Ngày về đẫm nước mắt của 61 ngư dân bị bắt giữ ở Indonesia

author 07:16 27/10/2014

Cuối tuần qua, 29 người cuối cùng trong tổng số 61 ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia tạm giữ từ đầu tháng 1 đã về nước. Đã có những giọt nước mắt mừng vui ngày hội ngộ; nước mắt đau buồn khi mẹ già không còn nữa; nước mắt tủi nhục khi kể về những ngày tháng bị bắt giữ nơi đất khách quê người. Và cả những giọt đắng của chủ tàu khi bị dối lừa.

Bị đánh và lao động khổ sai


Buổi lễ “Trao giấy phép đưa tàu cá đi hợp tác khai thác thủy sản tại ngư trường Indonesia” diễn ra sáng 30/8/2013 tại cảng cá Tắc Cậu, với sự có mặt của Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - ông Lâm Hoàng Sa cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT, Công an tỉnh Kiên Giang… Ai cũng hân hoan, phấn khởi, đặc biệt là các ngư dân khi lần đầu được chính thức cấp phép đánh bắt hợp pháp ở nước ngoài. Thế nhưng…

Tài công Nguyễn Văn Trường kể: “Khi chúng tôi vừa đến vùng biển Indonesia thì lực lượng hải quân của nước này mời lên kiểm tra giấy tờ thủ tục. Không hiểu tính pháp lý như thế nào, nhưng sau đó phía Cty Đại Dương, đơn vị hợp đồng với chủ tàu, kêu chúng tôi tiến hành khai thác tại vùng tọa độ định sẵn.

Ngư phủ Huỳnh Công Nghiêm và Lê Hoàng Nam khoe bức hình bà Hani, người mà họ gọi là Mama

Khai thác được vài chuyến với lượng cá khá dồi dào, anh em rất phấn khởi. Tuy nhiên, khoảng 4 giờ sáng ngày 4/1/2014, bất ngờ Cảnh sát biển ập lên tàu kiểm tra giấy tờ và nói rằng chúng tôi khai thác trái phép và kéo 2 cặp tàu cùng 61 ngư phủ vào đảo Anambas.

Cảnh sát khống chế, bắt tắt tất cả các thiết bị liên lạc, kể cả điện thoại. Họ nhốt 61 người chúng tôi vào 2 chiếc phòng nhỏ của một ngôi nhà. Muốn ngủ phải co đầu gối lên hoặc gác chân lên tường.

Tại đây còn có một số ngư dân của Thái Lan, Myanmar và cả người Indonesia. Họ cũng bị bắt vì khai thác trái phép. Chúng tôi bị tra khảo, bị đánh đập với nhiều hình thức khác nhau. Họ bắt chúng tôi cởi trần bò như rắn làm máu tứa đầy người, sau đó bắt sắp hàng chạy vòng và có một người cầm cây gậy đứng đánh mỗi khi chạy qua. Những vết sẹo do bị đánh, bị châm tàn thuốc lên người đến nay vẫn còn. Ở đây được 3 ngày thì chuyển qua quần đảo Tarempa”.

Ngư phủ Huỳnh Công Nghiêm kể: “Hễ cứ làm trái ý là bị họ đánh. Họ uống rượu say vào cũng đánh, thua độ bóng đá cũng đánh. Chúng tôi phải lên rừng đốn củi, san nền nhà, vác xi măng, cát đá lên núi. Họ bắt chúng tôi đi làm thuê cho dân trên đảo. Tiền thì họ thu, sau đó chia lại cho chúng tôi chỉ khoảng một phần ba. Làm việc cực nhọc nhưng ăn uống thì vô cùng cực khổ, thiếu thốn. Do quá đói, ban đêm, chúng tôi phải đi bắt chó rừng, bắt kỳ đà về làm thịt ăn”.

Theo anh Nghiêm, trong hải quân cũng có người thương ngư dân Việt Nam. Đặc biệt là người dân trên đảo rất tốt. Anh Nghiêm móc ví khoe bức ảnh bà Hani chụp chung với một người bạn, nói: “Đây là người mà chúng tôi gọi là Mama. Mama cho chúng tôi ăn, cho thuốc khi ốm đau, cho tiền. Chiếc áo tôi đang mặc đây cũng của Mama cho.

Có lần Mama cho tiền chúng tôi không nhận và bà đã khóc. Ngay khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi đã điện cho Mama. Tôi sẽ phóng to bức hình này treo lên nhà để tỏ lòng biết ơn”.

Nước mắt vĩnh biệt

Ngày trở về, ngư phủ Nông Văn Sị vội vã chạy về nhà để thắp nén nhang cho mẹ. Mẹ Sị qua đời khi anh bị bắt được 4 tháng. Những người thân trong gia đình kể lại, ngay khi hay tin Sị bị bắt, đêm nào bà cũng thao thức nhìn ra dòng sông cạnh nhà rồi hỏi: “Bao giờ thằng út Sị được tha về”. Trước khi trút hơi thở cuối cùng bà luôn miệng kêu: “Sị ơi, sao con không về với mẹ”.

Ông Phạm Minh Quý (51 tuổi) và con trai Phạm Minh Hoàng (26 tuổi), cũng trở về trong nước mắt khi mẹ của ông Quý (bà nội của anh Hoàng) không còn nữa. 

Có một nỗi đau khác, đó là cảm giác bị lừa. Tài công Lý Anh Khiêm nói: “Chúng tôi là những người làm thuê cho chủ tàu, chúng tôi đánh bắt tại các tọa độ theo hướng dẫn của Cty Đại Dương. Tàu của chúng tôi cũng đã mang quốc tịch của Indonesia khi khai thác thủy sản. Ngày ra đi được tổ chức làm lễ với sự có mặt của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang. Thế nhưng tại sao chúng tôi lại bị bắt giam? Tòa án Indonesia kết tội chúng tôi đánh bắt trái pháp luật trên vùng biển của họ. Tòa còn nói rằng bản hợp đồng đánh bắt là giả mạo. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm vấn đề này?”.

Chủ tàu Trương Văn Ngữ cho rằng, chủ trương, chính sách đánh bắt ở nước ngoài là đúng, nhưng quá trình thực hiện lại sai. Phía Cty Đại Dương chưa có giấy phép của nước sở tại đã vội vàng ký hợp đồng với các chủ tàu, thu tiền 90 ngàn USD mỗi cặp. Ở đây đã có dấu hiệu lừa đảo, công an tỉnh Kiên Giang đã mời đại diện Cty Đại Dương làm việc, ông Ngữ nói.

Cũng theo ông Ngữ, phía Indonesia đã quyết định tịch thu 2 cặp tàu trị giá khoảng 20 tỷ của ông Ngữ và ông Trần Hon. Ngoài thiệt hại về tàu bị mất, hai chủ tàu còn thiệt hại hơn 10 tỷ đồng cho các chi phí bồi thường cho ngư phủ và ảnh hưởng do tàu không hoạt động.

Theo Tienphong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang