Ngân hàng và cái chết êm ái

author 14:46 05/07/2013

(VietQ.vn) - Cho đến nay ở Việt Nam, “phá sản ngân hàng” vẫn được coi là một cụm từ cấm kỵ, do e ngại những tác động tiêu cực của nó đến toàn xã hội. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp; không lý gì lại “bất tử” một khi kinh doanh bê bết!

Chính sách “không có ngân hàng nào phá sản” rất có thể vừa tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh, vừa khuyến khích tâm lý cho vay bừa ẩu ở các nhà băng (vì thế nào cũng có người đỡ). Chất lượng Việt Nam xin giới thiệu một góc nhìn khác về vấn đề này của PGS - TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM.

Cho phá sản ngân hàng là một nghệ thuật

Vòng chuyển hóa sinh - lão - bệnh - tử là “lẽ thường tự nhiên” và nó luôn luôn đúng, kể cả với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thương mại hay kinh doanh tiền tệ, chứng khoán. Ngân hàng cũng vậy. Cũng trên nguyên tắc đó mà Luật Phá sản cũng điều chỉnh mọi loại hình doanh nghiệp, không chừa doanh nghiệp nào.

Ngân hàng có bất tử?
Ngân hàng có bất tử?

Tuy nhiên, phải nói rằng ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt mà khi buộc phải phá sản có thể để lại hậu quả rất lớn, tác động đến một số lượng lớn người dân và doanh nghiệp. Vì thế ở nhiều nước khác, khi buộc phải để ngân hàng phá sản họ cũng phải cân nhắc. Có nước cho phá sản bình thường, như Mỹ, tôi tạm gọi là dùng phương pháp tây y, đáng phá sản là cho phá sản ngay. Thậm chí có ngân hàng từng hoạt động cả trăm năm như Lehman Brothers; Bankston, hay Merrill Lynch, từng nằm trong top 5 ngân hàng đầu tư của thế giới, họ cũng vẫn cho phá sản.

Nhưng nhiều nước khác để sự phá sản này mang tính chất tự nguyện hơn; tức là sắp xếp để cái chết đó êm đẹp hơn, không làm cho những người ở lại phải vương vấn, đau khổ nhiều. Cho ngân hàng phá sản như thế cũng là một nghệ thuật!

Cách nào cho Việt Nam?

Ở Việt Nam câu chuyện khai tử ngân hàng ít phổ biến hơn, nhưng cũng không phải là không có. Dưới hình thức hợp nhất vào SHB, Habubank đã mất tên, mất hoàn toàn thương hiệu trên thị trường, thực chất cũng là một hình thức phá sản. Cách thức này ít nhiều cũng gây khó khăn cho ngân hàng còn lại; nhưng là một đơn vị kinh doanh, SHB hẳn đã phải tính toán thiệt hơn, lợi nhiều hơn hại họ mới làm. Dĩ nhiên cũng sẽ có trường hợp một ngân hàng quá yếu kém mà không có ngân hàng nào đồng ý cho sáp nhập thì buộc phải cho phá sản, nhưng theo Ngân hàng Nhà nước thì chưa có “anh” nào đến mức đó; Ngân hàng Nhà nước vẫn kiểm soát được tình hình.

Tôi nghĩ rằng cách phá sản “dịu dàng” hơn theo kiểu "đông y" như vậy thì ít gây sốc cho xã hội hơn, nhưng quá trình thực hiện sẽ kéo dài, ảnh hưởng đến tăng trưởng, cơ thể kinh tế sẽ bị yếu mệt lâu ngày hơn. Trong điều kiện của Việt Nam thì vẫn phải đông tây y kết hợp, nhưng nên ưu tiên giải pháp "đông y" để không gây ra hậu quả lớn, đột ngột.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM; Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

“Ông chủ phá sản, nhưng ngân hàng thì tiếp tục tồn tại và hoạt động”

Công bằng mà nói, công tác quản lý ngân hàng cũng đã có nhiều tiến bộ đáng ghi nhận trong thời gian qua, ví dụ việc bình ổn tỷ giá làm khá tốt. Nhưng trong số những việc chưa làm được, dư luận băn khoăn nhất chính là tái cấu trúc ngân hàng.  Tôi cho rằng không nên so sánh việc phá sản một ngân hàng đầu tư như Lehman Brothers với mô hình ngân hàng thương mại như của ta; như thế sẽ khập khiễng. Với các ngân hàng thương mại cổ phần quá yếu kém, theo tôi, chủ sở hữu phải bỏ đến đồng tiền cuối cùng của mình ra; nếu hết tiền rồi mà vẫn không xử lý được công nợ thì phải tuyên bố từ bỏ sở hữu, lúc ấy nhà nước đứng ra mua lại với giá trị tượng trưng rồi kế thừa trách nhiệm. Nói cách khác, ông chủ thì phá sản, nhưng ngân hàng thì tiếp tục tồn tại và hoạt động; và chính sách bảo hiểm tiền gửi vẫn đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền. Đó cũng là cách mà nhiều nước đang làm.

Tất nhiên, đứng ở góc độ là chủ ngân hàng thì không ai thích phá sản cả, ai cũng muốn giữ tài sản đến cùng. Nhưng ở góc độ quản lý nhà nước thì phải xem xét toàn diện mọi tình huống xem lợi hại như thế nào để lựa chọn các giải pháp có mức độ khác nhau.

Sở dĩ như thế là vì trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta đang phải thực hiện quá nhiều mục tiêu. Một mặt vừa phải lo ổn định, đảm bảo sự an toàn của hệ thống ngân hàng, an ninh tiền tệ, phục hồi sức khỏe doanh nghiệp, chống suy giảm; đồng thời còn phải lo chống vàng hóa, đô la hóa, kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá trong bối cảnh dự trữ ngoại hối không lớn, thậm chí có lúc xuống quá thấp; rồi thu hút đầu tư nước ngoài... Khi nào giải quyết được tạm ổn các mục tiêu khác rồi thì phá sản cũng không còn sợ sốc; giống như khi cơ thể đang yếu mệt thì chưa thể cho dùng những loại thuốc công phá mạnh. Lại sức rồi thì có thể chữa bệnh dứt điểm.

Mặt khác, có một số vấn đề cũng phải quan tâm chuẩn bị trước khi chấp nhận cho phá sản ngân hàng. Đơn cử, để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền thì hạn mức bảo hiểm tiền gửi tối đa cần được nâng lên (hiện nay hạn mức tối đa là 50 triệu đồng, một mức được coi là đã quá lạc hậu). Quan trọng hơn nữa, năng lực của hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước cần được nâng cao để có thể đánh giá, xếp hạng chính xác mức độ tín nhiệm của các ngân hàng thương mại; tiến tới công khai, minh bạch xếp hạng này. Hiện tại Ngân hàng Nhà nước có tiến hành đánh giá tín nhiệm các NHTM, nhưng đại chúng thì chưa biết cụ thể. Trong khi đây là thông tin quan trọng, là yếu tố để người dân nhìn vào, đánh giá, chọn lựa ngân hàng nào tin cậy để giao dịch nhằm đảm bảo tài sản của mình.

Vũ Thị Phương Hoa, Viện Chiến lược và chính sách tài chính

“Còn các ngân hàng kinh doanh đa dịch vụ thì sao?”

Hiện Ngân hàng Nhà nước bước đầu đã xây dựng được hệ thống giám sát mang tính cảnh báo rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên như vậy chưa đủ. Trong số các ngân hàng có nhiều ngân hàng tham gia kinh doanh bảo hiểm, nhưng do chưa có quy định rõ ràng nên thực tế gần như chưa có cuộc thanh tra, kiểm tra nào được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đối với 4 ngân hàng có công ty con kinh doanh bảo hiểm,  hoặc với tập đoàn tài chính có công ty con kinh doanh bảo hiểm và ngân hàng (Tập đoàn Bảo Việt)... Hoạt động quản lý giám sát được thực hiện chủ yếu qua giám sát từ xa và giám sát tại chỗ, thường tập trung vào giám sát tuân thủ các quy định pháp luật mà chưa thực hiện giám sát trên cơ sở đánh giá rủi ro đối với doanh nghiệp.

Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xây dựng khuôn khổ quản lý kinh doanh đa dịch vụ để có thể cảnh báo sớm các rủi ro, hạn chế những trường hợp đổ vỡ, phá sản. Phòng ngừa chủ động luôn tốt hơn là đối phó thụ động.

 

PGS- TS. Trần Hoàng Ngân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang