Ngày đầu áp trần bán lẻ sữa: Kết quả thiếu khả quan

author 06:55 23/06/2014

(VietQ.vn) – Mặc dù đã thực hiện áp giá trần bán lẻ sữa nhưng với tình hình hiện nay thì kết quả không mấy khả quan. Bộ Tài chính cần có biện pháp thiết thực hơn nữa để bình ổn giá sữa.

Ngày đầu áp trần bán lẻ sữa: Siêu thị cạn hàng

Báo Giao thông vận tại vừa cho biết, ngay ngày đầu tiên (21/6) thực hiện áp trần giá sữa bán lẻ, nhiều sản phẩm sữa nằm trong danh sách áp trần của Bộ Tài chính bỗng biến mất khỏi các siêu thị và tăng giá tại các đại lý.

Ngày 21/6, tại siêu thị Ocean Mart trên đường Nguyễn Khánh Toàn nhiều quầy kệ sữa trống rỗng, vị trí bày sữa Abbott chỉ lác đác còn vài sản phẩm Grow 2, Similac 4... Nhân viên bán hàng siêu thị cho biết nhiều loại sữa Abbott đã hết hàng từ vài ngày nay và không biết đến bao giờ mới có.

Tình hình tại siêu thị CM. trên đường Nguyễn Phong Sắc, siêu thị Metro Thăng Long cũng tương tự, không chỉ sản phẩm sữa Abbott “cháy” hàng mà cả sữa Enfamil, Friso, Nan Pro... đều khan cạn. Nhân viên bán hàng sữa ở Metro Thăng Long cho biết, cả tuần nay nhiều mặt hàng sữa hết hàng, siêu thị đã gọi hàng nhưng không thấy hãng đưa đến.

Nhân viên các siêu thị đều không biết bao giờ hàng mới có và tư vấn khách nên sử dụng “tạm” những sản phẩm mới có tính năng ưu việt hơn như tăng chiều cao, tăng cường thể chất, trí não...

 

Nhiều mặt hàng sữa thuộc danh sách áp giá trần đã biến mất khỏi quầy kệ của các siêu thị

Nhiều mặt hàng sữa thuộc danh sách áp giá trần đã biến mất khỏi quầy kệ của các siêu thị (Ảnh minh họa)

Đại lý tranh thủ tăng giá sau ngày đầu áp trần giá sữa

Tại một số đại lý gần nhà trên đường Trần Cung giá sữa Abbott số 3 loại 900 gr là 305.000 đồng/hộp. Trong khi đó, đầu tháng 6, giá loại sữa này ở siêu thị Ocean Mart chỉ có giá 267.000 đồng; ở Metro Thăng Long là 272.000 đồng. Người bán hàng cho biết, sắp tới sẽ có nhiều mẫu sữa được thay bằng mẫu mới có trọng lượng ít hơn, thay đổi một số hàm lượng, thành phần với giá bán không đổi.

Hiện thị trường sữa đang trong tình trạng “loạn” giá bán. Những mẫu sữa nằm trong danh mục áp giá trần của Bộ Tài chính được các hãng nhanh chóng thông báo giảm giá trần bán buôn, được các siêu thị thông báo giảm giá bán lẻ từ đầu tháng 6, thì nay đã không còn xuất hiện trên quầy kệ. Còn các sản phẩm sữa không nằm trong danh mục áp giá trần thì tới ngày 21/6 vẫn neo giá bán ở mức cao.

Trong lúc đó, các đại lý bên ngoài vẫn giữ giá bán cao đối với cả sản phẩm sữa nằm trong danh mục áp giá trần, dù các hãng đã thông báo giảm giá bán buôn và các hãng thì không có quyền can thiệp vào giá bán lẻ của các đơn vị phân phối.

Thế là, thay vì được mua sữa giảm giá khoảng 20% theo quy định giá trần của Bộ Tài chính, hiện người tiêu dùng không chỉ vẫn phải mua sữa với giá cao; mà còn chật vật hơn trong việc mua sữa cho con bởi thị trường sữa đang rất hỗn loạn, nơi “cháy” hàng, nơi “tăng” giá...

Trần giá sữa làm giảm cạnh tranh giữa các doanh nghiệp

Cũng theo thông tin trên báo Người lao động, ngày 21-6, quy định về giá trần bán lẻ sữa có hiệu lực. Người tiêu dùng đã được mua sữa rẻ hơn giá cũ ít nhất là 1%.

Áp trần giá sữa được xem là động thái mạnh tay của Bộ Tài chính nhằm thiết lập sự ổn định của thị trường sữa. Tuy Bộ Tài chính khẳng định đây chỉ là biện pháp tạm thời, sẽ dỡ bỏ khi trẻ em dưới 6 tuổi được mua sữa với đúng giá trị thực nhưng nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về tính khả thi.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại (cũ) Hà Nội - ông Vũ Vinh Phú - cho rằng áp giá trần là sử dụng biện pháp hành chính cứng nhắc, hiệu quả thấp nhất trong mọi cách thức quản lý giá. Muốn đạt kết quả cao hơn thì phải tạo điều kiện để DN cạnh tranh với nhau, từ đó có sản phẩm chất lượng cao với mức giá tốt nhất thì người dân mới được hưởng lợi hoàn toàn.

 

Các siêu thị đã áp dụng giá mới cho nhiều mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em

Các siêu thị đã áp dụng giá mới cho nhiều mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, người tiêu dùng không rõ mức giá giảm hiện nay đã đúng quy định chưa. Nhiều dòng sữa có giá bán buôn được Bộ Tài chính quy định thấp hơn hẳn giá bán trên thị trường nhưng sau khi cộng tối đa 15% chi phí cho phép thì giá chỉ giảm rất nhẹ.

Nhiều ý kiến cho rằng áp giá trần kiểu đánh đồng giữa DN nội và ngoại là thiếu công bằng và làm giảm động lực cạnh tranh của DN nội vì tự bản thân các DN đã cạnh tranh với nhau nhằm đưa ra sản phẩm chất lượng có giá tốt cho người tiêu dùng. Nếu áp trần giá như nhau sẽ vô tình triệt tiêu sản xuất trong nước với các nỗ lực về tiết giảm chi phí, sáng tạo kiểu dáng, chất lượng mà lại hướng DN dịch chuyển sang nhập khẩu.

Ở góc độ quản lý giá, ông Vũ Vinh Phú nói áp giá trần sẽ “tước” quyền tự lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kế hoạch về giá thành đối với các DN sữa. Giá trần không chỉ ảnh hưởng đến 5 DN bị thanh tra và phát hiện sai phạm mới đây mà mọi DN đều phải dựa vào 25 sản phẩm chuẩn để tính toán lại giá các sản phẩm của mình. Như vậy là đánh mất tính cạnh tranh của thị trường.

Nguyễn Dung (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang