Nghị định 115 mở đường cho tổ chức nghiên cứu trong trường đại học phát triển

author 11:33 06/11/2014

(VietQ.vn) - Nhiều trung tâm, viện nghiên cứu đã sống khỏe, sống có ích hơn nhờ cơ chế thông thoáng từ Nghị định 115/2005/NĐ-CP và Nghị định 80/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Sáng nay (6/11), Tạp chí Tia Sáng - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội thảo: Tự chủ ở các tổ chức nghiên cứu của các trường đại học. Tham gia vào hội thảo này có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc và đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học, giám đốc các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu của các cơ quan, trường đại học.

GS. TS Dương Nguyên Vũ – Viện John von Neumann – Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh

GS. TS Dương Nguyên Vũ – Viện John von Neumann cho rằng, các sản phẩm nghiên cứu cần được doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh đưa ra thị trường để phục vụ xã hội nhưng sau đó, giá trị của nó cần phải tái đầu tư cho nghiên cứu và phát triển tiếp theo. Ảnh: N. N

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các tổ chức nghiên cứu không phải là vấn đề mới hiện nay trong lĩnh vực KH&CN. Các viện nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước ở các nước phát triển đóng góp vai trò rất lớn cho phát triển xã hội. Tại các nước như Pháp, Đức hoặc Anh, những người làm trong các đơn vị nghiên cứu đa phần là các công chức nhà nước. Các nước cũng tiến hành tự chủ. 

"Vào năm 1986, khi Trung Quốc mở cửa, tiền đầu tư phát triển ở trung ương có khoảng 50% tiền sự nghiệp KH&CN dành cho nghiên cứu, còn ở địa phương là dưới 20% dành cho nghiên cứu phát triển. Điều này cho thấy các nước rất quan tâm đến việc nghiên cứu và phát triển các trung tâm và viện", Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết.

Thực tế ở Việt Nam hiện nay cho thấy, Nghị định 115 ra đời có nhiều tư tưởng và cơ chế đổi mới trong đó, nhưng sự hấp thụ và phát triển các trung tâm, viện nghiên cứu theo quy định của Nghị định 115 lại diễn ra rất chậm.

Tuy nhiên, khi các đơn vị đã bắt nhịp được với cơ chế chính sách cởi mở, họ lại phát triển rất mạnh, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và xã hội. Một ví dụ điển hình diễn ra tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện nay, có rất nhiều trung tâm, đơn vị nghiên cứu của Học viện này đang làm ăn và phát triển rất tốt nhờ cơ chế của Nghị định 115.

PGS. TS Nguyễn Tất Cảnh - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, ở Học viện này, chuyện bán giống cây trồng thu lợi tới 10 tỷ hoặc 5 tỷ đồng/giống đang là chuyện rất bình thường. Còn những giống bán vài trăm triệu/giống là thường xuyên và phổ biến. Hiện nay, Học viện này đang đẩy mạnh bán giống vật nuôi chất lượng cao và sẽ phủ rộng trên phạm vi khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Theo PGS. TS Nguyễn Tất Cảnh, để làm được điều đó, ngoài cơ chế thông thoáng từ Nghị định 115, còn là việc linh hoạt trong áp dụng tại Học viện. Ở Học viện này, không có chuyện bao cấp hoàn toàn kinh phí nghiên cứu và phát triển. Các tiến sỹ phải đi ra thị trường, tự tham gia đấu thầu. Nếu các nhà khoa học tại học viện, có những bài báo công bố quốc tế xuất sắc, sẽ được thưởng lớn và được ưu tiên đào tạo và bố trí công việc. 

Cũng theo PGS. TS Nguyễn Tất Cảnh, một trong những thế mạnh và tạo dựng nguồn nhân lực hiệu quả, chất lượng cao của các đơn vị thuộc Học viện là việc tận dụng và sử dụng chính những sinh viên có trình độ tốt và giỏi của trường. Lực lượng này chính là nguồn lực và thế mạnh đối với việc phát triển và đưa các sáng tạo của các trung tâm, các viện của Học viện tới với doanh nghiệp và xã hội.

TS. Tạ Hải Tùng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về công nghệ định vị sử dụng vệ tinh NAVIS

TS. Tạ Hải Tùng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS) cho rằng, Luật KH&CN năm 2013 với hình thức quỹ đầu tư KH&CN cũng như cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng - đây là bước đột phá quan trọng, tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của các nhà khoa học. Ảnh: N. N

Nói về cơ chế theo quy định của Nghị định 115 hiện nay, GS. TS Dương nguyên Vũ - Viện trưởng Viện John von Neumann – Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay có nhiều trung tâm và viện chưa rõ các quy định của Nghị định 115.

Theo GS. TS Vũ, các tổ chức khoa học trong các trường được giao thêm một chức năng như một doanh nghiệp, đây là điều rất khó bởi họ phải đi hai chân, cả nghiên cứu và đào tạo. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm của các viện hoặc trung tâm nghiên cứu có thể là chuyển giao cho các doanh nghiệp, từ đó các doanh nghiệp sẽ phát triển các nghiên cứu thành các sản phẩm, đem lại nguồn thu và đầu tư quay trở lại.

Trên thực tế, các nghiên cứu của các trung tâm và viện, không hẳn là sản phẩm sử dụng, ứng dụng mà nó là các nghiên cứu để làm ra tri thức, giá trị cho xã hội. Để các trung tâm và viện hoạt động tốt, theo GS. TS Vũ không nên để họ tự chủ hoàn toàn về mặt tài chính, không phải tự quản, không phải muốn làm thế nào để sống được thì sống mà tự chủ đó là nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho các viện nghiên cứu. Với sự hỗ trợ của nhà nước, các đơn vị đó sẽ làm ra được tài chính qua các đề tài, dự án nghiên cứu.

Còn theo TS. Tạ Hải Tùng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS), để thúc đẩy quá trình tự chủ của các đơn vị, cách đơn giản nhất có thể thực hiện ngay là công khai và minh bạch hóa quy trình đấu thầu từ đánh giá, xét duyệt đến nghiệm thu các đề tài và dự án cấp nhà nước. Với cách làm đó, những đơn vị không làm ra các sản phẩm sẽ không được tiếp cận với các nguồn vốn từ ngân sách và những đơn vị nghiên cứu tốt sẽ chứng minh được năng lực của mình.

Nguyễn Nam


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang