Ngành sơn mài Hà Nội trước cơ hội phát triển bền vững

author 09:41 04/12/2019

(VietQ.vn) - Làng nghề sơn mài Hạ Thái tiên phong đi đầu tham gia Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành sơn mài Hà Nội, hướng đến sự phát triển bền vững.

Làng nghề sơn mài Hạ Thái của Hà Nội có lịch sử phát triển trên 200 năm. Trải qua những biến cố thăng trầm của thời gian, hiện làng Hạ Thái còn khoảng một trăm hộ gia đình, doanh nghiệp theo nghề sơn mài được quy hoạch, xây dựng thành điểm công nghiệp.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất liên kết mạng lưới giữa nhà cung cấp nguyên liệu- nhà sản xuất- phân phối- người tiêu dùng hướng tới phát triển bền vững ngành sơn mài, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức chương trình Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành sơn mài thành phố Hà Nội năm 2019 tại làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín.

 Sản phẩm sơn mài của làng nghề Hạ Thái đã có chỗ đứng tại thị trường trong nước và đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

Diễn ra trong 3 ngày, từ 3 đến 6/12/2019, Chương trình mang đến cho các cơ sở sản xuất, các nhà phân phối và người tiêu dùng cái nhìn cụ thể hơn về mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững, thể hiện sự đồng hành của thành phố Hà Nội cùng người dân Thủ đô thúc đẩy hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành sơn mài nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.

Đến với Chương trình Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành sơn mài thành phố Hà Nội năm 2019, các đơn vị và du khách sẽ được tham quan các gian hàng sản phẩm tiêu biểu của làng nghề sơn mài Hạ Thái; trải nghiệm trình diễn nghề như: vẽ, gắn trứng, gắn trai, sơn son thếp vàng, công đoạn làm vóc, lót và thí sản phẩm cho đến khâu hoàn thiện các sản phẩm sơn mài.

Tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, doanh nghiệp tham gia trình Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành sơn mài thành phố Hà Nội năm 2019 phải đáp ứng 9 tiêu chí từng giai đoạn từ nguyên vật liệu sử dụng, quá trình sản xuất, sản phẩm – hàng hóa đến hệ thống phân phối.

Trình diễn nghề truyền thống sơn mài Hạ Thái. 

Theo đó, đối với nhóm nguyên vật liệu sử dụng có 3 tiêu chí gồm: quy định không sử dụng hóa chất độc hại để xử lý và bảo quản các nguyên liệu; hàm lượng formaldehyt trong gỗ công nghiệp thấp hơn mức giới hạn theo Quy chuẩn TCVN 11205:2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ; nồng độ chì trong sơn đáp ứng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10065:2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ về yêu cầu an toàn sản phẩm tiêu dùng hoặc nồng độ chì trong sơn dưới 0,009% theo tiêu chuẩn CPSIA – Mỹ đối với các sản phẩm xuất khẩu.

Nhóm về quá trình sản xuất 3 tiêu chí gồm: Áp dụng sản xuất sạch hơn; thực hiện các quy trình sơn phải theo đúng quy định của TCVN 2288: 1978 về phương tiện bảo vệ người lao động và TCVN 2292:1978 về công việc sơn- yêu cầu chung về an toàn; có giải pháp thu gom, phân loại, xử lý rác thải trong sản xuất.

Nhóm về sản phẩm hàng hóa yêu cầu nhãn mác sản phẩm phải đầy đủ các thông tin. Và nhóm hệ thống phân phối với 2 tiêu chí về quy trình nhập hàng và giải pháp giảm phát thải bao bì, túi nhựa, nylon…

Tại Lễ khai mạc, Ban tổ chức đã trao giấy chứng nhận cho 36 đơn vị tham gia chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành sơn mài. Hội sơn mài Hạ Thái – Duyên Thái cũng đã ký kết hợp đồng hợp tác với các đơn vị cung ứng, phân phối sản phẩm.

 Hội sơn mài Hạ Thái – Duyên Thái cũng đã ký kết hợp đồng hợp tác với các đơn vị cung ứng, phân phối sản phẩm.

Bà Lê Thị Liễu - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, Hà Nội chia sẻ, bên cạnh việc kế thừa truyền thống, ngày nay với sức sáng tạo mới, những nghệ nhân đã tạo ra nhiều loại sản phẩm phong phú, đa dạng có cốt vóc bằng vật liệu: gốm, tre, nứa, mây… để tạo hình sản phẩm. Đến nay, có thể khẳng định sản phẩm sơn mài của làng nghề Hạ Thái đã có chỗ đứng tại thị trường trong nước và đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, các chất thải phát sinh từ các công đoạn sản xuất ngành sơn mài đã và đang tác động không nhỏ đến môi trường, do vậy việc tổ chức mạng lưới kết nối là rất cần thiết. Chính vì vậy, làng nghề sơn mài Hạ Thái tiên phong, đi đầu tham gia Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành sơn mài thành phố Hà Nội năm 2019 nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của làng nghề.

"Chương trình Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành sơn mài thành phố Hà Nội năm 2019 do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức, sẽ là cơ hội để các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp tại làng nghề sơn mài Hạ Thái kết nối tiêu thụ sản phẩm, qua đó phát triển một cách bền vững" - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín khẳng định.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang