Ngành nào đang lỗ nặng nhất?

author 06:48 31/07/2013

Quý 2/2013 vẫn chứng kiến không ít doanh nghiệp báo lỗ. Tuy nhiên, chỉ số ít lỗ lớn. Số doanh nghiệp lỗ bất ngờ trên 50 tỷ đồng trở lên không có nhiều.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 đang đi vào những ngày cuối cùng tính theo "deadline" công bố thông tin 2 sở. Khá nhiều doanh nghiệp vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh cho nhà đầu tư.

Trong số hơn 500 doanh nghiệp trên cả 2 sàn đã công bố KQKD, đáng buồn, có trên 50 doanh nghiệp báo lỗ quý 2.

Hàng loạt doanh nghiệp báo lỗ

Ngành có số doanh nghiệp lỗ nhiều nhất có lẽ thuộc về ngành vật liệu xây dựng. Ảnh hưởng nặng nề của thoái trào ngành bất động sản đã khiến hàng loạt doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, bê tông...báo lỗ.

Dù ngành đã khó khăn mấy năm nhưng quý 2 là quý đầu tiên SMC báo lỗ. Tuy nhiên, vẫn còn điểm sáng cho doanh nghiệp này khi doanh thu thuần vẫn ở mức cao.

Điều này có nghĩa là công ty vẫn tiêu thụ được hàng, chỉ có điều, với việc cạnh tranh ngày càng gay gắt nên có lẽ công ty không thể tăng giá bán ra trong khi nguyên liệu đầu vào vẫn tăng giá. Chấp nhận biên lãi gộp thấp dẫn đến việc lỗ quý đầu tiên từ khi niêm yết là điều SMC phải làm.

Không chỉ SMC, hàng loạt doanh nghiệp vật liệu xây dựng khác cũng lỗ nhưng với doanh thu thuần eo hẹp hơn như: 4 doanh nghiệp xi măng CCM, HOM, SDY, TBX báo lỗ quý 2, hay DCT, VTA, TCR, DHA...báo lỗ.

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng điểm chung của các doanh nghiệp trên là: chấp nhận biên lãi gộp eo hẹp để bán hàng, lỗ không quá lớn.

Lỗ nặng nề nhất thuộc về doanh nghiệp vận tải biển

Do lỗ gộp quá lớn nên kết quả VST mẹ lỗ ròng 103 tỷ đồng cao gấp 6,3 lần mức lỗ cùng kỳ nâng mức lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm 2013 lên 146 tỷ đồng. Việc lỗ của VST chủ yếu là giá vốn (bao gồm cả chi phí khấu hao đội tàu Vitranschart JSC) cao ngất ngưởng nên hoạt động kinh doanh chính gặp nhiều khó khăn, thua lỗ.

Cùng chung thảm cảnh một quý lỗ cả trăm tỷ như VST là VOS. Dù đã có lãi khác gần 35 tỷ đồng nhưng VOS vẫn lỗ gần 100 tỷ đồng quý 2 và lỗ 196,5 tỷ đồng 6 tháng. Ngoài lỗ bởi hoạt động kinh doanh chính lỗ gộp, chi phí quản lý, chi phí tài chính cũng là gánh nặng của VOS.

Lỗ bởi quá trình thanh lọc CTCK

Công ty mẹ SBS lỗ 18 tỷ đồng quý 2, Mirae Asset lỗ gần 7 tỷ đồng 6 tháng, Chứng khoán Beta quý 2 lỗ ròng 7 tỷ đồng, SHBS quý 2 lỗ hơn 750 triệu đồng, Chứng khoán Hùng Vương 6 tháng lỗ 1,3 tỷ đồng, Chứng khoán Woori CBV lỗ ròng 1 tỷ đồng quý 2, Chứng khoán Nam An lỗ tiếp quý 2/2013, Chứng khoán Việt Thành báo lỗ quý 2, chứng khoán Kenaga báo lỗ hơn 1,4 tỷ đồng trong bối cảnh nội bộ chia rẽ, Chứng khoán Hồng Bàng báo lỗ quý 2...là những kết quả kinh doanh của các CTCK quý 2.

Lỗ không lớn, doanh thu không nhiều là điểm chung của các CTCK nhỏ. Quá trình thanh lọc tự nhiên của CTCK đã khiến các doanh nghiệp này chỉ còn rất ít nguồn thu. Hoạt động kinh doanh cầm cự ở mức tối thiểu.

Lỗ gần như là điều tất yếu. Tuy số lượng CTCK báo lỗ rất nhiều nhưng nhà đầu tư cũng không nên quá bi quan bởi lẽ đây là sự thanh lọc tự nhiên. Hầu như các công ty này có lượng cổ đông rất ít nên không ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường. Tài khoản chứng khoán của các nhà đầu tư mở tại các CTCK nhỏ cũng đã dịch chuyển dần sang CTCK lớn theo trào lưu từ năm ngoái.

Vẫn nuôi hy vọng

Phân tích ở trên cho thấy: quý 2 vẫn chứng kiến không ít doanh nghiệp báo lỗ. Tuy nhiên, chỉ số ít lỗ lớn. Số doanh nghiệp lỗ bất ngờ trên 50 tỷ đồng trở lên không có nhiều.

Nguyên nhân có nhiều. Tuy nhiên, một điều dễ thấy là nhiều doanh nghiệp chấp nhận không tăng giá bán ra để cạnh tranh. Lỗ chủ yếu là do lãi gộp không đủ trang trải chi phí hoạt động tối thiểu. Những khoản lỗ lớn do chênh lệch tỷ giá hay do lãi vay...không còn.

Chấp nhận lỗ nhẹ để giữ thị phần và thúc đẩy bán hàng, tạo dòng tiền lưu động cho thấy hành động nỗ lực cầm cự để nuôi hy vọng phục hồi là điều doanh nghiệp đang làm.

Nguồn: TTVN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang