời trước những thay đổi chính sách thương mại của các nước tác động đến xuất khẩu; chuẩn bị kỹ nội dung để tổ chức Hội nghị về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu. Kiểm soát nhập khẩu phù hợp; nghiên cứu có biện pháp phòng vệ đúng cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết để bảo vệ sản xuất, tiêu dùng trong nước. Có giải pháp, chính sách đẩy mạnh phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường trong nước, hệ thống phân phối bán lẻ và các hình thức kinh doanh thương mại mới, thương mại điện tử.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường dự báo, khuyến cáo sản xuất nông sản, bảo đảm cân đối cung cầu, rà soát lại các quy hoạch của từng ngành hợp lý. Phối hợp với các địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động nông dân tham gia hợp tác xã kiểu mới. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) có giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản chính ngạch, tiến tới giảm dần thương mại tiểu ngạch.

Tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường khu dân cư

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và phòng, ngừa, kiểm soát các dự án, công trình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Phối hợp với các địa phương tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung để tổ chức Hội nghị về cơ chế, chính sách tập trung đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và Hội nghị về tăng cường quản lý đất tại các nông lâm trường quốc doanh.

Bộ Giao thông vận tải khẩn trương có phương án đẩy nhanh tiến độ các công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng đã có chủ trương; trong đó chú ý tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác quản lý giáo dục, quan tâm chỉ đạo các vấn đề cụ thể liên quan đến môi trường giáo dục, bảo đảm an ninh, an toàn trường học, xử lý nghiêm các trường hợp bạo lực học đường; kiểm tra cơ sở vật chất trường học, nhất là an toàn thực phẩm và điều kiện nhà vệ sinh trong trường học.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, tập trung vào một số điểm đến quan trọng và có sản phẩm du lịch nổi bật, có tính cạnh tranh cao so với các điểm đến trong khu vực. Tận dụng tốt các cơ hội để thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam, nhất là khách đến từ các thị trường có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Đẩy mạnh công tác rà soát, chấn chỉnh, bảo đảm chất lượng dịch vụ lưu trú trên toàn quốc.

Bộ Y tế chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa. Đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh cho nhân dân. Chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bảo đảm an toàn thực phẩm.

 
Chính phủ thống nhất đánh giá: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2018 tiếp tục xu thế phát triển tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; mặt bằng lãi suất, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng; thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh; thu ngân sách nhà nước đạt khá; đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 10,4%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I tăng 22%, xuất siêu đạt khoảng 1,3 tỷ USD; cơ cấu nhập khẩu tích cực. Tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 7,38%, cao nhất trong 10 năm gần đây.
 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các chính sách đối với người có công, giảm nghèo và tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Ngoài ra, Chính phủ biểu dương các Bộ: Tư pháp, Công Thương, Giao thông vận tải, Y tế, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội đã công bố chương trình, kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách...

Đối với nhiệm vụ tập trung kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tăng trưởng, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Tổ công tác; trong đó tập trung tiếp tục rà soát danh mục sản phẩm, hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, các điều kiện kinh doanh thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách để đơn giản hóa, cắt giảm hoặc bãi bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, bảo đảm mục tiêu của Chính phủ đã đề ra; khẩn trương xây dựng, báo cáo Chính phủ dự thảo Nghị định sửa nhiều Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý. 

Khuất Nguyên

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang