Ngày Tiêu chuẩn thế giới 14/10: Tiêu chuẩn hỗ trợ cho phát triển đô thị thông minh

author 17:35 13/10/2017

(VietQ.vn) - Sáng nay 13/10/2017, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn thế giới và tổ chức hội thảo "Tiêu chuẩn giúp thành phố thông minh hơn".

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Chủ đề Ngày Tiêu chuẩn thế giới 2017 là “Tiêu chuẩn giúp thành phố thông minh hơn”, nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiêu chuẩn trong việc cung cấp hướng dẫn quan trọng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống đô thị, bao gồm các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, giao thông thông minh, quản lý chất thải được cải thiện, xây dựng cộng đồng bền vững và nhiều hơn thế nữa.

 Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn thế giới 14/10/2017

Phát biểu tại hội thảo “Tiêu chuẩn giúp thành phố thông minh hơn”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định: Việc xây dựng thành phố thông minh là vấn đề không hề đơn giản. Mỗi thành phố phải đối mặt với những thách thức riêng và đòi hỏi phải kết hợp nhiều giải pháp. Tuy nhiên, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng tiêu chuẩn sẽ hỗ trợ cho sự phát triển đô thị thông minh một cách hiệu quả và toàn diện.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, hiện nay, Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), thành viên liên kết của Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) và thành viên chính thức của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Với tư cách là thành viên của ba tổ chức này, Việt Nam có quyền và có trách nhiệm tham gia tích cực vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới mạnh mẽ hơn. Đồng thời cũng cần đẩy mạnh việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở làm nền tảng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp, cũng như người tiêu dùng Việt Nam.

 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Nam Hải chia sẻ Thông điệp Ngày Tiêu chuẩn thế giới

Chia sẻ về thông điệp của Ngày Tiêu chuẩn thế giới năm nay, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Nam Hải, cho biết với vai trò quan trọng của mình, các tiêu chuẩn quốc tế hỗ trợ việc phát triển các giải pháp được điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của một thành phố nhất định.

Tiêu chuẩn cũng mở ra cánh cửa rộng hơn cho việc lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ. Chúng giúp tăng tính cạnh tranh và thúc đẩy sự đổi mới. Theo một cách tiếp cận hệ thống, tiêu chuẩn cho phép tích hợp các cấu trúc hoặc giải pháp từ các nhà cung cấp khác nhau.

“Các tiêu chuẩn quốc tế giúp mọi thứ cùng hoạt động an toàn và trơn tru ở mọi cấp độ của thành phố. Tiêu chuẩn cung cấp nền tảng cho việc tiếp cận nguồn điện cũng như tất cả các thiết bị, hệ thống điện, điện tử. Tiêu chuẩn hỗ trợ công nghệ thông tin và truyền thông từ đó cho phép thu thập, trao đổi và phân tích dữ liệu, bảo mật thông tin. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là tiêu chuẩn cung cấp hướng dẫn quan trọng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống đô thị, bao gồm các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, giao thông thông minh, quản lý chất thải được cải thiện, xây dựng cộng đồng bền vững và nhiều hơn thế nữa”, ông Hải chia sẻ.

 Ông Phùng Mạnh Trường  - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam tham luận tại hội thảo

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm Ngày tiêu chuẩn thế giới 2017 

Trong bài tham luận về hệ thống tiêu chuẩn về đô thị thông minh và bền vững, ông Phùng Mạnh Trường – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho biết, Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đến nay đã ban hành hàng trăm tiêu chuẩn liên quan đến việc vận hành một đô thị thông minh, điển hình như ISO 37120, ISO/TR37150, ISO 37101, ISO 37102, ISO/TR37121, ISO 37151, ISO 37152... Nội dung các tiêu chuẩn này tập trung vào việc xác định tiêu chí, định hình phát triển bền vững đô thị thông minh.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có kế hoạch xây dựng bộ tiêu chuẩn khung về đô thị thông minh nhằm phát triển cơ sở hạ tầng hiệu quả, môi trường sống thân thiện và phát triển KT-XH bền vững.

Lễ Kỷ niệm còn ghi nhận những tham luận của các đại biểu đến từ Bộ Xây dựng về hướng tiếp cận tiêu chuẩn quy hoạch nhằm phát triển mô hình đô thị thông minh Việt Nam, tham luận của Trường Đại học KH&CN Hà Nội, Viện KH&CN VINASA về Điện mặt trời cho phát triển đô thị và Khung chuẩn quản trị tốt hướng đến thành phố thông minh.

Đặc biệt, tham luận của đại diện Tổng Công ty Viễn thông Viettel về Ứng dụng tiêu chuẩn quốc tế về đô thị thông minh ở Việt Nam đã gợi mở những giải pháp nhằm “Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh” theo tinh thần của Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ở Việt Nam, từ cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1819/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước với mục tiêu "triển khai đô thị thông minh ít nhất tại 3 điểm theo tiêu chí của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn".

Nghị quyết của Hội nghị Trung ương IV khóa XII cũng nhấn mạnh "ưu tiên phát triển đô thị thông minh". Tháng 12/2016 Văn phòng Chính phủ cũng ra công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan ban hành các tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và các hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Từ chủ trương này, nhiều địa phương đã tìm hiểu và triển khai đô thị thông minh theo các quy mô, hạng mục khác nhau tùy theo điều kiện và nhu cầu. Đến nay, đã có 20 địa phương bắt đầu triển khai đề án đô thị thông minh như: Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang (huyện đảo Phú Quốc), Lâm Đồng (Đà Lạt), Bình Dương, Hải Phòng và Cà Mau...

Thanh Uyên - Huy Hùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang