Ngàn tỷ mua siêu thị: 'Của để dành' 10 năm

author 18:25 12/10/2014

Các doanh nghiệp bán lẻ mua bán sáp nhập là một xu hướng tất yếu để thị trường trở nên chuyên nghiệp hơn trong cuộc cạnh tranh giành thị phần. DN có tiềm lực tài chính mạnh có thể cắn răng chịu lỗ để chờ sau khoảng 5-10 năm khi hệ thống cửa hàng bao phủ rộng khắp thì họ bắt đầu thu lời.

Nở rộ mua bán sáp nhập

Cuối tuần qua, ngành bán lẻ trong nước gây chú ý khi tập đoàn Vingroup chính thức công bố thông tin về việc mua lại chuỗi 13 siêu thị Ocean mart của tập đoàn Ocean và đổi tên thành VinMart.

Trong lĩnh vực bán lẻ, Vingroup bày tỏ tham vọng phát triển hệ thống siêu thị VinMart, với diện tích từ 3.000 m2 đến 15.000 m2 và chuỗi VinMart+ là các cửa hàng tiện ích có diện tích từ 150 đến 300m2. Dự kiến đến năm 2017, VinMart sẽ có khoảng 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện ích trên cả nước từ đầu tư xây dựng mới hoặc mua lại thông qua các giao dịch M&A.

Ocean Retail thuộc công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC) chính thức thành lập vào ngày 31/5/2007 là một công ty đại chúng đã niêm yết trên sàn chứng khoán với số vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. ORC có kế hoạch mở và vận hành 70-80 siêu thị và trung tâm thương mại trên toàn quốc với tổng diện tích mặt bằng trên 200.000m2 vào năm 2015.

Tập đoàn Berli Jucker của Thái Lan cũng đã thực hiện thành công thương vụ mua lại hệ thống của Metro tại Việt Nam và tiếp quản toàn bộ 19 trung tâm phân phối, danh mục bất động sản có liên quan với giá trị 655 triệu euro của Metro Cash & Carry Việt Nam.

Mua lại Metro

Một thương vụ M&A trong lĩnh vực bán lẻ đáng chú ý khác là việc một đơn vị đầu tư của ngân hàng Standard Chartered là Standard Chartered Private Equity - SCPE đã công bố đã chi ra 35 triệu USD để mua cổ phần của CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate Group).

Golden Gate được thành lập từ năm 2005, hiện quản lý nhiều chuỗi nhà hàng ẩm thực lớn như Ashima, Kichi-Kichi, Sumo BBQ... và sở hữu 11 chuỗi nhà hàng với 67 cửa hàng.

Bán khi đang có giá

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái, cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần cân nhắc việc liên doanh với DN nước ngoài. Ông Đoàn ví von, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam như "gái nhỡ thời". Tuy nhiên theo quan điểm của ông, "gái nhỡ thời nhưng chưa đời chồng nào vẫn có thể kết hôn được, nhưng 5 năm nữa và 2-3 đời chồng kết hôn khó".

Ông Đoàn phân tích, các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh có thể cắn răng chịu lỗ để không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng, chờ sau khoảng 5-10 năm khi hệ thống cửa hàng bao phủ rộng khắp thì họ bắt đầu thu lời.

Bên cạnh đó, thương hiệu của doanh nghiệp trong nước cũng chưa đủ uy tín để chiếm ưu thế trong đàm phán với các nhà cung cấp sản phẩm nước ngoài. Chưa kể nếu xét về khía cạnh vốn đầu tư thì doanh nghiệp nội cũng rất lép vế.

bán lẻ còn nhiều tiềm năng

Theo ông Đoàn, nếu không liên doanh chỉ trong thời gian ngắn doanh nghiệp nước ngoài sẽ tham gia vào thị trường Việt Nam, và họ sẽ tự phát triển, tự làm, thay vì tìm doanh nghiệp trong nước để liên doanh, liên kết.

Đánh giá về xu hướng mua bán sáp nhập trên thị trường bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc chuỗi siêu thị Saigon Co.op, nhận xét, các thương vụ M&A đang hình thành rất lớn, đặc biệt từ các doanh nghiệp nước ngoài khi họ vào thị trường, tìm kiếm những cơ hội bằng chính những người đang chơi trên thị trường đó, thông qua mua bán lại.

Đặc biệt trong xu hướng thị trường BĐS đóng băng, họ tìm những cơ hội đối với những doanh nghiệp không có khả năng thực thi dự án, họ tìm cơ hội ở doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn, về công nghệ cũng như về phát triển thị trường.

"Thời gian qua thị trường chứng kiến nhiều thương vụ từ lĩnh vực bán lẻ tới các nhà sản xuất, tới những trung tâm thương mại. Các vụ thành công giúp thức đẩy phát triển thị trường ngày càng phát triển năng động hơn", ông Đức cho hay.

Thông qua hình thức liên doanh, Saigon Co.op đã hợp tác với NTUC FairPrice (Singapore) đầu tư hệ thống đại siêu thị Co.opXtra tại TP.HCM. Đơn vị bán lẻ này cũng xây dựng dự án Shopping Mall hợp tác với Mapletree.

Trước việc liên kết với đối tác ngoại, đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) e ngại, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tìm đến Hapro để bắt tay và cùng đầu tư nhưng họ muốn phải nắm 51% vốn và chuyển đổi sang thương hiệu của nước ngoài. "Chúng tôi không chấp nhận vì không muốn ngày hôm sau, mở mắt ra, Hapro đã biến thành một thương hiệu nước ngoài", ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng giám Hapro, nói.

Theo Vef

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang