Lối đi nào cho ngành hàng không Việt Nam?

author 06:40 25/01/2015

(VietQ.vn) – Ngành hàng không Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn khi nguồn nhân lực yếu kém, thiếu kinh nghiệm do chất lượng đào tạo, huấn luyện chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của các hãng hàng không trong nước.

Ngành hàng không trong nước đang gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu của các hãng hàng không nước nhà. Trong khi đó, mặc dù tốn hơn 2 tỷ đồng theo học ngành phi công ở nước ngoài nhưng vẫn có 20% học viên bị “rớt lên, rớt xuống” trong khi nhân lực hàng không “made in Việt Nam” do chất lượng đào tạo yếu nên có nhiều học viên sau khi tốt nghiệp ra trường không làm được việc nên các hãng hàng không cũng từ chối nhận tuyển dụng.

Đánh giá nhân lực ngành hàng không trong nước

Theo thông tin từ Báo Dân trí, trong Hội nghị Đánh giá chất lượng đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ và nhân viên hàng không tại Hà Nội diễn ra hôm qua (23/1), một vấn đề được được đưa ra phân tích đó là tình hình chất lượng nhân lực hàng không trong nước. Theo đó, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - khẳng định rằng, nhân lực hàng không “made in Việt Nam” do chất lượng đào tạo yếu nên có nhiều học viên sau khi tốt nghiệp ra trường không làm được việc, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Do đó, nhiều hãng hàng không cũng từ chối nhận tuyển dụng.

Ngành hàng không nước nhà đang gặp nhiều khó khăn về chất lượng nhân lực

Ngành hàng không nước nhà đang gặp nhiều khó khăn về chất lượng nhân lực

Những bất cập của ngành hàng không

Trước tình hình khó khăn của ngành hàng không trong nước hiện nay, nhiều học viên đã lựa chọn đi du học nước ngoài để cải thiện chất lượng nhân lực cũng như khả năng làm việc hiệu quả. Theo ông Nguyễn Đức Tâm - Phó Tổng Giám đốc VietJet Air, hãng đang thực hiện đào tạo phi công theo chính sách xã hội hóa với học phí tự túc khoảng 60.000 USD và người học phải trả thêm 99 triệu đồng cho nhà quản lý tổ chức khóa học.

Tuy nhiên, với những yêu cầu khắt khe về trình độ ngoại ngữ, sức khỏe thì có khoảng 15-20% học viên đã bị “rớt” giữa chừng. Trong khi đó, ít gia đình có điều kiện cho con em đi học phi công; đồng thời, các hãng hàng không cũng đang trong giai đoạn tăng trưởng cao, nhu cầu tuyển phi công, tiếp viên rất lớn nhưng nguồn ở đâu là câu hỏi vô cùng khó.

Ngoài ra, kỹ thuật ngành hàng không trong nước cũng không thể sánh với các nước khác trên thế giới, đồng thời học viên ngành hàng không yêu cầu cần có 5 – 10 năm kinh nghiệm nên việc tuyển dụng được người tài, có kinh nghiệm cũng là điều khó khăn đối với ngành hàng không trong nước.

Học viên phải chi khoản tiền rất lớn khi theo học ngành hàng không

Học viên phải chi khoản tiền rất lớn khi theo học ngành hàng không

Mất tiền tỉ vì bị lừa học phi công ở Mỹ

Báo Người lao động cho biết, vừa qua, gia đình của 79 học viên phi công người Việt Nam tại Mỹ (trong đó có 21 học viên là nhân sự của VietJet Air) vừa có đơn kêu cứu lên Bộ Giao thông Vận tải vì bị lừa tiền. Nguyên nhân là do Trung tâm Huấn luyện phi công Ahart thuộc bang California - Mỹ bất ngờ đóng cửa đã khiến cho 79 học viên người Việt gặp khó khăn khi rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Theo đại diện gia đình các học viên, các học viên này nộp đơn đi học tại Ahart – cơ sở đào tạo phi công, mỗi học viên đã nộp khoảng 85.000 USD gồm tiền học phí và thuê nhà. Cuối năm 2014, Ahart đóng cửa, chủ cơ sở là một người Việt tên là Nguyễn Đức Minh đã bỏ trốn, học viên bị đuổi ra khỏi nơi cư trú vì trường không nộp tiền.

Ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết đã liên hệ với Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và được thông báo Giấy chứng nhận tổ chức huấn luyện của Ahart đã bị chấm dứt hiệu lực từ hồi tháng 7/2013. Mặc dù sau đó, Ahart đã 2 lần tiến hành thủ tục đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận nhưng không đáp ứng được một số quy định tại Quy chế An toàn hàng không Liên bang Mỹ nên FAA đã đình chỉ hoạt động của trung tâm này từ hồi tháng 10 năm ngoái. Tính đến thời điểm đó, có 79 học viên người Việt Nam đang theo học tại Ahart, bao gồm 21 học viên do hãng hàng không VietJet gửi sang, còn lại là tự túc.

79 học viên trong nước vừa bị lừa mất tiền khi tham gia theo học ngành hàng không tại Mỹ

79 học viên trong nước vừa bị lừa mất tiền khi tham gia theo học ngành hàng không tại Mỹ

Được biết, VietJet đã cử cán bộ sang Mỹ để giải quyết vụ việc và hỗ trợ kinh phí (10.000 USD/người). Đối với học viên tự túc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã đề nghị Vietnam Airlines (VNA) hỗ trợ 50% kinh phí để họ học tiếp tại cơ sở đào tạo khác, sau này về làm việc cho VNA thì sẽ trừ dần vào lương.

Cách thức này vừa tháo gỡ khó khăn cho học viên, vừa bổ sung nguồn nhân lực cho Vietnam Airlines đang thiếu. Đại diện VNA đã chấp nhận ứng trước 50% học phí cho các học viên có nhu cầu với điều kiện phải làm đơn đề xuất và có bảo lãnh của ngân hàng để trường hợp kết quả học tập hoặc tuyển dụng không đáp ứng được yêu cầu thì phải hoàn trả số tiền VNA đã hỗ trợ. Dự kiến, sự việc này sẽ được giải quyết trong vòng 2 tháng.

Lối đi nào cho ngành hàng không nước nhà?

Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh cho biết, vụ lừa đảo đối với 79 học viên phi công Ahart không phải do lỗi của ngành hàng không nhưng không thể phủ nhận có nguyên nhân từ tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nhân sự của ngành. Vì chưa đủ năng lực đào tạo phi công cơ bản trong nước nên nhiều người phải đi đào tạo ở nước ngoài, ẩn chứa nhiều rủi ro.

Theo dự báo của Cục HKVN, đến năm 2020, ngành hàng không cần phải bổ sung thêm 45.000 lao động, nhu cầu đào tạo lên đến khoảng 115.000 lượt người nhưng các cơ sở trong nước không đáp ứng nổi.

Theo đại diện VNA, toàn bộ phi công của hãng này đều được đào tạo cơ bản ở nước ngoài với chi phí khoảng 100.000 USD/học viên (bằng nguồn vốn của hãng hoặc xã hội hóa), sau đó phải tốn thêm khoảng 30.000 USD để chuyển loại mới có thể trở thành lái phụ cho các loại máy bay hãng đang khai thác.

Về phía VietJet, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Tâm cho biết hãng đang thực hiện đào tạo phi công theo chính sách xã hội hóa với học phí tự túc khoảng 60.000 USD và 90 triệu đồng/người trả cho nhà quản lý tổ chức khóa học.

Nguyễn Dung


 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang