Ngân hàng muốn 'tháo chạy' khỏi doanh nghiệp lớn?!

author 14:35 15/12/2014

Gần đây, nhiều ngân hàng tập trung đẩy mạnh hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, sau một thời gian dài “lãng quên” phân khúc này. Cùng với đó, họ cũng muốn “tháo chạy” dần khỏi các doanh nghiệp lớn.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh triển khai chương trình SMEFP để hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) với lãi suất ưu đãi. Đây là chương trình được nhiều ngân hàng phối hợp với Ban Quản lý các Dự án tín dụng quốc tế (NHNN) và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai nhiều gói ưu đãi hấp dẫn cho DNVVN thông qua các chương trình SMEFP I, II và III. 

Đại diện NHNN cho biết, SMEFP là chương trình được triển khai ở nhiều địa phương và được các ngân hàng tích cực hưởng ứng, đã đem lại kết quả khả quan, giúp các DNVVN có thêm cơ hội tiếp cận được vốn giá rẻ, hỗ trợ tích cực vào sự hồi phục của nền kinh tế.

ngân hàng, doanh nghiệp, tháo chạy, nhà băng, ôm nợ, doanh nghiệp nhà nước

Nhiều nhà băng ôm "nợ khủng" từ các doanh nghiệp Nhà nước.

Theo thừa nhận của lãnh đạo một ngân hàng cổ phần, khoảng vài tháng trở lại đây ngân hàng chăm sóc các DNVVN hơn, đặc biệt là ưu tiên cho vay vốn trung và dài hạn, điều mà trước đây nhóm doanh nghiệp này gần như không tiếp cận được. 

Ông Mai Hồng Bàng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Vinavico cho biết: Thời gian này, nhiều ngân hàng đã tìm đến công ty ông để đặt vấn đề cho vay vốn trung và dài hạn. 

“Đây là nguồn vốn quan trọng, bởi công ty đang có nhu cầu đầu tư máy móc thiết bị để khai khoáng, nhưng nhiều năm nay gần như không tiếp cận được nguồn vốn này. Ngay cả hồi đầu năm, ngân hàng chỉ muốn cho công ty vay vốn ngắn hạn”, ông Bàng chia sẻ. 

Việc các ngân hàng chuyển hướng sang “chăm sóc” DNVVN được nhiều chuyên gia đánh giá là hướng đi đúng, bởi nhóm này hiện chiếm tỷ lệ gần 90% số doanh nghiệp Việt Nam, là lực lượng sản xuất hàng hóa, dịch vụ rất quan trọng, đóng góp khoảng 40% GDP cho nền kinh tế. 

Giải thích lý do vì sao các ngân hàng đẩy mạnh cho vay nhóm DNVVN, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội thừa nhận, việc khó mở rộng tăng trưởng tín dụng do nhu cầu vốn của doanh nghiệp thấp trong 2 năm trở lại đây đã khiến cho chênh lệch giữa cho vay và huy động đối với doanh nghiệp lớn giảm mạnh. 

“Ngân hàng nào cũng sợ rủi ro nên toàn tìm khách hàng lớn và cuộc chiến lãi suât đã diễn ra ở khu vực này khiến chênh lệch lãi suất giảm mạnh, thậm chí có khách hàng lãi suất cho vay còn thấp hơn huy động. Do đó, nếu phải cho vay đối với các doanh nghiệp Nhà nước, chúng tôi sẽ chọn nhóm đối tượng được Nhà nước và được chính các tập đoàn bảo lãnh mới cho vay”, vị này cho biết. 

Ngoài ra, báo cáo tình hình doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp nên phải đối mặt với nhiều rủi ro về tài chính như chi phí tài chính và chi phí lãi vay tăng cao (hầu hết hoạt động đầu tư các tập đoàn, tổng công ty dựa trên vốn vay). 

“Trong khi đó, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước tiếp tục giảm (xuất khẩu nông thủy sản gặp khó khăn), thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự khởi sắc, có sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước do các chính sách hội nhập kinh tế quốc tế theo cam kết của Việt Nam”, báo cáo nhấn mạnh thêm. 

Cụ thể, theo báo cáo, nợ vay (vay ngắn hạn và dài hạn) từ các tổ chức tín dụng của các tập đoàn, tổng công ty là 489.260 tỷ đồng, tăng 12,3% so với thực hiện năm 2012. Một số tập đoàn, tổng công ty có số nợ vay từ các tổ chức tín dụng tương đối lớn như: PVN là 163.063 tỷ đồng; EVN là 78.583 tỷ đồng; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam là 49.566 tỷ đồng; Vinalines là 47.627 tỷ đồng; Tổng Công ty Sông Đà là 20.357 tỷ đồng; Tổng Công ty Xi măng Việt Nam là 16.483 tỷ đồng...

Vay nợ nhiều nhưng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty cũng bị giảm sút mạnh so với năm 2012 như: Tập đoàn Cao su Việt Nam doanh thu giảm 28%, lợi nhuận giảm 46% so với năm 2012; Tổng Công ty (TCT) Thái Sơn doanh thu giảm 10%, lợi nhuận giảm 59% so với năm 2012; TCT Xây dựng Bạch Đằng doanh thu tăng 29%, lợi nhuận giảm 67% so với năm 2012; TCT Lắp máy Việt Nam doanh thu giảm 68%, lợi nhuận giảm 60% so với năm 2012; Công ty TNHH 1TV Vàng bạc đá quý Sài Gòn doanh thu giảm 63%, lợi nhuận giảm 31%... 

Trước tình hình “nợ khủng” của các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế, lãnh đạo một nhà băng lớn tại Hà Nội thừa nhận, nhiều ngân hàng và cả ngân hàng ông đang muốn rút vốn dần khỏi phân khúc này. Ông này cho hay: “Không dại gì chúng tôi dồn hết vốn cho vay doanh nghiệp lớn trong bối cảnh này. Vốn của ngân hàng cũng nên để nhiều giỏ mới an toàn và sinh lời”. 

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều ngân hàng “ôm” khoản nợ khủng của khách hàng là doanh nghiệp lớn mà muốn nhả ra cũng khó. Bởi các “con nợ” đâu có nguồn để trả nợ. Đơn cử như BIDV đang ôm những khoản “nợ khủng” của nhiều doanh nghiệp lớn như: Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Vinashin, Vinalines… ,trong đó có những khách hàng không có nguồn mà trả nợ và đang phải khoanh nợ như Vinalines, Vinashin. 

Đơn cử như HAGL hiện đang vay BIDV thông qua phát hành trái phiếu, vay ngắn hạn, dài hạn khoảng 5.281 tỷ đồng (tính đến 31/12/2013), chiếm khoảng 2,4% dư nợ của ngân hàng. Trong đó, BIDV 3 lần phát hành trái phiếu cho HAGL với tổng giá trị là 2.400 tỷ trái phiếu, vay dài hạn là 1.784 tỷ đồng, vay ngắn hạn là 1.097 tỷ đồng. 

BIDV đang còn phải ôm khoản nợ của tập đoàn Công nghiệp và Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là 6.600 tỷ đồng, trong đó 1.600 tỷ đồng sẽ được chuyển qua Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines). 

Sau khi chuyển nợ, dư nợ Vinashin tại BIDV còn lại khoảng 5.000 tỷ đồng, chiếm 2,4% tổng dư nợ. Cần phải nói, khoản nợ này đã được Chính phủ khoan nợ, còn với Vinalines thì chưa có nguồn trả nợ nào.

Hay như Vietinbank với khoản nợ 5.000 tỷ đồng (tương đương 235 triệu USD) của Vinalines (tính đến cuối năm 2013) gần như không có khả năng thu hồi vì tổng công ty này đang còn thua lỗ, không có nguồn trả nợ. Để xử lý khoản nợ này, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ phương án chuyển nợ thành cổ phần cho Vietinbank. 

Và theo báo cáo của Chính phủ, tính đến cuối năm 2013, lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất của Vinalines là 6.958,423 tỷ đồng… Đó là những dẫn chứng cho thấy, vì sao nhà băng không còn ham hố dồn vốn ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn hiện nay.

Theo Dân trí


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang