Ngày 2/9: Nhìn lại thước phim về Hồ Chủ tịch

author 06:58 02/09/2014

(VietQ.vn) – Kỷ niệm 69 năm ngày cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 cùng nhìn lại những hình ảnh quý giá về vị cha già kính yêu của dân tộc Việt.

Không ít những bộ phim tư liệu cảm động về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công chiếu vào những ngày lễ đặc biệt trọng đại của đất nước tái hiện lại hình ảnh một vị chủ tịch mà cả dân tộc Việt Nam luôn nặng lòng biết ơn. Trong đó phải kể đến những bộ phim gây được nhiều tiếng vang lớn tới độc giả như “Hồ Chí Minh – Chân dung một con người”, “Hà Nội mùa đông năm 1946” và “Hẹn gặp lại Sài Gòn”.

Hồ Chí Minh – chân dung một con người

Phim tư liệu Hồ Chí Minh - chân dung một con người. Ảnh minh họa

Phim tư liệu Hồ Chí Minh - chân dung một con người. Ảnh minh họa

Đây là bộ phim tài liệu được ra mắt nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh do đạo diễn Bùi Đình hạc và Lê mạnh Thích thực hiện vào năm 1990.  

Với mong muốn cắt nghĩa sự vĩ đại của bác Hồ thành những thước phim giản dị, vô song và khám phá những mới lạ về hình ảnh của Người, phim đã tái hiện lại những hình ảnh đời thường của Bác một cách chân thực nhất. Từ những cảnh Bác đi chiến dịch, cởi trần, mặc quần đùi cho đến những hình ảnh xúc động như tự giặt quần áo hay phơi quần áo lên cây sào.

Suốt một thời gian dài hơn hai mươi năm được trình chiếu “Hồ Chí Minh – chân dung một con người” vẫn có sức lan tỏa với nhân dân bởi những hình ảnh khắc tâm vào tâm trí khán giả như đôi dép cao su, tấm áo bạc màu, hay nụ cười hiền từ của Bác dành cho các cụ già và các em nhỏ. Cho đến nay phim vẫn được Đài truyền hình Việt Nam công chiếu vào các ngày 19/5 hay 2/9.

Hẹn gặp lại Sài Gòn

Phim

Phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn" gây tiếng vang về cuộc đời Hồ chủ tịch. Ảnh minh họa

Cũng được sản xuất trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Hẹn gặp lại Sài Gòn” được ví như bộ phim bất tử trong “gia tài” làm phim của đạo diễn Long Vân.

Phim kể về những năm tháng Bác Hồ sống và học tập ở Huế và tấm lòng luôn đau đáu nỗi đau mất nước của chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành. Để rồi với tư tưởng “làm nên nghiệp lớn” Nguyễn Tất Thành đã vào Phan Thiết dạy học và lên Sài Gòn với hi vọng tìm đường ra nước ngoài. Cũng tại đây, người gặp gỡ một cô gái xinh đẹp, dịu dàng, có tên Út Vân, nhưng gác lại chuyện tình cảm, chàng trai trẻ vẫn quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, hẹn với Út Vân, hẹn với đất nước lời hẹn “Hẹn gặp lại Sài Gòn”.

Vai diễn Nguyễn Tất Thành do diễn viên Tiến Hợi đảm nhận, vai diễn Út Vân do NSƯT Thu Hà đảm nhận, đây được xem là cặp đôi đóng phim về Hồ Chủ tịch đẹp nhất màn ảnh chính bởi xuất phát từ tình cảm kính yêu dành cho Bác cũng như sự nỗ lực, tìm tòi về nhân vật bởi vậy phim đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng khán giả về hình ảnh của chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

Hà Nội mùa đông năm 46

Hà Nội mùa đông năm 46 - tái hiện hình ảnh đất nước những năm

Hà Nội mùa đông năm 46 - tái hiện hình ảnh đất nước những năm "ngàn cân treo sợi tóc". Ảnh minh họa

“Hà Nội mùa đông năm 46” đưa người xem trở lại Hà Nội vào khoảng thời gian vô cùng căng thẳng trước ngày toàn quốc kháng chiến, khi đất nước đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Nội dung phim tập trung vào các hoạt động đối nội, đối ngoại của Bác Hồ và lãnh đạo chính quyền cách mạng, đó là hình ảnh Bác lặng lẽ suy tư hay hình ảnh Bác kiên định chỉ huy các lực lượng vũ trang. Cuối phim là hình ảnh xúc động khi Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ rời Hà Nội lên Việt Bắc, phía sau lưng Bác là một Hà Nội bốc cháy, bom đạn, Bác ra đi là để trở về. Mùa đông năm 1946 là khoảng khắc tuyệt vời đã từng đi vào thi ca, nhạc họa, đã in hằn trong sử sách và đó cũng là cảm hứng sáng tác của các đạo diễn.

Cao Huyền


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang