Ngày khai trường của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

author 10:49 04/09/2013

(VietQ.vn) – Khai trường là lúc học sinh hớn hở mặc áo mới, lúc các thầy cô vui vẻ ngắm học trò với những lá cờ đỏ tươi trên tay…nhưng cũng là lúc Bộ trưởng Giáo dục phải đối diện với bao thách thức nặng nề.

Khai trường: xưa và nay…

Ngày khai trường trong ký ức của các ông bố, bà mẹ là những bộ quần áo mới, để dành sau nhiều ngày “tập đội ngũ”, chuẩn bị. Cờ, hoa và trống rộn ràng làm bước chân những cô cậu học trò hồi ấy thêm háo hức, “đi đón ngày khai trường, vui như là đi hội”.

Sau này, họ còn nhận ra, ngày đó đi khai giảng thấy hồi hộp, vui sướng hơn vì hồi ấy nhà trường không bắt…học trước.

Làm gì có cảnh mới tháng 7, chưa hết nắng hè đã bắt các cháu đi học, nhồi nhét những kiến thức của năm sau. Để đến khi các cháu hỏi: “Tại sao ngày khai giảng bắt đầu năm học nhưng chúng con lại học nửa quyển sách rồi?”, khiến ai ai cũng khó trả lời.

Họ lắc đầu thương con mà không làm gì được, chỉ thầm trách các “ông Giáo dục” đã cho con cái mình mới học những “lớp vỡ lòng” mà như “đi đại học”!

Xin đừng trách đa đa…

Chuỗi ngày nghỉ dài dịp Quốc khánh năm nay với nhiều cán bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo chắc chắn không thể trọn vẹn, khi chỉ ít ngày nữa thôi, họ phải trình ra Trung ương Đề án đổi mới giáo dục. Từng bị “đánh trượt” trong kỳ họp trước đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và đồng nghiệp hiểu rõ, “kỳ thi vớt này” sẽ không có lần thứ 2.

Ngày khai trường với bộn bề lo toan của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
Ngày khai trường với bộn bề lo toan của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

Trong khi, báo chí cứ “nhè” dịp đầu năm nay lại xáo xới chuyện đóng góp tiền trường, chuyện đồng phục từ quần áo đến sách vở và bút chì, chuyện lách luật để dạy thêm…khiến các cán bộ quản lý luôn phải phát ngôn trấn an, rằng: “Sẽ cho kiểm tra, sẽ xử lý nghiêm túc…”.

Rồi từ GS Ngô Bảo Châu bên Mỹ đến những ông xe ôm đầu đường, đều có thể tuôn những lời phê phán ngành Giáo, bằng những câu từ thâm thúy đến thông tục. Rằng giáo dục của ta là nhồi nhét, bệnh hình thức, cổ hủ và lạc hậu; rằng kinh doanh trong nghề sư phạm là sai lầm và vô đạo đức…

Ngay chính những người từng làm quản lý giáo dục cũng lên tiếng phê phán chính  đồng nghiệp của mình, như thiếu lắng nghe, chạy theo thành tích…

Nhưng lạ là rất thật hiếm sự thông cảm, sẻ chia, cùng sát cánh với những người “đứng mũi chịu sào” trong ngành Giáo.

Những câu hỏi ngược

Chỉ cần một chút tĩnh tâm, người ta sẽ có cái nhìn khác về vấn đề.

Tại sao trách lãnh đạo Bộ Giáo dục ngày nay làm Sách giáo khoa “nhồi sọ” học trò, mà không phải trách những người ngày xưa, đã cho thay đổi bộ sách viết tinh giản nhưng dễ hiểu dưới thời GS Tạ Quang Bửu?

Tại sao tất cả phụ huynh không đứng lên phản đối việc lạm thu trong nhà trường, mà chỉ biết im lặng khi đi họp nhưng lại càu nhàu khi về nhà, đưa những xúc cảm của mình lên mạng, lên “phây”. Cứ duy trì tính cách đó, tham nhũng có cơ hội hoành hành ở mọi nơi, không phải chỉ có ngành Giáo.

Với các cuốn sách giáo khoa, sao các nhà trí thức lúc nào cũng phê phán mà không tự mình viết sách, đưa lên mạng cho phụ huynh tham khảo? Rồi trong số những người hay “bĩu môi” với các nhà trường Việt Nam, đã có ai viết được chi tiết phương án đổi mới dạy và học ở tất cả các cấp chưa?

Trước cảnh sinh viên thất nghiệp tràn lan, “đầu đường thạc sĩ bán sim, cuối đường tiến sĩ đi tìm ve chai”…đã có ai tỉnh táo hỏi: Thực ra, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã ký thành lập bao nhiêu đại  học, đã cho phép “lên đời” bao nhiêu trường cao đẳng? Nếu có lỗi, là do ai?..

Bất kỳ nhà báo nào cũng có thể viết bài kêu ca lương giáo viên thấp để chỉ trích Bộ Giáo dục thiếu quan tâm đến người thầy. Nhưng họ lại không đưa ra toàn cảnh, rằng ngân sách mỗi năm đã chi hơn 40% cho lương công chức, viên chức. Nên nếu mỗi người được tăng lương gấp 2, thì chả còn tiền đâu để làm đường, xây cầu, trợ cấp hàng tháng cho người nghèo…Hơn nữa, quyền được tăng lương cho giáo viên đâu nằm trong tay Người đứng đầu ngành Giáo?

Mùa khai trường của Bộ trưởng

Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục, ông Phạm Ngọc Phương (người từng học cùng lúc 3 đại học hồi sinh viên) từng nhận xét: “Anh Luận là người giỏi chịu đựng”.

Những bạn đọc tinh ý sẽ nhận ra, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chưa bao giờ nóng giận, chưa bao giờ phản ứng gay gắt với dư luận, dù báo chí viết về nghề giáo với mảng “tối” áp đảo “ánh sáng”.

Cũng ít ai biết, chính vị Giáo sư của ĐH Thương Mại năm xưa là người đặt hàng Viện Vật lý làm chiếc bút điện tử để dạy ngoại ngữ cho các cháu nông thôn,  khi các cô giáo giỏi tiếng Anh phần lớn từ chối đứng trên bục giảng, để đi theo các ngành thời thượng…

Mùa khai trường năm nay, không thấy ngành Giáo ôm đồm phát động phong trào “nhiều không” như năm xưa. Ngược lại, Bộ Giáo dục đã phát đi thông điệp hưởng ứng xây các trường bán trú cho những nơi còn khó khăn, khuyến khích mọi người – mọi tầng lớp học tập suốt đời, hạn chế tổ chức buổi khai giảng phô trương, hình thức, kéo dài với nhiều nghi lễ…

Thế nên, vào một sớm mai mùa thu trong sáng, nếu bạn bắt gặp vị Bộ trưởng với đôi kính trắng ngồi dự khai giảng một ngôi trường nào đấy, hãy chúc ông luôn mạnh khỏe, vượt qua mọi áp lực, để thiết kế lại và dựng xây nền giáo dục ngày tiến bộ và nhân văn hơn.

Hoàng Tuân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang