Ngành nông nghiệp: Thúc đẩy sản xuất hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng

author 06:43 27/12/2020

(VietQ.vn) - Ngành nông nghiệp cần phát huy thế mạnh, tiếp tục khắc phục những tồn tại để phát triển bền vững và đạt được những mục tiêu đặt ra. Trong đó, cần đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

Từ đầu năm 2020, bão lũ và dịch Covid-19 làm đứt gãy hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản, ngành nông nghiệp, hàng hóa nông sản xuất khẩu gặp khó khăn khi giao thương các nước bị hạn chế. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn nỗ lực duy trì công tác đàm phán, mở cửa thị trường, tạo điều kiện và tranh thủ cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu.

Sản xuất nông nghiệp chất lượng cao ngày càng phát triển. Ảnh minh họa. 

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm vẫn đạt kỷ lục mới với 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước 18,54 tỷ USD, giảm 0,5%; thuỷ sản 8,47 tỷ USD, giảm 0,8%; lâm sản và đồ gỗ ước đạt trên 12,8 tỷ USD, tăng 13,4%.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản đã tiếp tục duy trì được 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12 tỷ USD; tôm ước đạt 3,66 tỷ USD; rau quả đạt gần 3,35 tỷ USD; hạt điều đạt 3,24 tỷ USD; gạo 3,07 tỷ USD). Ngành nông nghiệp xuất siêu đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Trong dịch Covid-19, vừa đảm bảo an ninh lương thực nhưng Việt Nam cũng đẩy mạnh xuất khẩu gạo và đạt giá cao. Đặc biệt là lúa gạo Việt Nam vượt Thái Lan, Ấn Độ khẳng định chất lượng hàng đầu thế giới.

Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại chưa từng có cho ngành chăn nuôi trong gần 2 năm qua. Với những nỗ lực dập dịch, đến nay, cả nước đã có trên 96% số xã không có dịch tả lợn châu Phi. Đây là điều kiện cơ bản để người chăn nuôi, doanh nghiệp và các địa phương tổ chức tái đàn, tăng đàn.

Đến tháng 11/2020, tổng đàn lợn cả nước đã đạt trên 26 triệu con, tăng 12% so với cùng thời điểm năm 2019. Sản lượng thịt lợn hơi cả năm 2020 dự kiến đạt 3,46 triệu tấn. Giá thịt lợn từ mức cao đã được bình ổn, nguồn cung thịt lợn trong nước từng bước đáp ứng được nhu cầu.

Năm 2020, 17 dự án đầu tư vào chế biến nông, lâm, thủy sản, với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động. Các cơ sở chế biến sẽ tạo bước đột phá về xuất khẩu, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng hàng nông sản, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Ngành nông nghiệp trong năm 2021 tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển vừa phòng, chống tốt dịch bệnh. Chỉ tiêu cơ bản là duy trì đà tăng trưởng toàn ngành từ 2,7 - 3%, đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 42 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 70%…

Để đảm bảo “mục tiêu kép” ngành nông nghiệp tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực, gắn bảo quản với chế biến và tiêu thụ. Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo hiệu quả và an ninh lương thực quốc gia.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, ngành nông nghiệp cần tiếp tục khắc phục những tồn tại để phát triển bền vững và đạt được những mục tiêu đặt ra. Sản xuất hiện nay chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, nhất là ở khâu bảo quản và chế biến sâu, tuy đã có rất nhiều kết quả nhưng chưa đáp ứng yêu cầu cao, tổn thất sau thu hoạch còn lớn.

“Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghiệp và dịch vụ phát triển chưa đủ mạnh để “hút” khu vực nông nghiệp chuyển dịch nhanh hơn. Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp so với khu vực thành thị; thu nhập của nông dân chỉ bằng 78% bình quân chung cả nước” - ông Nguyễn Xuân Cường nói.

Với sự vào cuộc của các địa phương, nhiều doanh nghiệp và người dân, nhưng việc tái đàn lợn chủ yếu diễn ra ở các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tại khu vực hộ và trang trại nhỏ còn chậm, có thời điểm cung - cầu thịt lợn mất cân đối. Tái đàn lợn ở các địa phương đảm bảo nguồn cung góp phần bình ổn giá giảm tác động đến chỉ số giá tiêu dùng cũng là việc cần làm ngay của ngành nông nghiệp.

Đã ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cho 18/22 nhóm hàng hóa xuất nhập khẩu (VietQ.vn) - Tính đến tháng 11/2020, các Bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung được 27/38 văn bản (chiếm 71,05%), ban hành 49/60 danh mục hàng hóa kèm mã số HS và ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cho 18/22 nhóm hàng theo yêu cầu tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg và Quyết định số 1258/QĐ-TTg.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang