Ngày 28/8, SHB và HBB sẽ về "một nhà"

author 18:05 09/08/2012

(VietQ.vn) – Ngày 28/8 này, Ngân hàng Phát triển nhà Hà Nội (Habubank - mã HBB) chính thức được sang tên và chuyển giao lại cho Ngân hàng Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Toàn bộ điểm giao dịch của HBB sẽ mang tên SHB.

Tại buổi bọp báo sáng nay, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) SHB, cho biết việc sáp nhập nằm trong chiến lược của SHB, rút ngắn thời gian cũng như giảm thiểu tối đa chi phí trong lộ trình phát triển. Nếu để SHB tự thân phát triển, HĐQT của SHB cũng như các chuyên gia tính toán – nhanh phải mất 5 năm cộng thêm chi phí đầu tư không nhỏ. Trong khi đó, thương vụ với Habubank chỉ mất 7 tháng, chi phí lại hợp lý.

Về những thay đổi nhân sự cấp cao trong ban lãnh đạo, điều hành ngân hàng mới, ông Hiển nêu rõ: “Vì đây là Habubank sáp nhập vào SHB nên HĐQT của SHB vẫn giữ nguyên. Nếu các thành viên trong HĐQT Habubank có nguyện vọng tham gia vào HĐQT thì sẽ xin ý kiến cổ đông và bầu bổ sung sau”. Như vậy, HĐQT của SHB vẫn gồm 7 người cũ của SHB – tạm thời chưa có Chủ tịch HĐQT Habubank hay tổng giám đốc của ngân hàng này.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chánh thanh tra NHNN, khẳng định HBB khó khăn và buộc phải tìm đối tác sáp nhập là do nhiều nguyên nhân, chứ không đơn thuần do nhà băng này thua lỗ kéo dài. Dẫn chứng được Chánh thanh tra NHNN đưa ra là báo cáo kiểm toán của HBB giai đoạn 2008 – 2010, khi tỷ lệ ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu ) của HBB đạt 12-13%, ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản) đạt 1%.

“Sai lầm dẫn tới việc HBB phải sáp nhập là do HBB đã đầu tư vào một số khách hàng lớn và lĩnh vực rủi ro (như cho Vinashin vay, đầu tư vào lĩnh vực vận tải, sản xuất nguyên vật liệu…) và bộ máy quản trị, quản lý rủi ro nội bộ yếu”, ông Nghĩa nhận định.

Liên quan đến việc xử lý các khoản nợ lớn của Habubank, ông Hiển khẳng định đến 31/12, 65% dư nợ của Habubank sẽ được xử lý. 65% dư nợ này tương đương với các khoản vay của 50 doanh nghiệp lớn trong các ngành như tàu thủy (Vinashin), ngành giấy, ngành nông thủy sản (Bianfishco) sẽ xử lý hết”.

Tỷ lệ nợ xấu của Habubank trước khi sáp nhập là 23,66% (tương đương 3.729 tỷ đồng). Ông Nguyễn Văn Lê - Tổng giám đốc SHB, cho biết sau khi sáp nhập Habubank và SHB, tỷ lệ nợ xấu đã xuống dưới 10%, còn 8,69%.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chánh Thanh tra giám sát NHNN, cho biết thêm: sau này nếu SHB có vấn đề gì, NHNN theo dõi hết sức chặt chẽ, sát sao, đáp ứng khả năng chi trả, can thiệp đảm bảo và bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền.

Tại cuộc họp báo công bố việc sáp nhập, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngoài việc tạo điều kiện về mặt pháp lý, tôn trọng quyền tự chủ của hai NH, đảm bảo quyền lợi một cách hợp pháp, sau sáp nhập, NHNN sẵn sàng hỗ trợ nếu NH trong quá trình hoạt động có khó khăn về thanh khoản, nguồn vốn. Đồng thời, NHNN đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, đề nghị Ủy ban Chứng khoán hỗ trợ chuyển đổi cổ phiếu được thuận lợi nhanh chóng.

Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội được thành lập năm 1993 trong khi Ngân hàng Nhà Hà Nội ra đời năm 1989. Ngân hàng SHB sau khi sáp nhập Habubank sẽ có tổng tài sản gần 120.000 tỷ đồng (tương đương với quy mô của các nhà băng trong khối G14). Tổng vốn điều lệ sẽ gần 9.000 tỷ đồng. Sau sáp nhập, tổng số nhân viên của SHB sẽ đạt gần 5.000 người, bằng nhân viên của hai nhà băng cũ gộp lại. Lãnh đạo SHB khẳng định đảm bảo mọi quyền lợi cho nhân viên cũ của Habubank.

Đức Thắng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang