Bán lượng lớn hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng qua tài khoản facebook

author 14:21 09/10/2020

(VietQ.vn) - Qua nắm thông tin từ các trang mạng xã hội, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hà Giang cho biết, qua công tác nắm tình hình và theo dõi trên các trang mạng xã hội phát hiện một tài khoản facebook có tên Bằng Vũ đã đăng tải bán hàng online tại địa bàn, Đội QLTT số 2 đã đột xuất kiểm tra đối với hộ kinh doanh Quần áo giày dép Bằng Vũ.

Qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng cho biết, cửa hàng trên do ông Vũ Xuân Bằng làm chủ có địa chỉ tại Tổ 7, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang làm chủ.

 Lượng lớn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được bán công khai tại một cửa hàng ở Hà Giang. Ảnh: Cục QLTT Hà Giang

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện cơ sở đang bày bán một số sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam gồm: 137 chiếc giày, dép, quần, áo may sẵn nhãn hiệu ADIDAS, GUCCI; NIKE; LV/ LOUIS VUITTON; CHANEL; PUMA; BUBERRY.

Tiếp đến, Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng túi xách Việt Hằng, địa chỉ tầng 01, chợ Trung Tâm, phường Trần Phú, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang do ông Nguyễn Văn Hiếu làm chủ. Qua kiểm tra phát hiện 89 sản phẩm hàng hóa là túi xách, ví cầm tay, kính mắt, túi đeo chéo…có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu GUCCI, CHANEL, LUIS VUITON; YSL, ADIDAS.

Toàn bộ số hàng hóa của 2 cửa hàng kinh doanh trên đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan. Đội QLTT số 1 và Đội QLTT số 2 đã tiến hành các thủ tục  tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

'Nóng' tình trạng nhập lậu gà giống tại Quảng Ninh(VietQ.vn) - Theo ghi nhận của lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh, hiện nay tình trạng nhập lậu gà giống nhỏ ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Liên quan tới hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, lực lượng QLTT tỉnh Hà Giang cũng vừa tiến hành tiêu hủy 1.241 sản phẩm là phụ tùng xe máy, phụ kiện máy cầm tay, ổ khóa các loại, sách giáo khoa giả mạo nhãn hiệu Makita, HONDA, nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam và thực phẩm nhập lậu…

Trước đó, Đội QLTT số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Giang đã kiểm tra đột xuất tại các cơ sở kinh doanh: Cửa hàng máy văn phòng Toàn Thắng” có  địa chỉ  tại SN 403A, đường Trần Phú, tổ 11, phường Trần Phú; Cửa hàng sửa chữa xe máy Trường Thủy, địa chỉ SN99, đường Trần Phú, phường Minh Khai; Cửa hàng sách, thiết bị trường học Bảo Trâm, Số nhà 02, đường Yết Kiêu, tổ 05, phường Nguyễn Trãi; Cửa hàng Cương Quyết; Địa chỉ: SN 512, đường Lý Thường Kiệt, tổ 05, phường Ngọc Hà; Cửa hàng phụ kiện Nhôm - Sắt - Inox - Đồ điện Dân Trang, địa chỉ: tổ 01, phường Quang Trung; Cửa hàng Kẹo Food, địa chỉ tổ 21, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang đã phát hiện và tạm giữ hơn 1.200 sản phẩm là thực phẩm, hàng hóa, sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu như: Makita, HONDA, NXB Giáo dục Việt Nam…

Kết thúc quá trình xác minh, đội Quản lý thị trường số 1 đã trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm và buộc tiêu huỷ toàn bộ sản phẩm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu trước sự giám sát, chứng kiến của các cơ quan chức năng.

Quy định xử lý đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu

Theo quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định, đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó thì cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm áp dụng một trong các biện pháp sau đây:

a) Phân phối không nhằm mục đích thương mại hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại theo quy định tại Điều 30 của Nghị định này;

b) Tiêu huỷ theo quy định tại Điều 31 của Nghị định này;

c) Buộc chủ hàng, người vận chuyển, người tàng trữ loại bỏ các yếu tố xâm phạm và đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hoá quá cảnh là hàng hoá giả mạo về nhãn hiệu, tái xuất đối với hàng hoá nhập khẩu là hàng hoá giả mạo về nhãn hiệu, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về nhãn hiệu; nếu không loại bỏ được yếu tố xâm phạm khỏi hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó thì áp dụng biện pháp thích hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Đối với hàng hoá nhập khẩu, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về chỉ dẫn địa lý, hàng hoá sao chép lậu thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, cơ quan xử lý xâm phạm áp dụng biện pháp buộc loại bỏ yếu tố xâm phạm và biện pháp thích hợp quy định tại khoản 4 Điều này...

Tuỳ từng trường hợp cụ thể, cơ quan xử lý xâm phạm quyết định áp dụng các biện pháp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này hoặc biện pháp khác, nếu xét thấy thích hợp. Trong quá trình ra quyết định xử lý xâm phạm cơ quan xử lý có thể xem xét đề nghị của các bên liên quan về việc xử lý xâm phạm.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang