Ngân hàng chính sách nói gì về "tín dụng đen"?

author 06:44 04/09/2013

Thực tế cho thấy thời điểm nào ngân hàng hoạt động tốt thì “tín dụng đen” bị kiềm chế và ngược lại.

 Liên tiếp các vụ đổ vỡ “tín dụng đen” xảy ra ở nhiều địa phương thời gian gần đây đẩy hàng ngàn hộ dân vào cảnh khuynh gia bại sản và xâm hại nghiêm trọng tới tình hình trật tự an toàn xã hội. Nhìn nhận như thế nào trước vấn nạn “tín dụng đen”?

Ngân hàng có vai trò gì trong câu chuyện này và làm gì để thỏa mãn nhu cầu có thực của một bộ phận dân cư không có khả năng tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thương mại là những vấn đề đặt ra trong cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội của chúng tôi.

Nhu cầu “tín dụng đen” là có thật

Hàng loạt các vụ “tín dụng đen” đổ vỡ gây xôn xao dư luận xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, như vụ vỡ nợ 400 tỷ đồng do vợ chồng Quang - Quyên ở Đan Phượng, Hà Nội làm chủ vay với lãi suất cao đầu tư vào bất động sản; vụ đổ bể 600 tỷ đồng do ông bà Phạm Thị Chinh và Nguyễn Ngọc Chúc ở Cầu Giấy, Hà Nội vay nhiều người với lý do mở cửa hàng vàng; vụ 600 tỷ đồng tại Lạng Sơn... và gần đây là các vụ cô Hiệu phó Trường Phương Nam, Hà Nội vay nợ 268 tỷ đồng và một cán bộ HĐND ở Hải Dương vay nợ số tiền lớn không có khả năng chi trả.

Thận trọng với tín dụng đen

Tất cả đều có chung một hình thức huy động vốn là tạo dựng lý do để đầu tư, đưa ra mức lãi suất cực hấp dẫn hối thúc người bỏ tiền cho vay hoặc lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của một bộ phận dân cư, các chủ nợ cho vay với lãi suất “cắt cổ”.  

Phóng viên (PV): Thưa Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lý, là đơn vị đảm nhiệm chức năng giúp Chính phủ thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, ông nhìn nhận như thế nào về “tín dụng đen” và hậu quả của nó?

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lý: “Tín dụng đen” là có thực và khi bị đổ vỡ nó gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt như báo giới đã phản ánh. Người ta quen gọi “tín dụng đen” vì nó hoạt động không qua hệ thống ngân hàng chính thức. Vì hoạt động ngân hàng nói chung, tín dụng nói riêng là hoạt động có điều kiện, theo quy định của pháp luật.

Hiện có hai loại “tín dụng đen” gồm: Loại do một số đối tượng dùng mồi nhử lãi suất cao, tạo dựng lý do đầu tư để vay vốn, sau đó chiếm dụng hoặc chiếm đoạt. Một loại nữa thường diễn ra ở vùng sâu vùng xa, nơi mà người dân chưa có điều kiện tiếp cận với vốn Nhà nước, một số người bỏ vốn cho vay nặng lãi (lãi suất “cắt cổ”) cũng gọi là “tín dụng đen”.

Hậu quả của “tín dụng đen” đổ vỡ tác động đảo lộn cuộc sống nhiều người dân, có thể gây bất ổn xã hội (như ở một số nước), xâm hại tới trật tự xã hội, kìm hãm sản xuất, và ảnh hưởng tới những vấn đề xã hội khác.

Bởi vậy, không chỉ nước ta mà pháp luật hầu hết các nước trên thế giới cũng luôn chủ trương chống “tín dụng đen”. Mặc dù vậy, “tín dụng đen” đã, đang và còn có lý do tồn tại, vì nhu cầu vay mượn lẫn nhau trong dân cư. Nhưng chúng ta có thể đẩy lùi, hạn chế tác động xấu của nạn “tín dụng đen”.

PV: Người dân (nhất là người nghèo - những đối tượng yếu thế trong xã hội) phải đến cửa “tín dụng đen” bởi ngân hàng chưa thể thỏa mãn nhu cầu vay vốn của họ để trang trải cuộc sống, đầu tư cho con đi học... Ý kiến của ông về nhận định này?

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lý: Hiện còn có một bộ phận dân cư nhất là ở vùng sâu vùng xa chưa thể tiếp cận được với nguồn vốn của Nhà nước. Khi có nhu cầu vay vốn, họ phải thông qua “tín dụng đen”, bởi lẽ muốn vay ngân hàng thì phải có những điều kiện kèm theo.

Tuy nhiên, kể từ khi có Ngân hàng Chính sách xã hội, có chương trình tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, thì lượng người được tiếp cận với nguồn vốn Nhà nước tăng lên nhanh chóng. Hiện số dư cho vay diện này đã là 118.000 tỷ đồng, với 21,4 triệu lượt khách hàng đã được vay vốn.

Nhưng nhiều trường hợp họ tham gia vào “tín dụng đen” không phải vì họ không vay được ngân hàng, mà vì họ bị hấp dẫn bởi lãi suất cao ngất ngưởng do các chủ vay nợ đưa ra, hoặc họ bị ngợp bởi các dự án, mô hình đầu tư hấp dẫn mà người muốn huy động vốn bày biện.

Thực tế cho thấy, khi hệ thống ngân hàng hoạt động tốt, thì “tín dụng đen” bị kiềm chế; khi hệ thống ngân hàng mà thiếu vốn hoặc vì lý do nào đó khó thỏa mãn điều kiện để cho vay, thì “tín dụng đen” có điều kiện nổi lên và gây hậu quả xấu cho xã hội.

“Tín dụng đen” xâm lấn vào ngân hàng

PV: Thực tế “tín dụng đen” không chỉ tồn tại ngoài xã hội mà luôn tìm cách len lỏi vào ngân hàng dưới nhiều dạng biến tướng. Điều này không chỉ khó khăn cho công tác đấu tranh giải quyết nạn “tín dụng đen” mà còn gây rủi ro cho chính các ngân hàng?

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lý: Không loại trừ khả năng “tín dụng đen” xâm lấn vào hoạt động của các ngân hàng. “Tín dụng đen” là lĩnh vực hấp dẫn đối với những đối tượng tội phạm kinh tế, vì lãi lớn, tránh được thuế và sự quản lý của các cơ quan chức năng. Vì thế, những người có hành vi kinh doanh “tín dụng đen” một số nơi luôn có xu hướng móc nối với cán bộ ngân hàng để thực hiện hành vi trục lợi.

Chẳng hạn, họ có thể làm trung gian tìm cách bỏ vốn vào phục vụ việc đáo nợ cho những người vay ngân hàng đến hạn, hưởng lãi suất cao từ phía người vay; hoặc những người kinh doanh “tín dụng đen” vì có tài sản mà họ có thể lập dự án (đôi khi là dự án không có thực) để vay ngân hàng, sau đó dùng tiền vay được cho vay bên ngoài với lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng hiện hành...

Hoạt động ngân hàng, trong đó có hoạt động tín dụng ngân hàng cho vay có điều kiện, nhưng đi liền với điều kiện là các hướng dẫn người vay sử dụng vốn, khuyến cáo các nguy cơ để bảo đảm an toàn vốn cho người vay. Còn hoạt động “tín dụng đen” thì ngược lại, chỉ nhằm mục đích lợi cho người cho vay. Những người hoạt động “tín dụng đen” luôn tìm cách lợi dụng chính sách ngân hàng để thực hiện hành vi trục lợi qua dịch vụ của họ.

PV: Qua hoạt động chuyên môn ngân hàng, ông có thể nêu lên những kẽ hở pháp luật để hành vi “tín dụng đen” lợi dụng là gì?

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lý: Tôi thấy Điều 163 Bộ luật Hình sự quy định tội cho vay lãi nặng đến nay không còn phù hợp. Điều luật quy định: “Người nào cho vay với lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phải cải tạo không giam giữ đến một năm”.

Thực tế qua điều tra xử lý các vụ vỡ nợ gần đây cho thấy, tình trạng cho vay nặng lãi hiện phức tạp hơn nhiều, trong khi đó chế tài lại không đủ sức răn đe đối tượng. Trong khi thông lệ ngân hàng nghiên cứu đưa ra, nếu mức lãi suất cho vay mà chiếm hết phần lợi nhuận của bên vay thì đã là vay nặng lãi rồi. Chính vì kẽ hở như trên nên các đối tượng dễ bề lợi dụng để hoạt động “tín dụng đen” và công tác đấu tranh với vấn nạn này gặp khó khăn.

Hanh thông các kênh cho người nghèo vay vốn

PV: Từ phân tích của ông, theo suy luận lôgic vì ngân hàng hoạt động chưa tốt, một bộ phận người dân khó tiếp cận được vốn qua hoạt động của ngân hàng nên phải tìm đến “tín dụng đen” để thỏa mãn vốn như hiện nay. Như thế ngân hàng có trách nhiệm trong chuyện này, và để cải thiện điều đó thì cần phải làm gì?

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lý: Thực tế cho thấy thời điểm nào ngân hàng hoạt động tốt thì “tín dụng đen” bị kiềm chế và ngược lại. Từ lẽ đó, Chính phủ đã chủ trương thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội với mục tiêu cung cấp nguồn vốn cho bộ phận dân nghèo và các đối tượng chính sách khác với lãi suất ưu đãi.

Mười năm qua, nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đã triển khai tới các đối tượng như cho học sinh, sinh viên vay vốn; cho vay giải quyết việc làm; cho vay hộ cận nghèo; cho vay đi xuất khẩu lao động; cho vay phát triển sản xuất vùng đặc biệt khó khăn...

Kết quả, đến nay đã có 21,4 triệu lượt khách hàng được vay vốn ưu đãi của Chính phủ, với dư nợ trên 118.000 tỷ đồng. Điểm nổi bật là thủ tục cho người vay vốn rất đơn giản, do hội đoàn thể hoặc tổ vay vốn giúp đỡ. Qua đó, đẩy lùi một cách chủ động nạn “tín dụng đen”.

PV: Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu ý kiến, đã đến lúc không chỉ cảnh báo, giải quyết các vụ hụi họ, “tín dụng đen” khi đã đổ vỡ, mà cần sự chủ động vào cuộc với cơ chế pháp lý, thông tin, ngăn chặn và kiểm soát phù hợp và hữu hiệu của Ngân hàng Nhà nước, chính quyền và cơ quan chức năng. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lý: Tôi đồng tình với quan điểm này. Để đẩy lùi nạn “tín dụng đen” có trách nhiệm từ phía ngân hàng, cụ thể là mở rộng các chương trình tín dụng ưu đãi đối với bộ phận dân cư nghèo, những người được coi là yếu thế trong xã hội theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời xử lý nghiêm những cán bộ tiếp tay cho “tín dụng đen”. Nhưng chống vấn nạn này còn cần tới hành lang pháp lý, công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, đấu tranh của các cơ quan chức năng nhất là lực lượng CAND.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Phó Tổng giám đốc!

 

Đại tá Hồ Sĩ Tiến, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Bộ Công an cho biết: Qua điều tra nhiều vụ vỡ nợ gần đây cho thấy, thủ đoạn chính các đối tượng áp dụng vẫn là lãi suất cao không thể đạt được qua làm ăn kinh doanh.
Thời điểm này đổ vỡ nhiều vụ cho vay lãi nặng có căn nguyên từ tình hình thị trường bất động sản trầm lắng, lãi suất ngân hàng đang từ chỗ cao được điều chỉnh giảm xuống để kích thích sản xuất.
Vì thế nhiều người dân nhẹ dạ rút tiền trong ngân hàng gửi ra bên ngoài với hy vọng được lời nhiều hơn nên mắc bẫy. Một số đối tượng vì bị thất thoát do kinh doanh bất động sản đã tìm cách lấy lại phần nào vốn qua kênh cho vay lãi nặng...

Thanh Phong

Theo CAND

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang