Ngành hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp

author 12:09 12/02/2014

(VietQ.vn) - Với mục tiêu hỗ trợ và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hoạt động XNK, trong thời gian qua, ngành Hải quan đã có nhiều biện pháp cải tiến quy trình thủ tục hải quan, ứng dụng trang thiết bị mới, công nghệ tiên tiến và nâng cao kỷ luật, kỷ cương, liêm chính đối với cán bộ, công chức Hải quan.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc trả lời báo chí nhân dịp đầu năm mới:

Hải quan Việt Nam

Hải quan Việt Nam

Kết quả ngành Hải quan đã đạt được trong năm 2013? Bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định? Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này và các giải pháp khắc phục? Những dự định của ngành Hải quan trong năm tới?

- Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn, kinh tế trong nước mặc dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa ổn định, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm với kết quả đáng ghi nhận, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia. Trong đó có thể kể đến một số kết quả nổi bật sau:

Một là,việc triển khai thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) theo Nghị định 87/2012/NĐ-CP và Thông tư số 196/2012/TT-BTC về cơ bản đã đáp ứng được các mục tiêu về quản lý hải quan, tiến độ, lộ trình triển khai đúng kế hoạch. Tính đến hết ngày 31/12/2013, TTHQĐT đã được triển khai tại 34/34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố với  148/170 Chi cục; trong đó 23 Cục Hải quan đã triển khai tại 100% Chi cục trực thuộc.

Số lượng doanh nghiệp thực hiện TTHQĐT đạt  50,1 nghìn doanh nghiệp thực hiện TTHQĐT, tăng 16,8% so với năm trước và chiếm 96% tổng số doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan. Số tờ khai thực hiện TTHQĐT là 5,5 triệu tờ khai thực hiện TTHQĐT, tăng 26,3% so với năm 2012 và chiếm 93,4%  trong tổng số tờ khai XNK trên toàn quốc. Đối với kim ngạch XNK bằng TTHQĐT:  Tổng kim ngạch XNK bằng TTHQĐT của cả nước trong năm 2013 là  hơn 252 tỷ USD, tăng  25,4% so với cả năm trước và chiếm 95% tổng trị giá XNK của cả nước.

Có thể thấy, TTHQĐT đã thu hút được đa số các các doanh nghiệp tham gia vì những lợi ích thiết thực mà nó mang lại.

Hai là, cùng với việc thực hiện TTHQĐT, ngành Hải quan đang tiếp nhận và triển khai xây dựng và phát triển Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) do Nhật Bản tài trợ. Hệ thống thực hiện việc tiếp nhận và xử lý phân luồng tự động thông tin khai báo của doanh nghiệp, hạn chế sử dụng hồ sơ giấy thông qua việc áp dụng chữ ký điện tử. Ngoài ra, Hệ thống có chức năng tăng cường kết nối với các Bộ, Ngành bằng cách áp dụng Cơ chế một cửa (Single Window), có kết nối với nhiều hệ thống công nghệ thông tin của các bên liên quan như: doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, cảng, dịch vụ, giao nhận, vận chuyển, ngân hàng, các Bộ, Ngành liên quan. Hệ thống VNACCS/VCIS theo lộ trình sẽ bắt đầu triển khai chính thức từ tháng 4/2014.

Ba là, xây dựng dự án Luật Hải quan (sửa đổi): Đây là đề án lớn, quan trọng của Ngành. Luật Hải quan (sửa đổi) sẽ thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục Hải quan, từ phương thức thủ công, bán điện tử sang phương thức điện tử, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ thực hiện VNACCS/VCIS, đổi mới tổ chức bộ máy của ngành Hải quan theo hướng hiện đại, đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về hải quan theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Dự án được thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo về chất lượng được Quốc hội đánh giá cao và cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm 2013. Ban soạn thảo đang tích cực hoàn thiện dự án để báo cáo các cấp trình Quốc Hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2014.

Bốn là, thực hiện dự toán thu Ngân sách Nhà nước (NSNN): Năm 2013, Tổng cục Hải quan được giao nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNN) là 237.500 tỷ đồng.

Để triển khai nhiệm vụ trong điều kiện nên kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tập trung nguồn lực tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, khẩn trương xử lý dứt điểm các vi phạm, tồn tại trong lĩnh vực thuế, truy thu đầy đủ, kịp thời vào NSNN.

Dự toán NSNN giao cho ngành Hải quan tăng 20% so với thực thu của năm 2012 là quá cao so với khả năng của nền kinh tế. Tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội dự kiến thu của ngành Hải quan là 210.000 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2013, số thu của Tổng cục Hải quan đạt 221.930 tỷ đồng bằng 93,4% dự toán, tăng 12,4% cùng kỳ năm 2012, vượt 5.930 tỷ so với số đã báo cáo ra Quốc hội.

Năm là, công tác kiểm tra sau thông quan. Năm 2013, Tổng cục Hải quan đã tăng cường chỉ đạo quyết liệt công tác KTSTQ nhằm thu đúng, thu đủ cho NSNN, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá việc tuân thủ, chấp hành pháp luật của doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK.

Tính đến ngày 31/12/2013, Tổng cục Hải quan đã thực hiện kiểm tra 2.431 cuộc, ra quyết định ấn định và truy thu đạt 1.643,7 tỷ đồng, bằng 120% so với năm 2012. Đã thu nộp ngân sách 1.407 tỷ đồng (bằng 160% so với năm 2012), đạt 123% chỉ tiêu được giao. Trong đó, riêng Cục Kiểm tra sau thông quan đã ra quyết định truy thu 588,75 tỷ đồng, gấp 2,54 lần so với năm 2012; đã thu nộp ngân sách 339,75 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2012.

Sáu là, công tác kiểm soát hải quan, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại: Năm 2013, công tác chống buôn lậu đã đạt được những kết quả đáng kể, có tính tập trung thống nhất cao, kịp thời cảnh báo hiện tượng, phương thức thủ đoạn nổi cộm. Các đơn vị của Tổng cục Hải quan đã tăng cường đấu tranh, ngăn chặn các vụ việc vi phạm, mặt hàng, địa bàn trọng điểm góp phần tích cực đảm bảo an ninh quốc gia, chống thất thu ngân sách Nhà nước.

Từ 16/12/2012 đến 15/12/2013, Tổng cục Hải quan đã phát hiện, bắt giữ được 22.012 vụ việc vi phạm (trong đó có 677 vụ việc liên quan đến ma túy), trị giá hàng hoá vi phạm ước tính trên 565 tỷ 426 triệu đồng (số vụ vi phạm giảm 9,2%, trị giá tăng 9,36% so với năm 2012). Số đã xử lý, thu nộp ngân sách đạt 148 tỷ 827 triệu đồng; Cơ quan Hải quan ra quyết định khởi tố 30 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 45 vụ.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong năm qua vẫn còn một số tồn tại như phóng viên đã đề cập, đó là:

- Công tác thu ngân sách chưa đạt được như kế hoạch nhà nước giao từ đầu năm do một số nguyên nhân như: Kinh tế khó khăn ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Thực hiện cắt giảm 945 dòng thuế theo cam kết WTO; thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như gia hạn nộp thuế, miễn giảm, hoàn thuế...

- Trong năm qua, mặc dù công tác chống buôn lậu của ngành Hải quan đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần bảo vệ thị trường trong nước, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại trong tác kiểm soát hàng hóa XNK, nguyên nhân do thẩm quyền của lực lượng Hải quan theo quy định của pháp luật còn hạn chế, ảnh hưởng đến công tác điều tra, xử lý, nhất là đối với các vụ việc vi phạm có tính chất nghiêm trọng; cán bộ làm công tác này được tuyển dụng từ nhiều nguồn, nhiều chuyên ngành khác nhau nên cần có nhiều thời gian để đào tạo về nghiệp vụ điều tra chống buôn lậu; nhiều trang thiết bị phục vụ công tác chống buôn lậu đã xuống cấp hoặc hỏng, không phù hợp yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế, nhất là trong điều kiện các đối tượng buôn lậu được trang bị phương tiện, trang thiết bị ngày càng hiện đại.

Năm 2014, trước những thách thức của nền kinh tế, ngành Hải quan tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK: Áp dụng chữ ký số đối với 100% và nâng cấp khả năng xử lý của hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan giao dịch HQĐT theo quy định tại Nghị định 87/2012/NĐ-CP và Thông tư số 196/2012/TT-BTC, tiến tới áp dụng Hệ thống VNACCS/VCIS; Tiếp tục các hoạt động liên quan đến triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN...

Hai là, đổi mới công tác điều hành thu: Định kỳ tổ chức theo dõi, giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện của từng đơn vị để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc thu đảm bảo tiến độ thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước 2014; Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển các mặt hàng cấm, xâm hại đến an ninh quốc gia; Không để xảy ra các vụ việc lớn, nổi cộm có tính đường dây, ổ nhóm; Đẩy mạnh kiểm tra sau thông quan, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện gian lận, trốn thuế.

Ba là, xây dựng lực lượng hải quan trong sạch vững mạnh, tổ chức đào tạo chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ công chức, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành Hải quan. Bên cạnh đó, ngành Hải quan cần tiếp tục triển khai thực hiện Luật Hải quan sửa đổi (sau khi được Quốc hội thông qua) các nội dung liên quan đến cơ cấu tổ chức, bộ máy ngành Hải quan. Thực hiện các kế hoạch triển khai Đề án nâng cao năng lực cho một số lực lượng chuyên trách Hải quan đã phê duyệt, phấn đấu xây dựng lực lượng hải quan ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại... luôn diễn biến phức tạp, đặc biệt “nóng” vào những tháng cuối năm. Ý kiến của ông về vấn đề này và ngành Hải quan có biện pháp gì để ứng phó?

- Trong năm 2013, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên địa bàn cả nước vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào dịp cuối năm, khi nhu cầu tiêu dùng trong nước phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ tăng cao. Chỉ tính từ 16/10/2013 đến 15/11/2013, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng số 1.863 vụ việc vi phạm, trị giá ước tính khoảng 29 tỷ 196 triệu đồng.

Cũng như năm trước, các mặt hàng vi phạm vào dịp cuối năm nay tập trung nhiều ở nhóm hàng tiêu dùng như: rượu ngoại, bia, thuốc lá điếu, đường kính, sữa, nước giải khát, hoa quả, mỹ phẩm, quần áo, vải, thủy hải sản, các sản phẩm có nguồn gốc từ gia súc, gia cầm, hàng tạp hoá các loại..;  Các mặt hàng này được vận chuyển qua tuyến biên giới đường bộ, chủ yếu ở  Khu vực các tỉnh biên giới miền Bắc như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai và một số tỉnh miền Trung và Tây Nam như Hà Tĩnh, Quảng Trị, An Giang, Tây Ninh,... Thủ đoạn chủ yếu là chia nhỏ hàng hóa, thuê nhiều người vận chuyển, thay đổi nhãn mác, bao bì hàng hóa, thay đổi thời gian, cách thức vận chuyển hàng hóa để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Hiện tượng vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang sức, ngoại tệ,... còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy dịp cuối năm nay vẫn phức tạp, tập trung chủ yếu tại địa bàn các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... Để thực hiện được hành vi của mình, đối tượng đã cất giấu ma túy trong hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng quá cảnh, hàng tạm nhập tái xuất, trong hành lý cá nhân, cất giấu trong quần áo, trong người,…Chúng rất manh động, có trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả khi bị bao vây bắt giữ, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng kiểm soát.

Để tăng cường công tác chống buôn lậu những tháng cuối năm 2013, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị trong Ngành nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 6287/CT-TCHQ ngày 25/10/2013 về việc tăng cường công tác chống buôn lậu trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, trong đó:

- Quán triệt và triển khai kịp thời chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Uỷ Ban Nhân dân các tỉnh, thành phố về công tác chống buôn lậu dịp cuối năm và các tháng cận Tết Nguyên đán Giáp Ngọ.

- Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và cá nhân trong đơn vị đối với công tác chỉ đạo, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, thực hiện quy trình nghiệp vụ, không để sảy ra vụ việc buôn lậu nghiêm trọng, có tính nổi cộm tại địa bàn quản lý của đơn vị.

- Chỉ đạo các đơn vị xây dựng và triển khai có hiệu quả các kế hoạch tăng cường chống buôn lậu dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ 2014 phù hợp với từng địa bàn, từng tình hình cụ thể.

- Tổ chức lực lượng, tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm vững diễn biến tình hình tại các địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng cùng cấp tại địa phương tổ chức đấu tranh, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp chấp hành tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, không bao che, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, tích cực tham gia tố giác tội phạm.

Ngành Hải quan cần làm gì để hỗ trợ DN thuận lợi hơn nữa trong hoạt động?

- Với mục tiêu hỗ trợ và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hoạt động XNK, trong thời gian qua, ngành Hải quan đã có nhiều biện pháp cải tiến quy trình thủ tục hải quan, ứng dụng trang thiết bị mới, công nghệ tiên tiến và nâng cao kỷ luật, kỷ cương, liêm chính đối với cán bộ, công chức Hải quan. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như báo đã nêu. Năm 2014, ngành Hải quan sẽ tăng cường triển khai một số giải pháp sau:

Một là, về cải cách, hiện đại hóa: bên cạnh những công việc đang triển khai, trong năm 2014, ngành Hải quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng hệ thống tự động hóa thủ tục hải quan do Nhật Bản tài trợ (dự án VNACCS/ VCIS)  để chính thức hoạt động từ tháng 6-2014. Khi đó, hệ thống sẽ giúp đẩy nhanh quá trình thông quan, tăng cường quản lý hoạt động XNK và giảm bớt tiêu cực.

Để tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát, ngành Hải quan sẽ đầu tư vào trang thiết bị như máy soi, hệ thống camera giám sát tại các điểm thông quan và tiến tới thành lập trung tâm chỉ huy trung ương để quản lý hiệu quả quá trình thông quan, ngăn chặn tiêu cực.

Đối với cơ chế chính sách, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua Luật Hải quan sửa đổi tại kỳ họp tháng 6-2014. Đây sẽ là cơ sở để ngành Hải quan củng cố quy trình thủ tục hải quan, tổ chức bộ máy theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa. Trước mắt, ngành Hải quan tiếp tục minh bạch hóa quy trình thủ tục hải quan và chính sách quản lý hàng hóa XNK thông qua việc xây dựng các cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý để phục vụ việc tra cứu (như xây dựng bộ mã hóa chính sách quản lý và văn bản quản lý đối với hàng hóa XNK; cập nhập vào Doanh mục biểu thuế để hỗ trợ cho doanh nghiệp và cơ quan Hải quan trong tra cứu và kiểm tra việc áp việc áp dụng các chính sách quản lý đối với hàng hóa XNK…).

Đồng thời, ngành Hải quan sẽ kiến nghị với các Bộ quản lý chuyên ngành xem xét, sửa đổi một số chính sách quản lý hàng hóa XNK còn chồng chéo, không phù hợp (như: quy định đối với một số mặt hàng động vật, sản phẩm động vật vừa phải thực hiện kiểm dịch, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm…).

Ngành Hải quan cũng sẽ tập trung tập huấn, đào tạo để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ Hải quan. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách mới tới cộng đồng doanh nghiệp.

Hai là, Năm 2014, ngành Hải quan tiếp tục thực hiện các văn bản về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ đã được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã ban hành. Tiếp tục duy trì hộp thư điện tử, đường dây nóng, tiếp công dân để tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp về các vướng mắc chế độ chính sách, thủ tục Hải quan, tiêu cực của công chức Hải quan theo Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.

Từ tháng 4-2013, ngành Hải quan đã thành lập lực lượng giám sát, kiểm tra đột xuất tại các địa bàn trọng điểm, có lưu lượng hàng hóa lớn, phức tạp. Thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tận dụng sự hỗ trợ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để làm tốt công tác tuyên truyền về hoạt động quản lý hải quan, tăng cường tính minh bạch của cơ quan Hải quan trong xã hội. Đối với những trường hợp cán bộ, công chức có sai phạm, quan điểm của lãnh đạo Tổng cục  Hải quan là xử lý nghiêm, đúng pháp luật.  

Xin cảm ơn ông !

Thu Hiền (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang