Ngành dệt may chưa thể coi khẩu trang là mặt hàng chiến lược

author 13:37 20/04/2020

(VietQ.vn) - Giám đốc điều hành Vinatex Cao Hữu Hiếu cho biết, may khẩu trang là giải pháp giúp DN dệt may duy trì việc làm cho người lao động, nhưng chưa thể coi là mặt hàng chiến lược khi nhu cầu khẩu trang chỉ mang tính thời điểm.

Chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu dệt may bị gián đoạn

Theo ông Cao Hữu Hiếu- Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại châu Âu và Mỹ bước đầu đã vượt qua được giai đoạn căng thẳng nhất. Tuy nhiên các nước này vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, các cửa hàng bán lẻ chưa được mở cửa cho đến đầu tháng 5/2020, dẫn đến các đơn hàng tiếp tục bị hoãn, trong khi đơn hàng mới giảm mạnh, gần như không có.

Những đơn hàng bị hoãn phần lớn là cho dịp Xuân - Hè, nên dự kiến hết dịch thì thời tiết đã sang Thu nên khả năng cao đơn hàng dừng hoãn sẽ trở thành hủy. Điển hình là Bangladesh- quốc gia cạnh tranh với dệt may Việt Nam, theo thống kê đến cuối tháng 3/2020, trị giá đơn hàng hoãn, hủy đã lên tới gần 3 tỷ USD.

May khẩu trang tại Công ty Dệt kim Đông Xuân. 

Theo khảo sát mới nhất của Liên minh các nhà sản xuất dệt may quốc tế, các đơn hàng dệt may trên thế giới ước tính doanh số năm 2020 dự kiến giảm 29% so với trung bình của năm trước. Chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu bị gián đoạn dẫn đến doanh nghiệp không thể tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, chi phí gia tăng.

Tuy nhiên, cơ hội cũng xuất hiện với một số ít doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp may) chuyển đổi sang sản xuất hàng phục vụ lĩnh vực y tế, phòng dịch.

Sản xuất khẩu trang giúp bù đắp một phần đơn hàng may mặc thiếu hụt

Ông Cao Hữu Hiếu cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, ngay từ những ngày đầu xuất hiện đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, Tập đoàn Dệt may đã chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai nhanh sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn phòng chống dịch.

Tính đến 15/4/2020, Vinatex đã cung ứng thị trường trong nước khoảng 80 triệu chiếc khẩu trang và đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu phòng chống dịch bệnh trong nước. Việc sản xuất khẩu trang hiện tại đang giúp Vinatex giải quyết việc làm cho 20% số lao động bị thiếu việc, giúp Tập đoàn và các đơn vị thành viên bù đắp phần thiếu hụt của các sản phẩm truyền thống.

 
Ông Cao Hữu Hiếu- Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex): Ở thời điểm hiện tại, đây là một trong các giải pháp giúp doanh nghiệp dệt may duy trì việc làm cho người lao động, chờ dịch bệnh qua đi để khôi phục lại sản xuất, chưa thể coi là mặt hàng chiến lược khi nhu cầu khẩu trang chỉ mang tính thời điểm.
 

Vừa qua, Vinatex cũng đưa ra thị trường sản phẩm mới khẩu trang vải 3 lớp chống giọt bắn, kháng khuẩn đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế theo Quyết định số 870 và đang xúc tiến xuất khẩu mặt hàng này sang một số quốc gia châu Âu và châu Mỹ như Séc, Hungary, Canada, Mỹ nhằm bù đắp một phần đơn hàng may mặc bị thiếu hụt.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 13/4/2020, Thủ tướng đã quyết định cho phép xuất khẩu khẩu trang. Đây là quyết định rất hợp lý giúp hỗ trợ cho các doanh nghiệp dệt may hiện tại có thêm giải pháp xuất khẩu khi không có đơn hàng may mặc trong khi nhu cầu khẩu trang của các nước trên thế giới vẫn còn lớn.

Vinatex cam kết ưu tiên đảm bảo nhu cầu khẩu trang phòng chống dịch trong nước, năng lực sản xuất khẩu trang toàn Tập đoàn có thể đạt 90-100 triệu chiếc/tháng để đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu lớn- ông Cao Hữu Hiếu khẳng định.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang