Ngành nông nghiệp- 6 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD

author 19:58 06/10/2020

(VietQ.vn) - Trong 9 tháng năm 2020, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, đã có 06 nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD. Với đà này, năm nay ngành nông nghiệp sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu trên 40 tỷ USD.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) sáng 6/10/2020 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 9 tháng, ngành nông nghiệp đã xuất siêu 7,3 tỷ USD. Với đà này, mục tiêu xuất khẩu trên 40 tỷ USD trong năm 2020 của ngành nông nghiệp là hoàn toàn khả thi.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Năm nay ngành nông nghiệp sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu trên 40 tỷ USD.

Đáng chú ý, hiện đã có 8 nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 6 nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD, đó là: cà phê 2,2 tỷ USD, gạo 2,5 tỷ USD, hạt điều đạt 2,3 tỷ USD, rau quả đạt 2,5 tỷ USD, tôm 2,75 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,5 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực ngày 1/8/2020, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam vào thị trường EU có sự tăng trưởng vượt bậc, đã đạt 766,3 triệu USD; trong đó, tháng 8 xuất khẩu tăng 11,5% so tháng 7, tháng 9 tăng trên 30% so với tháng 7 và bình quân 2 tháng gần đây tăng trên 20%. Thị trường châu Âu với thuế suất bằng 0% sẽ tạo lợi thế lớn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Do vậy, để tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định EVFTA, các ngành hàng phải chuẩn hóa từ giống, quy trình sản xuất, vận chuyển, chế biến; chủ động trong sản xuất, xuất khẩu- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Về sản xuất lương thực, kế hoạch sản xuất lúa năm nay là 7,2 triệu ha, giảm 126 ngàn hecta do chuyển đổi cây trồng để ứng phó với thiên tai, nhưng nhờ năng suất tăng cao, nên sản lượng lương thực năm nay sẽ đạt trên 43 triệu tấn.

Về sản xuất thực phẩm, với nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp trong phục hồi sản xuất chăn nuôi, đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác thủy sản, trong 9 tháng, sản lượng thực phẩm đã đạt 75% kế hoạch, khả năng đến cuối năm sẽ cán mốc mục tiêu đề ra.

Tình hình chăn nuôi trên cả nước 9 tháng qua phát triển khá tốt, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Bộ NN& PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tái đàn lợn, phát triển chăn nuôi bò, gia cầm,... đảm bảo nguồn cung thực phẩm, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhờ vậy, chăn nuôi là lĩnh vực trong quý III đạt tốc độ tăng cao nhất với 9,67%; lũy kế 9 tháng, lĩnh vực này tăng 3,76%.

Riêng đàn lợn cả nước đang dần được khôi phục, tuy nhiên việc tái đàn tại các địa phương nhìn chung vẫn còn chậm so với kỳ vọng. Tổng số lợn tăng khoảng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2019, so với đầu năm 2020, đàn lợn đã tăng 12%. Với tốc độ tái đàn hiện nay, đàn lợn dự kiến sẽ tăng 14% trong quý IV/2020. Nguồn cung thịt lợn vào cuối năm sẽ đáp ứng được nhu cầu- ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định.

Về nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá tra, hiện đang đứng trước nhiều thách thức do thị trường tiêu thụ, hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Dù vậy, sản xuất thủy sản vẫn tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản quý III tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 9 tháng, giá trị sản xuất tăng 2,48%.

Tổng cục Thủy sản đang phối hợp với địa phương, hiệp hội tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững; đồng thời tháo gỡ khó khăn, phục hồi nuôi cá tra. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT đang nỗ lực kiểm soát, giảm thiểu tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để gỡ “thẻ vàng” và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững.

Về lâm nghiệp, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp chế biến gỗ gặp khó khăn bởi nhiều đơn hàng xuất khẩu gỗ bị hủy hoặc chậm thanh toán nên giảm thu mua gỗ nguyên liệu, dẫn đến chuỗi cung ứng gỗ bị giảm. Cả nước đã thu được 1.424 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 50% kế hoạch thu năm 2020 và bằng 76% so với cùng kỳ năm 2019.

Chín tháng đầu năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp chế biến gỗ gặp khó khăn bởi nhiều đơn hàng xuất khẩu gỗ bị hủy hoặc chậm thanh toán nên giảm thu mua gỗ nguyên liệu, dẫn đến chuỗi cung ứng gỗ bị giảm. Trong 9 tháng, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 31,3 ngàn tỷ đồng, tăng 2,08%. Cả nước đã thu được 1.424,3 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 50% kế hoạch thu năm 2020 và bằng 76% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện Bộ NN&PTNT đang tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm nay sẽ đạt trên 12 tỷ USD- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang