Ngân hàng Nhà nước nói về chênh lệch giá vàng

author 19:46 26/04/2013

(VietQ.vn) - Giá vàng Việt Nam và thế giới đang chênh lệch đến 7 triệu đồng/lượng. Ai đang hưởng lợi?

Tại phiên họp báo Chính phủ ngày 26/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xin "đăng đàn" trước, để trả lời các câu hỏi của báo giới xung quanh câu chuyện giá vàng.

Phó Thống đốc Lê Minh Hưng đã trả lời rõ ràng từng câu hỏi của các phóng viên. 

Phó Tổng Giám đốc NHNN Lê Minh Hưng.
Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng.

- NHNN khi bắt đầu đấu thầu cũng đặt mục tiêu kéo sát giá vàng trong nước và thế giới theo yêu cầu của Quốc hội, nhưng chưa thực hiện được. Xin giải thích vì sao? Mục tiêu các phiên đấu thầu vàng vừa qua có đạt được? Mọi người cũng đặt dấu hỏi liên quan đến việc NHNN tăng cung vàng miếng phải chăng chỉ để các ngân hàng tất toán?

Thứ nhất, về chênh lệch giá vàng, chúng ta phải khẳng định Việt Nam là một nước không sản xuất được vàng, nhu cầu vàng miếng được thực hiện qua dùng ngoại tệ nhập khẩu. Thời gian qua, chúng ta phải lựa chọn mục tiêu ưu tiên là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và hoạt động bình thường của thị trường ngoại tệ.

Trong 2 năm qua, NHNN không cấp phép nhập khẩu vàng miếng để góp phần ổn định vĩ mô, trong khi  nhu cầu vàng miếng là có thực, trong đó có một phần từ các ngân hàng tất toán trạng thái. Mặt khác, gần đây giá vàng quốc tế có sự sụt giảm rất mạnh, giảm mạnh nhất trong 30 năm qua. Đây là các yếu tố khiến giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch.

Nhưng nhìn lại, từ khi triển khai Nghị định 24 của Chính phủ, tuy có chênh lệch giá nhưng cơn sốt vàng, diễn biến tỷ giá và hoạt động thị trường ngoại tệ hết sức ổn định, đây là một trong những yếu tố then chốt để ổn định vĩ mô.

Thứ hai, NHNN thực hiện đấu thầu vàng theo các quy định của pháp luật, đặc biệt là theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các quy định về quản lý dự trữ ngoại hối.

NHNN đấu thầu góp phần tăng cung, giảm áp lực cầu, nếu NHNN không tham gia bình ổn, trong bối cảnh không cho phép nhập khẩu, thì  thị trường sẽ biến động rất mạnh, đặc biệt là về giá. Chúng tôi đánh giá việc NHNN đấu thầu 12 tấn vàng đã tăng cung, giảm áp lực cầu vàng. Thứ hai, thông qua hoạt động bình ổn giá tránh tình trạng bất ổn, sốt vàng. Thứ ba, góp phần ổn định tỷ giá và hoạt động của thị trường ngoại tệ.

Về câu hỏi thứ ba, một tín hiệu tích cực là sau khi triển khai Nghị định 24 và NHNN triển khai bình ổn thị trường vàng, là nhu cầu nắm giữ vàng đã giảm rất mạnh, tất nhiên còn có nhu cầu khác đến từ các tổ chức tín dụng. NHNN có thể bán trực tiếp vàng cho các tổ chức này, nhưng để minh bạch, công khai, NHNN đã tổ chức đấu thầu và chúng tôi cho phép các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng đủ điều kiện tham gia đấu thầu.

Lượng vàng miếng mà các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng này trúng thầu một phần dùng để tất toán trạng thái, một phần để cung ra thị trường.

- Chênh lệch giá vàng lớn thì có xảy ra vàng lậu? Theo quyết định đấu thầu, tỷ lệ đặt thầu từ 500 – 1.000 lượng vàng thì doanh nghiệp phải có số vốn lớn,  từ 20 – 40 tỷ đồng thì mới có thể tham gia. Với quy mô doanh nghiệp hiện tại, số vốn không lớn, doanh nghiệp thắng thầu chủ yếu là ngân hàng. Vậy có lợi ích nhóm ở đây hay không?

Nhìn lại thời gian xây dựng Nghị định 24, đây là lý do mà NHNN khi báo cáo và dự thảo Nghị định trình Chính phủ, việc quy định Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất và độc quyền sản xuất vàng miếng.

Trước đây, nhiều doanh nghiệp được cấp phép để làm việc này, khi thị trường có chênh lệch giữa trong nước và quốc tế thì xảy ra hiện tượng nhu cầu ngoại tệ số lượng lớn để nhập khẩu vàng sản xuất vàng miếng, ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá và gây áp lực lên lạm phát. Đây là yếu tố quan trọng để ban hành Nghị định 24. Quản lý chặt chẽ nhập khẩu, sản xuất vàng miếng là yếu tố quan trọng để ổn định thị trường, tỷ giá.

Theo dõi lại tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong thời gian vừa qua thì thấy hết sức bình thường, đáp ứng đủ nhu cầu vốn ngoại tệ cho mục tiêu thanh toán xuất nhập khẩu và tỷ giá diễn biến bình thường trong biên độ. Đây là yếu tố đạt được từ quy định quản lý chặt chẽ hoạt động thị trường vàng.

Chúng ta có chế tài nghiêm khắc đối với kinh doanh ngoại tệ và vàng, quy định tại Nghị định 95 là hết sức chặt chẽ nên phòng tránh được những vấn đề liên quan nhập lậu vàng và kinh doanh ngoại tệ trái phép.

Điều kiện kinh doanh vàng, trong đó có quy định về đặt thầu, điều kiện về vốn, trước hết phải khẳng định vàng miếng là mặt hàng không khuyến khích mua bán, không phải mặt hàng thiết yếu, không đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế, cho phép mua bán nhưng phải có điều kiện kinh doanh, trong đó có điều kiện vốn.

 - Khoản chênh lệch giá vàng hiện giờ là từ 6-7 triệu đồng/lượng thì ai đang được hưởng lợi? Thứ hai, đến ngày 30/6 khi các ngân hàng hoàn thành trạng thái tất toán vàng có thể giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cân bằng. Vậy NHNN có thể khẳng định đến thời điểm nào giá vàng trong nước và thế giới bằng nhau?

Khi NHNN tham gia bình ổn thị trường vàng thông qua việc đấu thầu vàng thì NHNN đã công bố rất rõ đây là hoạt động bình ổn thị trường, NHNN không bình ổn giá. Thông qua việc đấu thầu NHNN không nhằm mục tiêu kéo giá vàng xuống ngay lập tức cân bằng với giá vàng thế giới mà chúng tôi chủ yếu thực hiện việc tăng cung ra thị trường để qua đó giải quyết vấn đề nhu cầu vàng.

Nếu trong thời gian qua, chúng ta phải thừa nhận thực tế nhu cầu vàng là có thực mặc dù nhu cầu vàng đầu tư trong dân đã giảm.

Chúng ta có thể nhận thấy rõ thời gian qua, thị trường vàng có biến động nhưng không xảy ra những cơn sốt vàng, không xảy ra những biến động hay tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng.

Đây là thành công lớn của Nghị định 24. Còn nếu thời gian qua, chúng ta không tăng cung thì với nhu cầu rất lớn như vậy, hoạt động trên thị trường vàng sẽ bất ổn. Còn toàn bộ khoản chênh lệch giá vàng NHNN thu được từ việc đấu thầu vàng là nguồn thu của ngân sách NN, chuyển về ngân sách nhà nước.

Việc huy động vàng của các tổ chức tín dụng dưới hình thức tiết kiệm đã chấm dứt từ ngày 25/11/2012, nhưng kỳ hạn dài nhất mà một số tổ chức muốn huy động là 30/6.

Đây là 1 trong những lý do mà các tổ chức tín dụng phải mua vàng trên thị trường để đáp ứng tất toán trạng thái huy động và cho vay. Rõ ràng nhu cầu gây áp lực lên thị trường, đến ngày 30/6 khi các tổ chức tín dụng hoàn thành việc tất toán trạng thái vàng của mình sẽ giảm cầu trên thị trường. Khi mà nhu cầu trên thị trường giảm bớt thì chênh lệch giá trong nước và quốc tế sẽ giảm.

- Có băn khoăn là trong 3-4 tháng đầu năm dư nợ huy động tăng nhưng cho vay không tăng, nhiều người đặt ra nghi vấn rằng phải chăng dòng tiền đấy đang chảy từ các ngân hàng chảy vào để mua vàng chứ không cho DN vay?Và trong báo cáo của NH gửi Ủy ban Kính tế nói rằng đã nỗ lực để kéo giảm chênh lệch của giá vàng trong nước và thế giới và coi đấy là một thành công của NHNN. Hiện nay giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch rất lớn. Vậy quan điểm về thành công đấy còn được ghi nhận hay không?

Thứ nhất, liên quan đến các tổ chức tín dụng mua vàng, tôi xin khẳng định rằng, các tổ chức tín dụng tham gia phải đáp ứng quy định của NHNN về trạng thái kinh doanh vàng và nguồn vàng sử dụng cho mục đích gì. Chúng tôi có quy định cụ thể và giám sát chặt chẽ công tác này.

Thứ hai, về nguồn tiền, chúng tôi đã có quy định tại thông tư của NHNN không cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp để kinh doanh và mua vàng miếng.

Thứ ba, hiện nay NHNN đang triển khai thanh tra toàn bộ các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp tham gia vào quá trình đấu thầu mua vàng của NHNN theo đúng quy định của pháp luật.

Về giá vàng chênh lệch, chúng tôi khẳng định khi NHNN triển khai các quy định tại Nghị định 24 cũng như việc thực hiện bình ổn thị trường vàng bằng các phiên đấu thầu chúng tôi cho rằng NHNN đã thành công với một quy chế như vậy.

NHNN đã tham gia cung ứng vàng ra thị trường để tránh biến động do cung cầu trong nước đang mất cân đối, để đảm bảo được rằng thị trường trong nước không xảy ra những cơn sốt vàng như trước đây, thị trường vàng không tác động tiêu cực đến sự ổn định của tỷ giá và hoạt động của thị trường ngoại tệ. Đó là những thành công.

Chúng ta cũng phải nhìn nhận vào thực tiễn, trong bối cảnh điều kiện kinh tế vĩ mô và điều kiện kinh tế chung của đất nước thì chúng ta phải lựa chọn những mục tiêu ưu tiên, vàng không phải là mặt hàng thiết yếu mà Nhà nước khuyến khích cho nên, một mặt chúng ta không nhập khẩu một mặt phải quản lý rất chặt những hoạt động kinh doanh để không gây bất ổn.

Vì vậy chênh lệch giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố, là do chúng ta không cho phép nhập khẩu, do nhu cầu vàng trong nước vẫn có và giá vàng quốc tế giảm rất mạnh, còn nói về tổng thể, sự tham gia của NHNN vào bình ổn thị trường vàng đạt được mục tiêu đề ra.

Nhật Bắc

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang