Ngành mía đường Việt Nam - Đổi mới hay đổ vỡ?

author 07:27 20/08/2014

(VietQ.vn) - Ngành mía đường Việt Nam, dù được hưởng ưu đãi về lãi suất vốn vay, điều kiện phát triển vùng nguyên liệu đã nhiều năm nay, song vẫn mãi dậm chân trước kịch bản giá cao, khó tiêu thụ, tồn kho lớn và dễ tổn thương.

Loay hoay vượt khó

Tháng 6 vừa qua là thời điểm kết thúc niên vụ 2013-2014 của ngành mía đường Việt Nam. Sau những tổng kết, đánh giá và báo cáo, cũng là một tin mừng khi ngành đã hoàn thành kế hoạch đề ra, thậm chí còn có dấu hiệu “nhích” lên về cả năng suất và chất lượng. Cụ thể, diện tích mía trên cả nước đã tăng 11,200 ha lên 309,400 ha trên cả nước, năng suất mía bình quân đạt 64,7 tấn/ha, tăng 0.8 tấn/ha so với vụ trước và sản lượng cũng tăng 1,6 triệu tấn so với niên vụ trước, cũng là mức sản lượng cao nhất từ trước tới nay của ngành mía đường.

Trong niên vụ vừa qua, ngành mía đường Việt Nam đã có những bước tiến so với các niên vụ trước

Trong niên vụ vừa qua, ngành mía đường Việt Nam đã có những bước tiến so với các niên vụ trước. Ảnh minh họa

Về chất lượng mía, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho hay, do các nhà máy mía đường đã thực hiện đúng các tiêu chuẩn quốc gia và thời tiết thuận lợi nên chất lượng mía vụ này được nâng cao, chữ đường bình quân đạt 10,3-10,5CCS, tăng 0,5-0,7 CCS so với vụ trước.

Thế nhưng, bên cạnh những nét tích cực mới nổi thì những yếu kém đã tồn tại nhiều năm vẫn chưa có dấu hiệu được khắc phục, trong đó nổi cộm nhất có lẽ vẫn là năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp mía đường Việt Nam. Mấu chốt là do chi phí sản xuất của chúng ta gần như đang ở mức cao nhất thế giới.

Điều này xuất phát từ thực tế quy hoạch cho các nhà máy đường hiện nay còn quá nhiều bất cập, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Trung, nơi các nhà máy thường ở trên cao, khó áp dụng cơ giới hóa và không có nước tưới tiêu. Nhiều doanh nghiệp có điều kiện áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, kỹ thuật cao vào sản xuất, tiêu chí mới vào quản lý thì lại chỉ dậm chân và trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tương lai “đỗ vỡ” đang đến gần

Hàng năm, các nhà máy đường “nội” sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn đường, thừa sức đáp ứng thị trường trong nước. Song đó mới là lượng. Riêng về giá, mỗi ki-lô-gam đường sản xuất trong nước hiện đắt hơn gần 4.000 đồng so với giá bình quân của khoảng 400.000 tấn đường nhập lậu vào Việt Nam mỗi năm.

Khi doanh nghiệp ngành mía đường còn loay hoay đối phó với đường lậu, thì ngành đường lại sắp đứng trước thách thức khổng lồ bởi chỉ vài năm tới, đường nhập khẩu giá rẻ chính ngạch sẽ cấp tập đổ vào Việt Nam. Lý do là theo lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định Hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ ngày 1/1/2015, thuế nhập khẩu đường vào Việt Nam sẽ giảm còn 0%. Bên cạnh đó, khi Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, thì không chỉ ASEAN, đường Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với rất, rất nhiều đối thủ nặng ký đến từ các quốc gia khác nữa.

Ngành mía đường việt nam sẽ phải đối mặt với những thách thức còn lớn hơn cả đường nhập lậu

Ngành mía đường Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức còn lớn hơn cả nạn đường nhập lậu. Ảnh minh họa

Trong khi đó, ngay tại thời điểm hiện tại, khi mía đường còn đang được tạo nhiều điều kiện phát triển, song khả năng cạnh tranh của đường Việt Nam chỉ ngang ngửa so với đường nhập khẩu với mức thuế khá cao (Theo biểu thuế hiện hành, thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng cho đường trong hạn ngạch thuế quan là 5% từ các nước ASEAN và 25 - 40% đối với đường nhập khẩu ngoài ASEAN. Thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch còn cao hơn: 80% đối với đường thô và 85% đối với đường trắng.)

Như vậy, “khả năng đổ vỡ của doanh nghiệp ngành đường Việt Nam” như nhiều ý kiến đã đưa ra trước đây hoàn toàn có khả năng trở thành sự thật nếu ngành mía đường vẫn tiếp tục dậm chân tại chỗ như hiện nay.

Đổi mới để tăng sức cạnh tranh

Tại hội nghị Tổng kết vụ sản xuất Mía đường 2013-2014 do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho rằng các doanh nghiệp, nhà máy chế biến mía đường phải cải tổ lại sản xuất để làm sao giảm được giá thành sản xuất.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, để khắc phục tình trạng này không thể trong thời gian ngắn, nhưng ngành Mía đường có thể tổ chức lại sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng bằng cách tận dụng và chế biến sâu các phụ phẩm của cây mía. Trước hết là sẽ rà soát lại quy hoạch, bước đầu hình thành các vùng sản xuất lớn, tập trung đã gắn với các nhà máy chế biến; đồng thời rà soát lại các diện tích lúa gần nhà máy đường đang canh tác không đạt hiệu quả cao mà phù hợp với sản xuất mía sẽ chuyển dịch sang trồng mía. Bên cạnh đó, ngành cũng định hướng chuyển những diện tích mía ở trên đồi cao (diện tích trồng mía tận dụng, không có khả năng cơ giới hóa) sang cây trồng khác có hiệu quả hơn.

Ngành mía đường Việt Nam cần có những bước đi quyết liệt để tăng sức cạnh tranh

Ngành mía đường Việt Nam cần có những bước đi quyết liệt để tăng sức cạnh tranh. Ảnh minh họa

Ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho biết thêm, trong thời gian tới, Bộ sẽ thực hiện rà soát, quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 cho phù hợp với thực tiễn trên cơ sở phân tích khoa học về tiềm năng, năng lực cạnh tranh của ngành Mía đường Việt Nam và thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, các viện, trung tâm nghiên cứu tiếp tục khảo nghiệm, công bố các bộ giống mía phù hợp, cũng như xây dựng các quy trình thâm canh cho từng giống mía phù hợp với từng địa phương để nhà máy áp dụng.

Ngoài ra, theo ông Hòa, bước vào niên vụ 2014-2015, nguồn cung đường ở tình trạng vượt cầu, Hiệp hội Mía đường và các công ty đường cần chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tiêu thụ đường năm 2015, đảm bảo cân đối cung cầu, giữ ổn định thị trường đường trong nước; đồng thời nghiên cứu thị trường, xây dựng ngay phương án, kế hoạch xuất khẩu đường năm 2015; hay kiến nghị với Chính phủ các giải pháp và cơ chế điều hành, chủ động xuất khẩu lượng đường dư thừa.

Phan Huyền (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang