Ngân hàng: Vai chính của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa?

author 08:34 15/06/2013

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, cần sớm có hướng dẫn để Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào hoạt động, tránh chồng chéo với ngân hàng.

Doanh nghiệp mong đợi

Sau hơn 2 năm xây dựng dự thảo, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã chính thức có Quyết định số 601/QĐ - TTg ngày 17/4/2013 về việc thành lập Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây có thể xem là một thông điệp, một động thái tích cực, thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong trợ giúp cho các DNNVV vượt qua các khó khăn hiện nay. Tới đây, khi Quỹ chính thức đi vào hoạt động, ngoài việc có thể vay trực tiếp từ các NHTM, các DNNVV sẽ có thêm nguồn hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Vì thế các DNNVV khá sốt ruột khi cách thức vận hành Quỹ chưa được thống nhất, làm rõ.

Theo TS. Nguyễn Trọng Hiệu – Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu tính theo quy mô DN có vốn nhỏ hơn 100 tỷ đồng và lượng nhân công lao động dưới 300 người thì tại Việt Nam hiện có tới 97% các DN thuộc diện này và đây chính là các DN thuộc nhóm đối tượng DNNVV. Trong đó, có tới 67% là các DN siêu nhỏ.

Trong thời gian qua, số lượng DN phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động gia tăng mạnh và phần lớn trong đó cũng là các DNNVV. Điều đó cho thấy việc có các cơ chế hỗ trợ cho đối tượng DN này là vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng, hiện các NHTM đang dư vốn chứ không phải thiếu vốn như trước đây. Do đó, việc có Quỹ ủy thác cho vay như thế này cũng tốt, nhưng cũng chỉ là một biện pháp tăng thêm để hỗ trợ cho các DNNVV. Bởi, có lẽ Quỹ này cũng sẽ đặt ra những điều kiện không khác mấy so với các điều kiện hiện tại trong xét duyệt cho vay của các NHTM.

“Vấn đề tài sản đảm bảo (TSĐB) không thấy nói đến trong Quyết định 601, nên có thể hiểu ngầm là có hoặc không có thế chấp. Điều này cần được làm rõ. Nếu không rõ thì với các NHTM, họ sẽ không dám mạnh tay cho vay theo ủy thác này, đặc biệt với các DNNVV mới thành lập được 1-2 năm vì cuối cùng các NHTM phải chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của họ (theo quy định tại điều 6, khoản 2)” – TS. Hiếu nói về hạn chế đầu tiên cần làm rõ của Quyết định 601.

 

Một món cho vay, hai lần trích dự phòng rủi ro?

Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng, có ít nhất bảy vấn đề nữa cần làm rõ liên quan đến Quyết định này:

Thứ nhất, cần có cơ chế hướng dẫn thực hiện khẩn trương hơn; Thứ hai, lãi suất như vậy (tối đa bằng 90% lãi suất cho vay thương mại bình quân của 5 NHTM Nhà nước) chưa phải là ưu đãi nên có lẽ các DNNVV chưa chắc mặn mà với lãi suất này. Đồng thời, cần quy định rõ hơn là lãi suất cho vay phải tính trên cùng thời hạn của 5 NHTM Nhà nước; Thứ 3, cần có quy định rõ hơn về trích lập dự phòng rủi ro (DPRR);

Thứ tư, cần nêu rõ tiêu chuẩn DNNVV trong từng lĩnh vực ưu tiên; Thứ năm, cần quy định cụ thể về thời gian phê duyệt, giải ngân tránh kéo dài gây nên mệt mỏi, mất cơ hội của DNNVV; Thứ sáu, cần có công nghệ, phần mềm hỗ trợ cho việc phê duyệt và quản lý các khoản vay để đảm bảo quản lý DN vay khoa học và hiệu quả; Thứ bảy, NHNN cần có quy định về trọng số rủi ro cho phần cho vay này vì nó liên quan đến việc tính toán hệ số an toàn vốn CAR của các NHTM.

Quả vậy, để Quỹ này đi vào hoạt động còn quá nhiều việc phải làm. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành cách đây 2 tháng nhưng đến nay cũng chưa thấy thông tư, quy định hướng dẫn chi tiết việc trên khai từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động của Quỹ cũng như từ các bộ, ngành liên quan.

Bên cạnh đó, theo TS. Hiếu, với bất cứ Quỹ hay một tổ chức tài chính nào thì hệ số đòn bẩy vốn rất quan trọng. "Quỹ này cũng vậy, không thể nào cho vay ra quá lớn được, nhất là trong năm đầu, khi vốn chỉ có 500 tỷ đồng thì hệ số đòn bẩy dù có lên đến 20 lần thì cũng có nghĩa không thể cho vay quá 10 nghìn tỷ đồng một số tiền thực ra cũng không đáng kể cho các DNNVV" – TS. Hiếu bình luận.

Tuy nhiên theo lý giải của ông Hiệu, do đây là một mô hình mới về tổ chức tài chính của Nhà nước nên phải đặt hiệu quả lên hàng đầu. Do đó, trước mắt 3 năm đầu vốn chỉ là 2.000 tỷ đồng. "Mặc dù nguồn vốn của Quỹ trước mắt không phải là lớn nhưng nhắm vào các DNNVV có tiềm năng phát triển, có khả năng lan tỏa trong các lĩnh vực ưu tiên của Nhà nước” – ông Hiệu nói.

Một vấn đề khác có lẽ quan trọng hơn được đặt ra và cơ chế vận hành, làm sao tránh sự chồng chéo. Theo TS. Hiếu, Quỹ này đang “nhập nhằng” ở chỗ, Quỹ ủy thác vốn cho NHTM, các NHTM cho vay ra đã phải trích lập DPRR, thế nhưng Quỹ cũng lại một lần nữa trích lập DPRR (điều 9). “Điều này không cần thiết” – TS. Hiếu khẳng định.

Cùng quan điểm này, TS. Lực cho rằng, quy định tại điều 9 của Quyết định này có lẽ chưa đúng vì ai chịu rủi ro thì người đó phải trích lập dự phòng. Điều này có nghĩa là khi Quỹ đã ủy thác cho ngân hàng cho vay thì ngân hàng nhận ủy thác phải trích lập DPRR và như vậy là đủ. Không nên để xảy ra tình trạng 2 bên cùng phải trích lập DPRR.

Về lãi suất cho vay, TS. Hiếu cho rằng, việc áp dụng một lãi suất chung cho tất cả các DNNVV, các dự án và các loại rủi ro khác khau như vậy không phù hợp với nguyên tắc của kinh doanh ngân hàng (lãi suất thấp rủi ro thấp và ngược lại) và không công bằng mà cần quy định lãi suất do các NHTM tự đánh giá, trên cơ sở không vượt quá trần lãi suất mà Quỹ đưa ra.

Hơn nữa, cùng với quy định lãi suất cho vay ra, cũng nên quy định lãi suất mà Quỹ tài trợ cho các NHTM. Ví dụ, có thể cam kết lãi suất tài trợ cho các NHTM thấp hơn 3% so với lãi suất cho vay ra thì sẽ rất ổn, khuyến khích các NHTM yên tâm cho vay ra.

Theo Thời báo Ngân hàng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang