Nghệ nhân Hà Thị Cầu mà Hoài Lâm hóa thân là ai?

author 08:14 06/06/2014

(VietQ.vn) - Nghệ nhân Hà Thị Cầu mà Hoài Lâm phải hóa thân trong phần tiếp theo của "Gương mặt thân quen" được mệnh danh là "báu vật nhân gian" nhưng cuộc đời của bà ai đọc cũng rớt nước mắt.

Hà Thị Cầu - Cạn đời cho xẩm

Nghệ nhân Hà Thị Cầu tên thật Hà Thị Năm (Cầu là cách gọi theo tên con trai cả ở vùng Yên Mô, Ninh Bình). Theo một số nhận định, bà sinh năm 1917, tuy nhiên theo chị Mận, con gái của bà, thì bà sinh năm 1928 tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình ba đời hát xẩm. Cha bà là một người hát xẩm bị khiếm thị. Năm 11 tuổi, cha mất, bà cùng mẹ rời Nam Định về sinh sống tại thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Khoảng tám tuổi, bà đã bê chiếc thau đồng theo bố mẹ lê la khắp các chợ quê để hành nghề hát xẩm kiếm sống. Định cư tại Yên Mô (Ninh Bình), hai mẹ con bà nương nhờ học hát tại nhà ông trùm xẩm Chánh Trương Mậu khi đó hiện là trưởng sáu gánh hát ở Ninh Bình. Năm 16 tuổi bà trở thành người vợ thứ 18 của ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu (biệt danh là Chánh Trương Mậu). Năm đó ông Mậu 49 tuổi, từng chung sống với 17 người đàn bà, trong đó có 8 bà chính thức. Khi bà 33 tuổi thì ông Mậu qua đời để lại cho bà bảy người con; sau thì bốn người lần lượt qua đời vì bệnh đậu mùa. 

Ở với nhau có tới 7 lần sinh nở, bỏ 4 còn giữ được 3. Nhưng rồi phải cho đi một chỉ nuôi được 2 anh cả tên Cầu và chị con gái tên Mận. Từ khi chồng mất, nghệ nhân Hà Thị Cầu như người khách bộ hành cô độc giữa con đường Xẩm không hề có tương lai. 

Sự cô độc không chỉ ở chỗ những bạn nghề cứ lần lượt ra đi, mà còn cả với cách biểu diễn, hát Xẩm thường ít nhất phải 2 người nhưng bà Cầu chỉ có một. Ấy vậy nhưng bà vẫn nhất quyết giữ lấy cái nghiệp gia truyền này. Bà vẫn thường xuyên lui tới chợ ở Yên Phong quê nhà hành nghề ca hát, còn trong dịp xuân thì đi đó đây khắp các làng để hát phục vụ ở những hội xuân. Mãi tới hơn mười năm cuối đời bà mới bỏ thói quen đi ra chợ hát kiếm tiền nhưng vẫn giữ nếp tới các hội làng để hát vào dịp chính hội. 

Có lẽ cũng từ cái sự cô độc ấy mà nghệ nhân Hà Thị Cầu đã lấy rượu làm bầu bạn để quên đi những tâm sự chất chứa.  Nghe cái cách bà gọi rượu là "giời" cũng đủ thấy bà coi trọng cái đồ uống chiết xuất từ những gì tinh túy nhất của hạt gạo như thế nào.

Năm 1954, khi về định cư thì gia tài nhà bà chỉ có hai cái niêu, một dùng để rang và một dùng để nấu. Từ nhỏ bà đã hát xẩm nhưng lại không biết làm nghề gì khác nên đời sống rất nghèo khổ. Vì nghèo nên bà đã mất một người con sơ sinh còn một người nữa thì phải đem cho. Mãi về sau này mẹ con bà mới đoàn tụ. Cuối những năm 1980 nhà bà mới được cấp ruộng. Năm 1992, gia đình bà xây một căn nhà nhưng không có công trình phụ. Cho đến tận sau này, cuộc sống của bà không hề khá hơn mặc dù bà đã trở thành Nghệ sỹ ưu tú nổi tiếng, "báu vật nhân gian" như được phong tặng kèm theo nhiều giải thưởng cao quý. Đến cuối đời, bà vẫn chưa một ngày thoát khỏi cảnh nghèo khó và gia đình bà Cầu thuộc diện những hộ dân nghèo nhất xã Yên Phong.

Ai cũng biết đến bà là nghệ nhân cuối cùng của bộ môn nghệ thuật này nhưng bất kể ai từng gặp nghệ nhân Hà Thị Cầu một lần, từng ghé thăm căn nhà nhỏ bé đến mức không thể bé hơn của bà đều biết "báu vật nhân gian" sống rất khổ sở. Khổ sở đúng nghĩa với nghề hát xẩm đã gắn vào cuộc đời bà từ lúc còn ẵm ngửa

Xẩm cũng khiến bà lưu lạc khắp nơi từ Nam chí Bắc. Bà giữ xẩm vì xẩm nuôi sống bà, nuôi sống đàn con của bà, dù cái nghề bạc bẽo ấy chả vinh dự gì. Bà gắn bó thân thiết với xẩm đến mức khi ngủ cũng phải đắp chiếu vào người mới ngủ được, bởi đó là thói quen của những người hát rong bên manh chiếu rách.

Hoài Lâm sẽ phải hóa thân thành nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu

Hoài Lâm khó có thể theo được tài năng của "báu vật nhân gian" Hà Thị Cầu

Vô vàn giải thưởng

NSƯT Hà Thị Cầu có thể hát hàng trăm bài xẩm, không bài nào giống bài nào, thậm chí bà có thể ứng khẩu mà kéo nhị thành những bài hát, những câu thơ như một nghệ sĩ sáng tác. Tiếng nhị cứ như tiếng cứa, đau đến buốt lòng người nghe. Nói vui, bà hát vui, nói buồn, bà hát về nỗi buồn, nói nhân tình thế thái, bà hát về nhân tình thế thái... lại rất đúng, rất chuẩn... Xẩm là cái nghiệp đã gắn bó với bà cho đến lúc nhắm mắt...

Năm 1977, bà viết bài Theo Đảng trọn đời. Sau đó, bà được tham dự nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc, đoạt được nhiều huy chương vàng và giải thưởng đặc biệt. Năm 1981-1982, bà được Nhạc viện Hà Nội mời tham gia phụ trách chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V.

Bà đã nhận được bằng khen năm 1998 của Đài Tiếng nói Việt Nam và giải đặc biệt "Nghệ nhân hát chèo tỉnh Ninh Bình" trong Liên hoan Trích đoạn tuồng chèo hay toàn quốc.

Năm 2008, Nghệ nhân Hà Thị Cầu đã nhận được giải thưởng Đào Tấn, giải thưởng dành cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc. Bước vào tuổi 80, bà kết thúc công việc hát rong của mình. Hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà đã được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông và đã nhận được nhiều sự ủng hộ tích cực của nhiều người hảo tâm.

Những làn điệu xẩm cùng giọng hát của bà là những di sản quý giá còn lại của nghệ thuật xẩm. Bà đã được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vào ngày 25 tháng 12 năm 2004 và đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

"Báu vật nhân gian" Hà Thị Cầu mất ngày 03 tháng 03 năm 2013 tại nhà riêng ở xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình, thọ 86 tuổi.

Ngọc Chung (tổng hợp)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang