Sự thật ngân hàng SHB “sáng tác” lịch sử ở lịch xuân

author 14:17 20/01/2014

(VietQ.vn) - Truyền thuyết lịch sử về hồ Hoàn Kiếm bị 'bóp méo' trên 'ấn phẩm' Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sử dụng.

Cộng đồng mạng bức xúc khi đọc những nội dung ghi trên cuốn lịch xuân của SHB. Cụ thể, SHB đã 'đạo' sự tích Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). "Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) gắn liền với truyền thuyết Rùa Thần đòi gươm. Một lần nhà Vua dạo chơi bằng thuyền trên mặt hồ bắt gặp một sinh vật là Rùa lớn nổi lên bơi về phía Ngài, bấy giờ Vua liền rút gươm ra để xua Rùa đi nơi khác, nhưng Rùa bất ngờ ngậm lấy thanh gươm rồi lặn mất xuống lòng hồ. Từ đó hồ được đặt tên là Hồ Hoàn Kiếm”, cuốn lịch của Ngân hàng được cộng đồng mạng truyền nhau ghi rõ 

Đi kèm với nội dung này, bên dưới là lô gô của Ngân hàng SHB và slogan: SHB – Đối tác tin cậy, giải pháp phù hợp.

Nội dung này được SHB xác nhận là có trên tờ lịch do ngân hàng này phát hành. Ảnh: T. S

"Lịch sử hồ Hoàn Kiếm gắn với Hà Nội – Thủ đô của đất nước với 4 ngàn năm văn hiến không thể một đơn vị như Ngân hàng SHB lại không biết điều đó. Đặc biệt, Rùa thiêng ở hồ Hoàn Kiếm mà bấy lâu nay người dân Hà Nội vẫn gọi với cái tên là Cụ Rùa lại được miêu tả là “cướp” gươm của Vua và gọi là “sinh vật là Rùa”, tiếp đến là “sáng tác” ra cảnh Vua rút gươm ra xua đuổi Rùa, trong khi ở nhiều tài liệu lịch sử không ghi điều đó. Hiện chưa rõ thông tin trên là vô tình hay hữu ý nhưng điều nguy hại hơn cả là việc sai sót này sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng nếu như lịch sử bị “bóp méo”, xuyên tạc trong giới trẻ và các thế hệ trẻ mai sau", một thành viên trên cộng đồng mạng bày tỏ quan điểm của mình.

Trao đổi qua điện thoại với PV Chất lượng Việt Nam, một đại diện của SHB khẳng định, chiều nay 20/01/2014 sẽ có trả lời chính thức tới cơ quan báo chí về nội dung nói trên. Vị này bước đầu xác nhận, thông tin đó xuất hiện ở trên tờ lịch do SHB đặt in.

Có thuyết khác nhau về sự tích Hồ Gươm và về truyện trả gươm. Đại ý khi thuyền của vua ra giữa hồ thì rùa vàng chắn trước. Vua Lê rút gươm chỉ vào Rùa Vàng, Rùa Vàng liền đớp lấy gươm của vua mà bơi đi. Vua Lê sai tát cạn hồ Thủy Quân để tìm lại gươm báu nhưng không thấy rùa đâu.

Theo Sách Lam Sơn thực lục của Nguyễn Trãi chép:

"Khi ấy Nhà-vua cùng người ở trại Mục-sơn là Lê Thận cùng làm bạn keo sơn. Thận thường làm nghề quăng chài. Ở xứ vực Ma-viện, đêm thấy đáy nước sáng như bó đuốc soi. Quăng chài suốt đêm, cá chẳng được gì cả. Chỉ được một mảnh sắt dài hơn một thước, đem về để vào chỗ tối. Một hôm Thận cúng giỗ (ngày chết của cha mẹ), nhà vua tới chơi nhà. Thấy chỗ tối có ánh sáng, nhận ra mảnh sắt, nhà vua bèn hỏi:

- Sắt nào đây?

Thận nói:

- Đêm trước quăng chài bắt được.

Nhà vua nhân xin lấy. Thận liền cho ngay. Nhà vua đem về đánh sạch rỉ, mài cho sáng, thấy nó có chữ "Thuận Thiên", cùng chữ "Lợi".

Lại một hôm, nhà vua ra ngoài cửa, thấy một cái chuôi gươm đã mài-dũa thành hình, nhà vua lạy trời khấn rằng:

- Nếu quả là gươm trời cho, thì xin chuôi và lưỡi liền nhau!

Bèn lấy mảnh sắt lắp vào trong chuôi, thành ra một chiếc gươm hoàn chỉnh.

Tới hôm sau, lúc đêm, trời gió mưa, sớm ngày mai, hoàng hậu ra trông vườn cải, bỗng thấy bốn vết chân của người lớn, rất rộng, rất to. Hoàng hậu cả kinh, vào gọi nhà vua ra vườn, được quả ấn báu, lại có chữ Thuận Thiên (sau lấy chữ này làm niên hiệu) cùng chữ Lợi. Nhà vua thầm biết ấy là của trời cho, lòng lấy làm mừng, giấu giếm không nói ra.

Truyền thuyết kể tiếp rằng, sau Lê Lợi dùng thanh gươm báu đó làm gươm chiến đấu, xông pha chém địch nhiều trận, cuối cùng đuổi được quân Minh, lên làm vua.

Đầu năm 1428, Lê Thái Tổ cùng quần thần bơi thuyền ra hồ Thủy Quân. Ra giữa hồ, có Rùa Vàng nổi lên mặt nước, chắn trước thuyền của vua gọi to:

- Xin nhà vua hãy hoàn lại gươm thần cho Long Vương!

Lê Thái Tổ rút gươm trả, rùa vàng ngậm lấy gươm lặn xuống nước đi mất. Từ đó hồ Thủy Quân được đặt tên là hồ Hoàn Kiếm."

Cũng vào thời Lê, hồ còn được dùng làm nơi tập luyện của thuỷ quân nên có lúc được gọi là hồ Thuỷ Quân

Bảo Hân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang