Ngân hàng Nhà nước có mệnh giá 835 đồng không?

author 13:33 02/12/2014

(VietQ.vn) - Đó là câu hỏi của phóng viên với Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về chuyện bà Thủy gửi tiền tiết kiệm sau 30 năm được trả lãi 4.835 đồng.

Trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng tháng 11/2014, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên về trường hợp bà Lê Thị Bích Thủy sau 30 năm gửi tiền tại ngân hàng nhưng chỉ nhận được lãi suất rất thấp.

gửi tiền tiết kiệm sau 30 năm được lãi 4.835 đồng

Hai cuốn sổ tiết kiệm từ năm 1983 của bà Lê Thị Bích Thủy - Ảnh: T.T.D. (Tuổi trẻ)

Mới đây, VietinBank thông báo số tiền gốc và lãi khoản tiền gửi tiết kiệm gần 30 năm của bà Lê Thị Bích Thủy là 4.835 đồng dù giá trị gửi ban đầu là 270 đồng, tương đương 2 chỉ vàng thời đó. Bà Thủy gửi năm 1983.

Phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam hỏi, nếu bà Thủy chấp nhận lấy số tiền đó thì Ngân hàng có mệnh giá 835 đồng để trả không, nếu có thì Bà Thủy sẽ giao dịch ở địa điểm nào?

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, về chế độ tiền gửi tiết kiệm của người dân đã được triển khai từ khi thành lập ngân hàng. Trong quá trình tổ chức, hoạt động ngân hàng, ngân hàng nhà nước đều có quy định về lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn cụ thể cho các tổ chức tín dụng. Các tổ chức này cũng đều có quy trình cụ thể. Khi gửi tiền, người gửi có thẻ tiết kiệm, trong đó có nội dung cụ thể giữa tổ chức tín dụng và người gửi tiền.

“Như vậy, người gửi tiền và tổ chức tín dụng sẽ thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Các ngân hàng sẽ phải đảm bảo việc chi trả số tiền cho người gửi tiết kiệm theo quy định”, bà Hồng nói.

bà Nguyễn Thị Hồng, phó thống đốc ngân hàng nhà nước

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Phóng viên chưa thỏa mãn với câu trả lời của bà Hồng và nhấn mạnh. “Xin phó thống đốc giải đáp, ngân hàng có mệnh giá 835 đồng không và nếu có thì bà Thủy sẽ giao dịch ở đâu?”.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục trình bày: “Bà Thủy gửi tiền từ trước năm 1985. Thời điểm năm 1985 nước ta có đổi tiền. Khi chúng tôi rà soát, năm 1985, theo pháp lệnh của nhà nước về việc phát hành tiền ngân hàng mới thu đổi, ngân hàng cũng quy định nhà nước phát hành các loại tiền ngân hàng mới. Theo đó, các cá nhân nắm giữ đồng tiền thì cũng đổi từ tiền cũ sang tiền mới. Qua kiểm tra cho thấy, riêng tiền gửi tiết kiệm nhà nước đã có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm còn số dư đến ngày thu đổi”.

Cụ thể theo quy định, đối với những khoản tiền gửi từ 1/3/1978 trở về trước được quy đổi theo tỷ lệ là 1 đồng cũ bằng 1 đồng mới. Bên cạnh đó, cũng có những giai đoạn được ưu tiên như từ 2/3/1978 đến 31/5/1981 quy đổi là 2 đồng cũ bằng một đồng mới. Từ 1/6/1981 đến 31/12/1984 được quy đổi theo tỷ lệ 6 đồng cũ bằng 1 đồng mới. Từ 1/1/1985 đến 31/7/1985 được quy đổi theo tỷ lệ 9 đồng cũ bằng 1 đồng mới. Từ 1/8/1985 đến ngày đổi tiền thì theo tỷ lệ 10 đồng cũ bằng 1 đồng mới.

Như vậy, theo bà Hồng, việc người dân gửi tiền tiết kiệm đã có lợi hơn việc nắm giữ tiền mặt tại thời điểm đổi tiền. Bởi vì quy định chung về đổi tiền là tỷ lệ 10 đồng cũ bằng 1 đồng mới. Tất cả các khoản tiền gửi tiết kiệm từ thời kỳ ngân hàng ở thứ cấp chuyển sang ngân hàng hai cấp đều được ngân hàng nhà nước chuyển giao cho các ngân hàng thương mại quản lý, thực hiện chi trả cho người gửi tiền.

Bà Hồng khẳng định, không có trường hợp nào ngân hàng nhà nước tự tất toán tiền gửi hay thu phí quản lý đối với khoản tiền nhỏ hay không hoạt động trong thời gian dài.

Về quan điểm của Chính phủ qua sự việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên phát biểu: “Chúng tôi nhận thức được rằng, đất nước ta đã trải qua một chặng đường dài lịch sử. Vấn đề tiền gửi qua nhiều giai đoạn rất phức tạp nhưng tất cả đều có quy định. Quan điểm của chúng tôi là làm thế nào bảo đảm được đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền theo quy định của pháp luật”.  

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang