Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam đáng ra phải có từ lâu

author 08:20 20/05/2014

(VietQ.vn) - Theo PGS.TS Phạm Hồng Tung, đáng ra ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam phải được tổ chức từ lâu, để khuyến khích các nhà khoa học cống hiến cho đất nước.

Trong ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các nhà khoa học đã bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình ở "ngày hội của những người làm nghiên cứu" này.

GS Chu Tuấn Nhạ: Sẽ có bước tiến mới

"Chúng ta rất vui mừng vì năm nay là năm đầu tiên tổ chức ngày KH&CN Việt Nam (18/5) với nhiều hoạt động phong phú trên phạm vi cả nước. Chắc chắn sự kiện này sẽ có tác động tích cực đến KH&CN nước nhà. Khi thảo luận về việc này đã có 2 nội dung được tập trung bàn bạc, đạt sự nhất trí cao.

Một là Ngày KH&CN Việt Nam là ngày hội toàn ngành KH&CN, là dịp để các nhà khoa học trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi, là dịp để lãnh đạo Nhà nước gặp gỡ, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học và là diễn đàn để các nhà khoa học hiến kế cho sự phát triển của đất nước. Hai là việc chọn Ngày KH&CN Việt Nam là ngày 18/5 - ngày Bác Hồ gặp mặt các nhà khoa học tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam...

Tôi tin rằng, với những sự kiện có ý nghĩa quan trọng như vậy, KH&CN Việt Nam sẽ có những bước tiến mới, đột phá mới...".

PGS.TS Phạm Hồng Tung: Đáng lẽ phải tổ chức từ lâu

PGS.TS Phạm Hồng Tung là Viện trưởng viện Việt Nam học và Khoa học phát triển của ĐH Quốc gia Hà Nội: "Đáng lẽ phải tổ chức Ngày KH&CN Việt Nam từ lâu. Bởi đây là dịp tôn vinh, khích lệ các nhà khoa học; nơi những người làm nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực được gặp gỡ, trao đổi...

Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam đáng lẽ phải có từ lâu

Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam đáng lẽ phải có từ lâu. Trong ảnh là TS Phạm Hồng Tung

Trước đây, trong các hội thảo hoặc các diễn đàn, thường chỉ có các nhà khoa học thuộc một hướng nghiên cứu nào đó gặp gỡ nhau. Nhưng nhờ có những hoạt động như này, giới khoa học khắp các lĩnh vực được giao lưu, chia sẻ ý tưởng với nhau.

Ngày nay, các yêu cầu của cuộc sống đã vượt xa khả năng giải quyết của các chuyên ngành hẹp; mà cần có sự liên kết - tích hợp để giải quyết vấn đề. Khoa học xã hội và nhân văn không đứng ngoài cuộc sống mà phải kết nối với khoa học công nghệ, tạo ra hiệu ứng toàn xã hội.

Ví dụ như khi các nhà khoa học công nghệ sáng chế ra công nghệ tiết kiệm nước thì các nhà khoa học xã hội sẽ có những đề xuất tạo hiệu ứng xã hội có thói quen tiết kiệm nước (như tắt vòi nước khi không sử dụng). Như vậy, sức mạnh của KH&CN sẽ được tăng lên gấp bội...

Trong lịch sử, chúng ta đã có chiến thắng Điện Biên Phủ và "Điện Biên Phủ trên không" thì thời nay, cần phải có "Điện Biên Phủ trong Khoa học và Giáo dục" để đưa đất nước tiến lên.

Cũng cần lưu ý, một số nhà khoa học không nên đổ lỗi cho Đảng và Nhà nước khi điều kiện làm việc chưa hiện đại. Mà ngược lại, nhà khoa học phải làm cho nhân dân tin vào đội ngũ trí thức, đừng để họ nghi ngờ các chức danh "Giáo sư, tiến sĩ".

"Chứng minh thư" của nhà khoa học ngày nay chính là các sản phẩm mà họ làm ra đã giúp gì cho dân, cho đất nước.

Ở ĐH Quốc gia Hà Nội đã có khẩu hiệu: "Khoa học vị nhân sinh". Có nghĩa là các nhà khoa học bây giờ phải giải "bài toán ngược"; tức là phải tìm các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống để giải, lấy thực tiễn làm thước đo".

TS Hoàng Tuynh: Mong doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào KH&CN

"Tôi đã về hưu nhiều năm nên rất phấn khởi khi có Ngày KH&CN Việt Nam, có dịp được thấy những tiến bộ của KH&CN hiện nay. Tôi có mong muốn là các doanh nghiệp Việt Nam cần dành nhiều hơn nữa nguồn vốn để đầu tư đổi mới KH&CN, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Các trường ĐH cũng nên nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, theo kịp các đại học lớn của khu vực và thế giới".

Nhật Minh (ghi)



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang