Nghe lén điện thoại: Sếp giám sát điện thoại có phạm tội?

author 10:30 26/06/2014

(VietQ.vn) - Sau tiết lộ chấn động 14.000 điện thoại bị nghe lén, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đang sử dụng các phần mềm giám sát điện thoại đang lo lắng không biết hành vi của họ có vi phạm hay không

Lãnh đạo Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an Hà Nội cho biết hình thức lợi dụng công nghệ cao để phạm tội hiện rất phức tạp, ngày càng tinh vi, người tiêu dùng rất dễ trở thành đồng phạm mà không hề hay biết

Phạm tội hình sự

Với giấy phép kinh doanh phần mềm công nghệ thông tin, thời gian qua, công ty Việt Hồng đã cung cấp phần mềm giám sát điện thoại di động gồm 2 gói: Gói Ptracker dành cho cá nhân và gói PtrackerERP dành cho doanh nghiệp. Các phần mềm này chỉ hỗ trợ hệ điều hành Androi.
Theo quảng cáo của công ty Việt Hồng: "PtrackerERP là giải pháp định vị điện thoại, quản lý/hỗ trợ nhân viên,giúp doanh nghiệp giải quyết triệt để bài toán quản lý và hỗ trợ nhân viên kinh doanh."

Tuy nhiên, người sử dụng phần mềm lại không hề biết khi bị cài đặt phần mềm Ptracker thì tất cả các dữ liệu trong máy điện thoại như danh bạ, tin nhắn, các cuộc gọi, lịch sử truy cập web… đều được lưu lại và đẩy lên máy chủ của Cty Việt Hồng. Điều này đồng nghĩa với việc mọi thao tác về mật khẩu hộp thư, tài khoản ngân hàng, hay các tài khoản khác của chủ thuê bao đều bị lộ.

Công ty Việt Hồng thu thập thông tin trái phép thông qua việc cung cấp phần mềm giám sát điện thoại

Sau khi phần mềm được kích hoạt, tất cả các dữ liệu trong máy điện thoại của người bị giám sát sẽ được lưu và đẩy lên máy chủ của Cty Việt Hồng. Người sử dụng phần mềm chỉ cần đăng nhập vào trang web của Cty Việt Hồng là có thể xem lại toàn bộ thông tin của máy điện thoại bị giám sát.

Theo phân tích, hành vi tạo ra, cài đặt, phát tán và duy trì phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng để truy cập bất hợp pháp vào máy điện thoại của nhiều người nhằm mục đích lấy thông tin riêng để lưu giữ máy chủ cung cấp cho khách hàng, thu lợi bất chính đã có dấu hiệu tội phạm theo điều 125 Bộ Luật Hình sự: Tội xâm phạm bí mật an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác.

Phạm tội mà không hề hay biết

Về mức độ nguy hiểm của phần mềm nghe lén điện thoại, Thượng tá Tạ Văn Biên, Phó phòng PC50 cho biết: Sau khi cài đặt phần mềm theo dõi này vào máy, đối tượng không chỉ khai thác những thông tin đến đời tư cá nhân mà còn có thể biết rõ được tất cả các số máy trong danh bạ, từ đó lợi dụng để giả mạo, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh.

“Người có điện thoại bị cài lén phần mềm này không hề hay biết đến sự tồn tại của nó, vì thế nên rất dễ bị lộ những thông tin quan trọng như số tài khoản ngân hàng, mật khẩu cá nhân, hay thông tin bí mật về đời tư, công việc… Các doanh nghiệp thì có thể lợi dụng phần mềm này để lấy những thông tin, dữ liệu bí mật từ phía đối tác, từ đó phục vụ cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh. Thậm chí, nếu không phải là người thân, bạn bè cài phần mềm này để theo dõi cá nhân trong gia đình mà lại để lọt vào tay tội phạm thì chắc chắn sẽ có sự ảnh hưởng lớn đến xã hội, gây ra những hậu quả khôn lường”, Thượng tá Tạ Văn Biên nói.

Rõ ràng, người sử dụng phần mềm cũng không thể lường tới hậu quả chính họ đang tiếp tay cho hành vi xâm phạm bí mật an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác.

Trong quá trình điều tra, lãnh đạo PC50 thừa nhận rất khó để phân loại đối tượng sử dụng phần mềm do công ty Việt Hồng cung cấp.

“Do không được thỏa thuận, không được biết tác hại phát sinh từ trước khi mua phần mềm, nhiều cá nhân và DN đang thực sự lo lắng liệu hành vi sử dụng phần mềm giám sát điện thoại của mình có vi phạm pháp luật hay không. DN thì mua với mục đích quản trị hoạt động nhân sự. Cá nhân thì lại chỉ nghĩ đơn giản sử dụng để giám sát theo dõi hoạt động của người thân như vợ, chồng, con cái…”

Từ đây, Thượng tá Biên cho rằng, tình hình sử dụng công nghệ cao để phạm tội hiện nay rất phức tạp, ngày càng tinh vi, người dân dễ mắc phải thủ đoạn lừa đảo này. Mặt khác,  đây cũng là hình thức phạm tội mới, những quy định xử phạt cần phải được bổ sung, chỉnh sửa cụ thể hơn.

“Một phần nguyên nhân của vấn đề này là do việc quản lý và cấp giấy phép cho các doanh nghiệp còn rất chung chung, nên nhiều doanh nghiệp kinh doanh về công nghệ thông tin đã lợi dụng những kẽ hở này để phạm luật mập mờ khiến chính người sử dụng cũng không rõ có vi phạm hay không. Chính vì thế, quy định pháp luật cần bổ sung làm rõ hơn để người dân biết, hiểu không sai phạm” Thượng tá Tạ Văn Biên nhận định.

Đâu là giới hạn cho phép?

Luật sư Phạm Thành Long (công ty Luật Gia Phạm): Theo quy định, khi cài đặt thiết bị giám sát lên tài sản của người khác, theo dõi người khác mà không được sự đồng ý của người bị giám sát thì rõ ràng là hành vi vi phạm. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có sự thỏa thuận từ trước, giới hạn theo dõi mức độ tới đâu cũng rất khó được xác định và kiểm soát. Thường thì việc cài đặt phần mềm giám sát phục vụ hoạt động quản lý của doanh nghiệp vẫn được thỏa thuận từ trước với người lao động về nội dung những ứng dụng theo dõi, tuy nhiên người lao động cũng không mấy quan tâm…

Tại Việt Nam, quy định tôn trọng bí mật riêng tư đều đã có song lại chưa được thực hiện nghiêm chỉnh. Ví như tại những nơi có lắp camera theo dõi nhưng lại rất ít khi có thông báo công khai.

 

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang