Ngành dệt may: Mở ‘khóa’ quy tắc xuất xứ để hưởng lợi từ EVFTA

author 07:09 02/08/2020

(VietQ.vn) - Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, quy tắc xuất xứ đang là một trong những vấn đề khó nhất của dệt may Việt Nam trong tận dụng EVFTA.

Nếu như TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ví Hiệp định Thương mại và Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) như “tuyến đường cao tốc hướng Tây” thì từ ngày 1/8/2020, tuyến đường này chính thức được “mở” bởi EVFTA đã có hiệu lực. Và đây được coi là cơ hội lớn đối với ngành dệt may Việt Nam. Bởi theo cam kết của EVFTA, trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào EU, hàng dệt may sẽ được EU xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm, 22,7% kim ngạch còn lại cũng sẽ được EU xóa bỏ thuế quan sau 7 năm. 

Ngoài việc hưởng lợi thế về thuế suất, Hiệp định này còn hứa hẹn mang lại cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam cơ hội nhập khẩu máy móc chất lượng cao, tiếp cận nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn tại EU…

 
Với quy mô nhập khẩu hàng dệt may hàng năm hơn 250 tỷ USD, EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới, với tổng cầu may mặc tăng trưởng bình quân 3%/năm, trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2,7%. Do đó, còn nhiều dư địa để ngành dệt may Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
 

Với những cơ hội lớn, nhiều doanh nghiệp dệt may sẵn sàng tâm thế để “đón sóng” ngay khi hiệp định có hiệu lực để tận dụng được lợi thế về thuế quan. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư bài bản từ nhà xưởng, máy móc công nghệ đến việc đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của các nhà nhập khẩu.

Ông Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc Công ty cổ phần Kết nối châu Âu (Eurolink-đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc, da giày) cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng để đón đầu Hiệp định, công ty đã chuẩn bị nhiều kiến thức, thông tin, mong muốn tận dụng các cơ hội từ Hiệp định EVFTA.

Hiện nay, Eurolink đang chuyển đổi mô hình lớn hơn, ông Thành kỳ vọng và mong chờ, sự đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu đang chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tạo ra “làn gió” mới để khởi sắc hơn trong tương lai. Công ty đang có 7 dự án xây dựng nhà máy mới, khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, doanh nghiệp 2 bên có thể sẽ song song hợp tác, đầu tư lẫn nhau để từ đó tìm kiếm được nhiều đơn hàng, khách hàng phù hợp với các mặt hàng mà công ty đang sản xuất.

Tuy nhiên, với quy mô xuất khẩu gần 5 tỷ USD/năm sang EU, việc làm thể nào để dệt may Việt Nam thỏa mãn tiêu chí xuất xứ “từ vải trở đi” trong EVFTA để được giảm thuế vẫn là bài toán khó.

Quy tắc xuất xứ đang là một trong những vấn đề khó nhất của dệt may Việt Nam trong tận dụng EVFTA. Ảnh minh họa.

Quy tắc xuất xứ từ vải sẽ khiến dệt may Việt Nam khó được hưởng lợi từ Hiệp định này. Bởi thực tế, ngành dệt may hiện chưa chủ động được nguồn vải đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu vào EU; việc mua vải trong nước phải trả thuế VAT 10% đắt hơn so với vải nhập khẩu khiến lợi ích cắt giảm thuế quan chưa đủ bù đắp để giảm giá bán và cạnh tranh được với các quốc gia khác. Hơn nữa, nguyên tắc cộng gộp trong EVFTA cho phép doanh nghiệp Việt Nam sử dụng vải của Hàn Quốc hoặc một nước thứ 3 mà hai bên cùng ký Hiệp định thương mại tự do như: Nhật Bản, ASEAN. Do đó, giá thành cao và chủng loại nguyên liệu không phong phú cũng là vấn đề cần tính toán của doanh nghiệp.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, quy tắc xuất xứ đang là vấn đề khó nhất của dệt may Việt Nam trong tận dụng EVFTA. Ngoài vấn đề quy hoạch, việc gỡ nút thắt này cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương và chính quyền địa phương trong tiếp nhận dự án dệt nhuộm.

Trước đề xuất của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ sẽ phối hợp với hiệp hội, đơn vị liên quan sớm hoàn thành chiến lược phát triển, làm cơ sở cho ngành phát triển khâu thượng nguồn, đáp ứng quy tắc xuất xứ. Trước mắt, Bộ sẽ xây dựng hệ thống riêng về tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tuyên truyền và lựa chọn một số doanh nghiệp đưa vào hệ thống, kết nối với EU để đảm bảo uy tín của Việt Nam…

Về phía doanh nghiệp, những việc các doanh nghiệp dệt may cần làm là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh tại thị trường EU. Doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ.

EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020(VietQ.vn) - Sau một thập kỷ nỗ lực không ngừng, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 01/8/2020.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang