Ngày KH&CN: Tôn vinh các nhà khoa học

author 10:37 22/04/2014

(VietQ.vn) - Ngày 18/5, lần đầu tiên, Ngày Khoa học công nghệ Việt Nam sẽ chính thức được Thủ tướng Chính phủ phát động. Đây sẽ là sự kiện quan trọng, ghi dấu sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và toàn xã hội với một lĩnh vực trọng yếu trong tiến trình phát triển và hiện đại hóa đất nước - đó là khoa học và công nghệ. Phóng viên Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TSKH Nghiêm Vũ Khải xung quanh vấn đề này.

Sự kiện:

TSKH Nghiêm Vũ Khải

Năm nay là năm đầu tiên thực hiện Luật. Là người tham gia ngay từ đầu vào việc xây dựng các điều khoản của Luật KH&CN (sửa đổi), xin ông cho biết lý do mà ngành KH&CN lựa chọn ngày 18/5?

TS Nghiêm Vũ Khải: Trên thế giới, hầu hết các nước phát triển đều có ngày khoa học hoặc tuần khoa học quốc gia. Ở Mỹ có Ngày KH Quốc gia Trẻ  (National Youth Science Day – NYSD) cách đây hơn 100 trăm năm. Ở Úc có Tuần lễ khoa học quốc gia được tồ chức lần đầu tiên vào năm 1998…Các sự kiện như vậy thu hút hàng triệu người tham gia với hàng nghìn sự kiện diễn ra trên phạm vi cả nước.

Đất nước chúng ta có rất nhiều ngày kỷ niệm, như  Ngày nhà giáo Việt Nam, Ngày thấy thuốc Việt Nam, Ngày thương binh liệt sỹ, Ngày Phụ nữ quốc tế,…Nhưng vẫn chưa có ngày dành cho KH&CN, mặc dù KH&CN là quốc sách hang đầu. Thể theo nguyện vọng của các nhà khoa học và dư luận xã hội, Bộ KH&CN, với trách nhiệm chủ trì soạn thảo Luật KH&CN (sửa đổi)  đã được đề xuất việc quy định Ngày KH&CN Việt Nam trong Luật KH&CN. 

Sở dĩ chọn ngày 18/5 vì ngày này gắn với một sự kiện lịch sử. Đó là, ngày 18/5/, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã  đến dự và phát biểu tại Đại hội lần thứ Nhất của Hội phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Bác nói: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Trong lời nói ngắn gon nêu trên Bác đã chỉ rõ nguyên lý, mục tiêu và sứ mệnh cao cả của khoa học và công nghệ.

Với những căn cứ nêu trên, đề xuất của Bộ KH&CN đã đạt được sự tán thành cao Chính phủ, Quốc hội cũng như nhân dân cả nước và đã được quy định trong Luật KH&CN 2013.

Năm 2014 là năm đầu tiên tổ chức Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam; đồng thời  cũng là năm Bộ Khoa học và Công nghệ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập. Theo ông, việc tổ chức thành công ngày KH&CN sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với ngành KH&CN trong thời điểm hiện nay?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Tổ chức ngày KHCN Việt Nam thành công có rất nhiều ý nghĩa đối với ngành KH&CN và sự phát triển của đất nước. Thực ra, không phải cả một năm chỉ có một ngày dành cho KH&CN. Có điều là nhân ngày này các hoạt động quảng bá, truyền thông cần tập trung thành một cao trào, tạo hiệu ứng tích cực, sâu rộng. Còn các hoạt động phục vụ phát triển KH&CN phải tiến hành thường xuyên, liên tục.

Nhân dịp này, một mặt chúng ta động viên, khích lệ giới khoa học, tôn vinh những thành tựu, đóng góp của họ. Nhưng quan trọng hơn là phải đánh giá khách quan và nhận ra các mặt còn hạn chế, bất cập để từ đó đề ra các giải pháp mạnh mẽ hơn trên quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KH&CN như đã đề ra trong Nghị quyết số 20 của BCH TW Đảng (khóa XI) về KH&CN, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 và Luật KH&CN 2013. Tôi cho rằng, thành quả quý giá nhất mà chúng ta có được là đội ngũ KH&CN Việt Nam. Nếu chúng ta biết tập hợp, tổ chức để đội ngũ này tham gia vào các chương trình, dự án KH&CN thiết thực thì ngành KH&CN Việt Nam sẽ có những đóng góp mang tính đột phá đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cũng từ đó, giới khoa học sẽ tự tin, trưởng thành hơn, chủ động nghiên cứu sáng tạo xây dựng đất nước.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, thông qua sự kiện, tôi hy vọng họ sẽ ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của KH&CN trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của sản phẩm. Từ đó, tăng cường hợp tác với các tổ chức, trung tâm nghiên cứu KH&CN, các nhà khoa học; đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D).

 Ông có muốn gửi thông điệp gì cho các đồng nghiệp là giới trí thức nhân dịp này?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Tôi thuộc thế hệ trí thức như Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết trong bài Người đi tìm hình của nước: “Những kẻ quê mùa đã thành trí thức”. Là con một gia đình nông dân nghèo của một vùng quê nghèo lam lũ, nếu không có cách mạng, không có sự khách quan, công bằng thì làm sao tôi đã được cử đi tào tạo trên 12 năm ở các nước có nền KH&CN tiên tiến bậc nhất hiện nay, trong khi bạn bè có nhiều người đã đi ra trận, có người mãi mãi không về. Đại đa số trí thức Việt Nam thế hệ chúng tôi có hoàn cảnh tương tự vậy và đều mang ơn Đảng, ơn nhân dân, muốn được đền đáp công ơn đó. Mặt khác, thế hệ chúng tôi có những nhược điểm do hoàn cảnh xuất thân của mình, hoàn cảnh của một nước nông nghiệp lạc hậu một thời. Thế hệ trẻ ngày nay có nhiều thuận lợi hơn, nhưng cũng không phải ít thách thức. Tôi muốn rằng trí thức thuộc mọi thế hệ, mọi hoàn cảnh xuất thân hãy cùng nhau nhận lấy trách nhiệm đi tiên phong trong sự nghiệp chấn hưng đất nước bằng những thành quả nghiên cứu, ứng dụng thiết thực, biến  KH&CN trở thành động lực nòng cốt, trở thành văn hóa cho phát triển, cho cuộc sống.  

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Minh Hà (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang