Ngành dệt may: 'Điểm nghẽn’ là nguồn gốc xuất xứ nguyên phụ liệu

author 14:47 06/08/2019

(VietQ.vn) - Nếu có nguồn cung nguyên phụ liệu phù hợp và đáp ứng quy tắc xuất xứ có liên quan thì hàng hóa của Việt Nam nói chung và hàng dệt may nói riêng có thể được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU.

Khi Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực, dệt may được đánh giá là ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nhận định, đứng từ góc độ ngành dệt may, EU là thị trường lớn và vô cùng hấp dẫn. Số liệu của ITC chỉ ra, năm 2018 dệt may Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu 5,6 tỷ USD. Đây là con số rất lớn, nhưng chỉ chiếm 2,02% tổng nhập khẩu hàng dệt may của châu Âu. Cho thấy dư địa ở thị trường châu Âu rất lớn đối với dệt may Việt Nam.

Xét về nền kinh tế thành viên của EU, Đức, Pháp là những thị trường dệt may truyền thống với chúng ta. Năm 2018, Đức là thị trường lớn nhất, khoảng hơn 1,5 tỷ; Pháp gần 1,2 tỷ. Xét về thị phần chiếm khoảng hơn 2% tổng nhập khẩu của những nước này.

Có một số thị trường nhỏ hơn của EU, mặc dù nhu cầu tiêu thụ dệt may của họ thấp hơn hẳn thị trường truyền thống Pháp, Đức, nhưng xét về dư địa, tiềm năng cũng rất lớn. Nhập khẩu dệt may của nước ta vào thị trường Malta, Bulgaria chưa đến 0,1% tổng nhập khẩu của hai nước này. Điều này cho thấy cơ hội rất lớn, vấn đề là làm thế nào để tiếp cận, nâng cao thị phần của chúng ta, cũng như tận dụng được cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI.

Bà Thu Trang cho biết, vấn đề nguồn cung nguyên phụ liệu đối với ngành dệt may Việt Nam là một thách thức không chỉ cho ngành dệt may mà là thách thức cho việc tận dụng các cơ hội. Nếu không đáp ứng được các quy tắc xuất xứ, chúng ta xuất khẩu với mức thuế như cũ và không được hưởng ưu đãi. Nếu có nguồn cung nguyên phụ liệu phù hợp và đáp ứng quy tắc xuất xứ có liên quan thì hàng hóa của Việt Nam nói chung và hàng dệt may của Việt Nam nói riêng có thể được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU.

Với hiện trạng như hiện nay, mặc dù có rất nhiều nỗ lực, nhưng khoảng 90% nguyên phụ liệu của chúng ta hiện nay đang nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của Hiệp định và không được ưu đãi cộng gộp trong hiệp định.

Theo nghiên cứu của một số dự án, ngành dệt may được đánh giá là không được hưởng lợi nhất trong tăng trưởng sản lượng hay tăng trưởng xuất khẩu sang EU với Hiệp định thương mại tự do nhưng được đánh giá là ngành hưởng nhiều lợi nhất từ việc phát triển chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu. Đây là cơ hội cho ngành dệt may.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU cùng với các hiệp định khác mà chúng ta vừa mới ký đều có yêu cầu rất cao về quy tắc xuất xứ. Đây chính là động cơ thúc đẩy cho đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào ngành hiện nay được xem là nút thắt trong nguồn cung nguyên liệu cho ngành dệt may Việt Nam, đó là ngành dệt và dệt nhuộm. Nguồn cung nguyên liệu từ đan sợi, một vài năm trước đây chúng ta khó khăn cả phần sợi này, hiện nay phần sợi đã có tiến bộ hơn nhiều, chúng ta đã có xuất khẩu sợi. Một vài năm trước đây xuất khẩu sợi của chúng ta phần nhiều, vì chất lượng sợi chưa được tốt lắm, chưa sử dụng được nhiều trong sản xuất hàng dệt may yêu cầu chất lượng cao. Lý do quan trọng là chúng ta có sợi nhưng không có dệt, không có nhuộm, chúng ta không thể để sợi đấy ở Việt Nam được.

“Tôi cũng có một lưu ý liên quan đến vấn đề về nguồn cung nguyên liệu. Không chỉ về nguồn cung nguyên liệu mà còn về thiết kế và nhiều vấn đề khác nữa để chúng ta nâng giá trị của dệt may Việt Nam cao hơn trong “đường cong nụ cười” về chuỗi giá trị” – bà Trang nhấn mạnh.

Ưu đãi thuế hàng dệt may từ EVFTA: Đừng vội mừng!(VietQ.vn) - Không thể vội mừng với những ưu đãi thuế từ EVFTA, bởi trước mắt ưu đãi từ hiệp định chưa có hiệu lực. Trong khi đó, các quốc gia láng giếng, các thị trường cạnh tranh của dệt may Việt Nam đã được hưởng ưu đãi thuế từ lâu…

Thanh Minh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang