Ngày Tết bàn về chuyện rượu

author 10:32 03/02/2014

(VietQ.vn) – Bên cạnh thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, bánh chưng xanh… thì rượu cũng là một món không thể thiếu được trong những ngày Tết.

Rượu là văn hóa của nhân loại

Thế giới:

Khó mà xác định chính xác quê hương của rượu, dường như ở đâu có con người thì ở đó có rượu và ở đâu rượu cũng được phát hiện, sản xuất và sử dụng ngay từ khi ăn uống trở thành văn hóa (Âm thực)

Như ở Việt Nam ta, người Mèo ở những vùng núi cao, người Thái người Mường ở những vùng núi thấp hơn, người Kinh ở đồng bằng châu thổ sông Hồng, người ở Thanh-Nghệ-Tĩnh, Bình trị thiên, Người ở nam Trung bộ, Tây Nguyên hay Nam Bộ đều có thứ rượu đặc trưng của mình và chắc không ai dám nghĩ đến việc tìm hiểu xem ở vùng nào có rượu trước.

Tại sao người ta uống rượu

Rượu được sử dụng hàng ngày, rượu nhân nỗi buồn niềm vui, bắt đầu hay kết thúc một ngày làm việc, nhân những được mất, tiễn người về thế giới tổ tiên, chúc mừng một cặp vợ chồng mới, ký kết những hiệp định, những vấn đề toàn cầu… người ta đều uống rượu. Người phu uống rượu sau một ngày mệt mỏi, những triết gia uống rượu khi đàm đạo về vũ trụ, rượu giúp những hồn thơ ý nhạc thăng hoa, thoát ra từ tâm hồn nghệ sỹ.

Tác dụng và tác hại:

Y học phương đông coi rượu như một loại “Giao liên” tinh nhuệ giúp đưa dinh dưỡng, thuốc men đến tận hang cùng ngõ hẻm của cơ thể. Rượu làm tăng nhịp tim, giãn mạch máu, kích thích hệ thần kinh khiến ý nghĩ đến nhanh và người ta trở lên hoạt bát, thoáng đạt hơn

Trên đời này, cái gì, điều gì “Quá” đều dở, rượu tác dụng bao nhiêu thì khi dùng “Quá” lại tác hại bấy nhiêu.

Gan như một nhà máy thanh lọc, sàng tuyển của cơ thể, thức ăn (Với không ít chất độc hại) sau khi được tiêu hóa, hấp thụ ở ruột sẽ theo một hệ thống mạch gọi là mạch Cửa đổ về gan, rồi chỉ những thứ đã qua gan mới được vào đại tuần hoàn đi nuôi cơ thể.

Rượu được thải qua gan, uống rượu nhiều và kéo dài gan sẽ bị sơ và hệ quả là

-Hệ thống mạch cửa bị tắc, máu (Chưa được thanh lọc) không qua được gan, tìm mọi đường tắt để đổ vào đại tuần hoàn, ngoài việc những chất độc vào máu đến khắp cơ thể thì những chỗ tắt này (Nhất ở ở thực quản) vốn sinh ra không phải để chịu một lượng máu lớn lưu hành, chúng giãn ra thành búi rồi vỡ bất kỳ.

-Gan là nơi sản sinh ra những chất để cầm máu, khi bị sơ những chất này thiếu và máu chảy sẽ không cầm được, thế nên người sơ gan dễ chết vì chảy máu thực quản không cầm.

Mạch máu giống cái ống nước ở chỗ cùng cho một chất lỏng lưu thông bên trong nhưng khác ở chỗ mạch máu co giãn theo nhiều yếu tố;

Khi ta hoảng sợ hay giận dữ, các mạch ngoại vi co lại khiến mặt, đầu chi tái và lạnh đi đó là yếu tố thần kinh, khi huyết áp tăng cao, mặt đỏ lên, mạch thái dương đập giần giật… đó là tác dụng của áp lực dòng chảy. Nhiều loại hóa chất, trong đó có rượu (do ăn, uống, hít vào hay do các tuyến tiết ra) cũng có tác dụng làm tăng gay giảm nhịp tim, co hay giãn mạch …

Như vậy, hệ tim mạch có độ mềm dẻo nhất định, thay đổi tùy theo môi trường sống, độ mềm dẻo này có ý nghĩa sống còn, giúp duy trì sự hằng định dòng máu đến não và các cơ quan quan trọng

Rượu làm giãn mạch, nếu uống liên đục và kéo dài, độ mềm dẻo ấy sẽ mất đi, cùng những hệ lụy khác, mạch máu nhanh chóng bị sơ vữa, không đảm bảo được dòng máu và rất dễ vỡ.

Rượu kích thích đại não khiến ý nghĩ thoáng đạt đến nhanh nhưng khi quá liều thì những ý nghĩ ấy rối loạn, người uống không kiểm soát được lời nói và hành vi của mình.

Tiểu não duy trì sự thăng bằng của cơ thể (Hệ vận động), khi bị rượu ức chế người ta loạng choạng rồi không điều khiển được hệ vận động, kèm với việc mất ý thức và sự hư hỏng của hệ thống mạch thì những cú ngã khi say rượu thường gây hậu quả nặng hơn rất nhiều

Trong quá trình hoạt động, người hoàn toàn bình thường cũng khó tránh khỏi nhiều lần chảy máu não, đó là trường hợp đứt những mạch rất nhỏ, lượng máu chảy ra rất ít vì được cầm ngay và nhanh chóng tiêu đi hầu như không để lại triệu chứng, di chứng gì.

Người nghiện rượu thì không vậy, não teo sớm hơn, dễ chảy máu hơn, máu khó cầm hơn, chảy máu trong não người nghiện rượu vì thế mà nhiều hơn, nặng hơn và một trong những lần ấy người ta sẽ hôn mê, chết hay tàn phế.

Nghê gớm như vậy, chả nhẽ ta không uống rượu?

Như đã nói thì rượu đã là văn hóa của loài người, rượu nhiều tác dụng, rượu hay lắm… tội gì mà không uống!

Uống chút rượu đủ để vui, để can đảm, để giúp ta thăng hoa nghệ thuật, trước khi động phòng, chút rượu cũng giúp ta “Biến cái không thể thành có thể”.

Vậy nên uống rượu như thế nào? Xin có mấy lời bàn.

-Không nên uống liên tục

Nhiều người, rất nhiều người hiểu sai lời dạy của các cụ “Chỉ nên uống điều độ”, đa số những bệnh nhân tai biến mạch não coi uống điều độ là mỗi bữa … ba cốc Liên Xô.

Hãy hình dung, khi gan chưa thải hết chỗ rượu đã uống lại phải nhận thêm lượng mới, sự gắng sức liên tục sẽ dẫn đến sơ gan. Mạch máu liên tục hoạt động dưới ảnh hưởng của rượu sẽ mất dần tính mềm dẻo, sơ vữa, dễ vỡ.

Vậy, trước khi nghĩ đến hai chữ “Điều độ” cần nghĩ đến câu hỏi:

-Khi nào phải uống rượu? Khi nào nên uống rượu?

Ví như khi ngoại giao, khi để đưa thuốc là những lúc cần phải uống uống, khi chia vui, chia buồn, khi muốn thăng hoa nghệ thuật, khi muốn “Lực tòng tâm” là những lúc … nên uống. Người biết dùng rượu chỉ uống khi cần, khi phải, khi nên ấy và cũng chỉ đủ đạt mục đích thì thôi.

Vậy, ngoài việc uống rượu theo chỉ định của thầy thuốc đông y thì:

-Với mức “Ba chén” nên giữ “Điều độ” ở tần số 3-4 ngày một lần và cũng chỉ dùng trong bữa tối.

-Những “Trận rượu” (Tức là phải uống nhiều) thì với người từ 25-45 “Điều độ” cũng nên cách nhau ít nhất hai tuần để gan và mạch kịp thải hết, nghỉ ngơi, bình phục trước khi đón trận mới.

Để thực hiện được điều đó, yêu cầu người uống phải có kế hoạch, biết phảinên uống ở đâu, biết từ chối ở đâu? Khi tuổi càng cao thì tần số này càng phải thưa hơn. 

-Cần xác định việc mời nhau dùng rượu là văn hóa tốt nhưng khi kích nhau, ép nhau uống rượu lại là văn hóa xấu.

Bên chén rượu người ta nhâm nhi để đàm đạo với nhau những vấn đề cùng quan tâm, thế nên, trước cuộc rượu mà chưa có thì cần nghĩ ra một đề tài thú vị, hữu ích mà thảo luận… Khi uống rượu mà chẳng biết nói gì người ta mới xét nét nhiều ít, kích bác, cốt để cho nhau uống thật nhiều, thế rồi … nhẹ thì cãi lộn mất lòng nhau, bữa rượu coi như… phí! Nặng thì ẩu đả đánh nhau rồi tai nạn thảm khốc…, ai cũng biết, cũng từng chứng kiến những vụ tai nạn ấy nhưng vẫn lôi nhau vào những cuộc rượu vô bổ, chi mạng như vậy!

-Người biết thưởng thức rượu là người biết nói câu: “Tôi đã say rồi đấy!” hay “Tôi sắp say rồi đấy!” đồng thời người ta biết đưa chìa khóa xe cho người tỉnh, biết nhờ người gọi Taxi hay biết gọi điện báo cho người thân đến đón.

-Tửu lượng mỗi người có khác nhau nhưng ai rồi cũng trải qua các bước, hưng phấn, quá kích, không kiểm soát, mê sảng… thế nên, người có văn hóa có thể mời, có thể nài cho đến ngưỡng hưng phấn chứ không bao giờ ép nhau uống cho bằng người này, hơn người khác, đến mức mất kiểm soát hay mê sảng.

Vài bí quyết khi buộc phải uống nhiều.

1-Bạn bè đôi khi muốn ta uống để câu chuyện được thông thoáng và cởi mở, khi rượu vào, những lời nói và hành động vui nhộn diễn ra, vậy khi đã đạt độ kích thích, sau khi đã chút ít thận trọng (Không nói và làm gì mất lòng người khác) không tội gì ta không thoải mái vui đùa, như thế bạn sẽ đỡ nài ép ta uống thêm.

2-Trong cuộc vui thường có đàn hát, rượu lại được thải ra khỏi cơ thể qua đường hô hấp vậy, khi say hãy nói, hãy cười đùa cho thỏa thích, nếu hát Caraoke cũng là một phương pháp rất tốt.

3-Khi lượng rượu vào dạ dày quá nhanh và nhiều, cơ thể thường có phản xạ tống ra (Nôn) vậy khi bắt buộc phải uống thì đừng tiếc mà không vào toa lét nôn ra.

4-Rượu còn được thải qua một đường quan trọng nữa, đường tiết niệu, thận lọc những chất độc (trong đó có rượu) từ máu, đổ vào những bể rồi xuống bàng quang, khi áp lực ở bể thận và/hay bang quang đạt đến một ngưỡng nhất định sẽ tạo kích thích ngược khiến thận giảm hay ngừng bài tiết, rượu sẽ được thải chậm hơn. Vậy nên chăm chỉ đi tiểu để duy trì chênh lệch áp lực giúp thận thải được nhiều hơn.

Cuối cùng, khi đã mất kiểm soát, người ta thường không nghĩ là mình say và muốn cố chứng tỏ điều ấy, gây nhiều nguy hiểm cho chính bản thân mình và không ít phiền toái cho người khác nên cách tốt nhất là cần hiểu, cần tự nhủ mình trước rằng: Rượu nào, tửu lượng nào rồi cũng dẫn đến say, khi đã uống thì chỉ nên nói

-Tôi/tao đã say!

Chứ không bao giờ nói

-Tôi/tao chưa say!

Và vui vẻ chấp nhận sự giúp đỡ của người không uống hay say ít hơn mình.

Chúc mọi người có những cuộc rượu vui vẻ và không nguy hiểm trong ngày tết!

Vinh Dũng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang