Ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định là bệ đỡ, cứu cánh của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19

author 06:25 25/12/2020

(VietQ.vn) - Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực vượt khó, sáng tạo, bám sát thực tiễn, quyết liệt hành động, năm 2020 là một năm ngành nông nghiệp có nhiều điểm sáng toàn diện, tiếp tục khẳng định là bệ đỡ, cứu cánh của nền kinh tế…

Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 chiều 24/12/2020.

Tăng trưởng trong khó khăn

Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết: Năm 2020, ngành NN&PTNT triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn toàn ngành phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 44 tỷ USD

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản; Thiên tai khốc liệt dị thường, cùng với đó, dịch bệnh nguy hiểm cấp độ toàn cầu nguy cơ bùng nổ, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Dịch tả lợn Châu Phi giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên gây không ít khó khăn cho tái đàn, tăng đàn; cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát khi tổng đàn đang rất lớn.

Bên cạnh đó, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở cả 3 miền, nhất là khu vực miền Trung và vùng ĐBSCL; Thị trường tiêu thụ một số nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng những biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật.

Trong bối cảnh đó ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển ngành, vừa phòng chống tốt dịch bệnh. Nhờ vậy, ngành vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%; Trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; Thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người.

Đặc biệt, năm 2020 là năm mà nhiều chỉ tiêu quan trọng của ngành “bứt tốc”. Nổi bật là nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế thế giới, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia- Bộ trưởng Trần Xuân Cường nhấn mạnh.

Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch COVID-19, năm 2020, thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng hơn; kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy xuất khẩu trong điều kiện khó khăn do đại dịch COVID-19. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt trên 41,2 tỷ USD, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo..

Năm 2021, Thủ tướng nâng mức phấn đấu của ngành nông nghiệp 

Năm 2021, ngành NN&PTNT đặt mục tiêu: tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp khoảng 2,7 - 3%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất NLTS trên 2,8 - 3,1%; trong đó trồng trọt tăng 1,3%, chăn nuôi tăng 5,7%, thủy sản tăng 3,8%, lâm nghiệp tăng 5,0%. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2020 là năm nhiều thách thức, khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp nhưng ngành đầy bản lĩnh, có nhiều điểm sáng toàn diện.

Nhắc lại nhận định của các tổ chức quốc tế cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay cao nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Thủ tướng khẳng định, với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 41,2 tỷ USD (năm 2019 kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt 40,6 tỷ USD), ngành nông nghiệp trong khó khăn một lần nữa khẳng định tiếp tục làm bệ đỡ của nền kinh tế quốc dân. 

Tuy nhiên, dù đạt được nhiều kết quả, song theo Thủ tướng Chính phủ, tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa thực sự bền vững, nhất là khi chịu tác động của các cú sốc thiên tai, dịch bệnh. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, giao thông nông thôn còn nhiều bất cập so với yêu cầu. Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp so với khu vực thành thị. Lao động nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lao động xã hội. Cho rằng tình trạng phá rừng tự nhiên còn diễn ra, Thủ tướng nêu rõ, phải xử lý nghiêm hành vi này, bất kể là ai, không có vùng cấm.

Về kế hoạch năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, biến nguy cơ thành thời cơ, nguy cơ là sự cực đoan của khí hậu, nhưng chúng ta có kinh nghiệm chống chọi lại với thiên nhiên và đặc biệt thời cơ rất lớn, đó là thị trường được mở ra với việc tham gia 14 hiệp định tự do (FTA), trong đó có 3 hiệp định ký trong nhiệm kỳ này là CPTPP, EVFTA, RCEP. 

Đối với các mục tiêu ngành nông nghiệp năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh, phải đạt tăng trưởng khoảng 3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản hơn 3%. Thủ tướng mong muốn toàn ngành phấn đấu làm sao đạt kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 44 tỷ USD.

Đặc biệt, Thủ tướng nhắc lại phát động và triển khai kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh ở đô thị và nông thôn. Thủ tướng đề nghị, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Phải chuyển từ đánh bắt thủy sản là chủ yếu sang chiến lược nuôi trồng, nhất là nuôi trồng biển.

Về phát triển thị trường, Thủ tướng yêu cầu, ngành nông nghiệp coi trọng cả xuất khẩu và thị trường trong nước. triển khai chương trình “Đưa hàng hóa từ nông thôn vào thành thị”. Thu hút nhiều DN nhất là DN lớn, DN FDI đầu tư vào nông nghiệp… Thủ tướng cũng yêu cầu ngành nông nghiệp cần có dự báo chính xác về cung cầu, đặc biệt là dịp Tết này để tránh tình trạng thiếu những thực phẩm thiết yếu, bị đẩy giá lên cao.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang