'Nghi án' C2, Rồng Đỏ nhiễm độc chì: Nhà sản xuất ‘né’ trả lời về việc thu hồi

author 13:59 11/05/2016

(VietQ.vn) - Liên quan nghi án trà xanh C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì, URC không trả lời câu hỏi về việc thu hồi, xử lý đối với số nguyên liệu nhiễm độc chì vượt mức.

Gần đây, những thông tin bị rò rỉ liên quan tới phiếu kiểm nghiệm nguyên liệu citric acid của Công ty TNHH URC Việt Nam có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang.

Cụ thể, phiếu kiểm nghiệm do Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (NIFC, Bộ Y tế) thực hiện, PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo ký ngày 21/4/2016.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy: Hàm lượng chì là 0,84mg/l. Trong khi đó, hàm lượng chì cho phép là không quá 0,05mg/l trong thành phẩm và 0,5mg/l trong nguyên liệu.

Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cũng như công ty sản xuất URC Việt Nam đều xác nhận, mẫu kiểm nghiệm này là có thật.

Phía công ty URC cho biết, cứ theo định kỳ 6 tháng một lần, URC gửi mẫu trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ đến NIFC để kiểm tra. Trong lần kiểm tra mới đây, kết quả cho thấy hàm lượng chì trong hai sản phẩm này đạt 0,84mg/l, vượt mức cho phép là 0,05mg/l.

URC Việt Nam cũng đồng thời cho kiểm tra đối chiếu tại 5 trung tâm Quartest 1, Quartest 3, Eurofin , SGS, ASE.

"Nhưng tất cả các kết quả đều không phát hiện hàm lượng chì", phía URC cho hay.

Tuy nhiên, rà soát lại các phiếu kết quả thử nghiệm của trung tâm Quatest 1, Quatest 3 và NIFC, thời gian kiểm nghiệm có sự khác nhau. Cụ thể, kết quả kiểm nghiệm của Quatest 3, thời gian thử nghiệm là từ 3/3/2016 – 8/3/2016, thời gian nhận mẫu là 2/3/2016, kết quả kiểm nghiệm của Quatest 1 được công bố vào ngày 28/3/2016, trong khi đó, trong thử nghiệm của NIFC, thời gian thử nghiệm là 15/4/2016 – 21/4/2016.

Như vậy, kết quả kiểm nghiệm của Quatest 1 và Quatest 3 có trước khi xuất hiện kết quả kiểm nghiệm của NIFC, chứ không “đồng thời” như URC đã thông báo.

Thêm vào đó, phương pháp thử của các trung tâm kiểm nghiệm cũng khác nhau, do đó, kết quả kiểm nghiệm có sự không trùng khớp cũng là điều dễ hiểu.

Kết quả thử nghiệm nguyên liệu của URC có hàm lượng chì vượt ngưỡng (trái) là kết quả mới nhất. Ảnh: P.Ngọc

Ngoài ra, trên trang Trí thức trẻ, trả lời câu hỏi của PV “tại sao kết quả kiểm tra của NIFC cho thấy nguyên liệu Citric acid nhiễm độc chì nhưng trước đó URC Việt Nam vẫn dùng để chế biến sản xuất?”, bà Nguyễn Thiên Hương, Phụ trách truyền thông của Công ty URC Việt Nam, đã khẳng định: "Nếu ngay từ đầu kiểm tra nguyên liệu mà phát hiện nhiễm độc chì thì chúng tôi sẽ không sản xuất C2. Nguyên liệu này được kiểm tra sau khi đã sản xuất".

Tuy vậy, trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, bà Hương lại phản bác thông tin trên là “không đúng”. Bà Hương nhấn mạnh: Bà không nói như vậy?!

Trước tình huống này, nhiều độc giả không khỏi băn khoăn về sự bất nhất trong các phát ngôn cũng như trong các thông tin mà URC phát đi.

Và khi chưa có kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng, điều mà nhiều người tiêu dùng quan tâm hiện nay đó là: URC đã sử dụng nguyên liệu nhiễm độc chì vượt phép cho bao nhiêu sản phẩm C2, Rồng Đỏ phân phối ra thị trường? Đã có bao nhiêu người uống nước C2, Rồng Đỏ sử dụng nguyên liệu nhiễm độc chì vượt phép này và sức khỏe của họ rồi sẽ ra sao? Bởi trong quá khứ, nước tăng lực Rồng Đỏ của URC đã từng bị nghi vấn là thủ phạm gây ra vụ ngộ độc cho cháu nhỏ 11 tuổi ở Bố Trạch (Quảng Bình). 

Trước nỗi lo lắng của người tiêu dùng, sáng 11/5/2016, PV Chất lượng Việt Nam đã đặt câu hỏi về “kế hoạch tịch thu các sản phẩm nhiễm độc và xử lý thế nào đối với số nguyên liệu nhiễm độc chì?” cũng như băn khoăn về việc “những sản phẩm đã kiểm định và những nguyên liệu đã kiểm nghiệm có nhiễm độc chì, hiện nay đang ở đâu?”.

Mặc dù vậy, phản hồi lại Chất lượng Việt Nam, bà Hương đã “né” không trả lời thẳng vào những câu hỏi trên.

Bà Hương chỉ khẳng định: Các lần kiểm nghiệm của Quatest 1 & Quatest 3 đều cho kết quả âm tính, tức là nguyên liệu và sản phẩm đều an toàn với người sử dụng.

Rồng Đỏ và C2 vẫn chưa đưa ra được các bằng chứng chứng minh sản phẩm của mình đảm bảo an toàn.

Trước đó, chia sẻ với PV Chất lượng Việt Nam, bác sỹ Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã nhấn mạnh: Nhiễm độc chì trong thực phẩm rất nguy hiểm.

Bởi “chì là một kim loại nặng thuộc nhóm kim loại độc cần phải lưu tâm. Nếu ăn (hoặc uống) với hàm lượng nhiều sẽ có thể xảy ra nhiễm độc cấp tính hoặc mãn tính tùy thuộc mức độ dung nạp hàm lượng chì vào cơ thể của người dân…

Nếu dùng nhiều và trong thời gian dài dễ gây nguy cơ ngộ độc, nhiều người không ngộ độc cấp tính luôn mà tích tụ thành bệnh về lâu về dài” – ông Hưng nói.

Để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, trước các thông tin rúng động về “nghi án” C2, Rồng Đỏ nhiễm độc chì trên, Bộ Y tế đã lấy mẫu kiểm nghiệm, đồng thời ra quyết định thành lập đoàn công tác, kiểm tra việc thực hiện an toàn thực phẩm của công ty URC.

Thanh tra Bộ Y tế vừa ký Quyết định số 67/QĐ-TTrB về việc thành lập đoàn công tác tiến hành khảo sát một số nội dung liên quan đến bảo đảm an toàn thực phẩm của Công ty TNHH URC Việt Nam. Quá trình làm việc, khảo sát tại Công ty URC Việt Nam là 15 ngày tại cả hai khu vực phía bắc và phía nam, do ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế làm Trưởng đoàn.

Độc tố chì vô cùng nguy hại.

Nhiễm các kim loại nặng, đặc biệt là Chì (Pb) có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc sử dụng nước nhiễm một lượng chì lớn và trong thời gian dài có thể khiến một người bị nhiễm độc và thậm chí tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

Chúng ta cùng phân tích một số tác hại không thể không kể đến của chì đối với sức khỏe:

1. Đối với trẻ em có mức hấp thụ chì cao gấp 3-4 lần người lớn. Chì tích tụ ở xương, cản trở chuyển hóa Canxi bằng cách kìm hãm sự chuyển hóa vitamin D, gây độc cả cơ quan thần kinh trung ương lẫn thần kinh ngoại biên. Đặc biệt, Chì gây tác động mãn tính tới phát triển trí tuệ. Ngộ độc Chì còn gây ra biến chứng viêm não ở trẻ em.

2. Chì tác động lên hệ thống enzyme vận chuyển hiđro gây nên một số rối loạn cơ thể, trong đó chủ yếu là rối loạn bộ phận tạo huyết (tủy xương). Tùy theo mức độ nhiễm độc có thể gây ra những tai biến, nếu nặng có thể gây tử vong.

3. Với những phụ nữ có thai thường xuyên tiếp xúc với chì khả năng sẩy thai hoặc thai nhi chết sau khi sinh là rất lớn 4. Chì có tác dụng rất độc hại cho cơ thể con người và có thể gây ra một số bệnh kinh niên, mãn tính, ví dụ như bệnh thận hay bệnh thần kinh.

 >> Thông tin C2 nhiễm độc chì vượt mức, chuyên gia lo lắng: 'Cực nguy hiểm!'

 Dương Phương Ngọc

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang